05/10/2015

Dự án bãi đậu xe ngầm tại TPHCM: Hơn chục năm vẫn chỉ là ước mơ

Hơn chục năm quy hoạch các bãi đậu xe ngầm trên địa bàn Thành phố, đến nay, khó khăn về vốn là một trong những trở ngại khiến nhiều nhà đầu tư xin rút lui khỏi dự án. Điều này đòi hỏi không chỉ chính quyền Thành phố mà các tổ chức tài chính trong và ngoài nước cùng tham gia rót vốn.


Bãi đậu xe tại Công viên Lê Văn Tám được khởi công cách đây5 năm, nhưng đến nay dự án vẫn im lìm.

Tập đoàn Vingrourp vừa trình UBND TP. Hồ Chí Minh (TPHCM) phương án xây dựng bãi đậu xe ngầm tại khu vực sân vận động Hoa Lư (Q.1) theo hình thức đối tác công tư (PPP), trên cơ sở hợp đồng xây dựng – sở hữu – kinh doanh (BOO), với tổng mức đầu tư dự kiến lên đến trên 3.300 tỷ đồng, trong đó vốn chủ đầu tư chiếm 20%, còn lại là vốn vay thương mại. Với tiềm lực tài chính mạnh và uy tín trên thị trường, Vingourp được giới chuyên môn kỳ vọng sẽ làm nên sự thay đổi và sớm biến một trong những dự án bãi đậu xe ngầm của thành phố trở thành hiện thực.

Trước đó, dự án bãi đậu xe ngầm Hoa Lư với quy mô tổng diện tích sàn để xe gần 48.000 m2 đã từng được giao cho Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương làm chủ đầu tư, nhưng sau một thời gian xoay sở tính toán, đến cuối năm 2014, Công ty này đã phải xin rút khỏi dự án do gặp phải khó khăn về nguồn lực, đồng thời trong bối cảnh kinh doanh còn nhiều khó khăn, Tổng Giám đốc Công ty cũng đưa ra lý do quan ngại về khả năng chậm thu hồi vốn của dự án.

Không riêng gì dự án bãi đậu xe ngầm tại khu vực sân vận động Hoa Lư mới chịu cảnh “dây dưa” qua nhiều năm mà nhiều dự án bãi đậu xe ngầm của thành phố đã được lên kế hoạch chỉn chu, giao cho chủ đầu tư nhưng cuối cùng vẫn chịu cảnh “án binh bất động” nhiều năm, do những khó khăn vướng mắc khiến chủ đầu tư sau thời gian nghiên cứu, tìm hiểu đã xin rút lui. Cụ thể, ngay đầu năm 2015, chủ đầu tư dự án bãi đậu xe ngầm tại công viên Tao Đàncũng đã xin rút lui khỏi dự án này sau nhiều năm theo đuổi. Đại diện đơn vị này cũng từng chia sẻ về lý do “bỏ của chạy lấy người”, không chỉ bởi thủ tục rườm rà, nhiêu khê kéo dài thời gian khiến việc đầu tư lập dự án, điều chỉnh quy hoạch thiết kế gặp trở ngại. Chủ đầu tư bỏ tiền tỷ ra ký kết với các nhà thầu phụ khác, xong chưa thể triển khai theo như tiến độ đề ra, khiến chi phí tăng cao… Chính vì vậy, việc “rút chân” ra sớm là giải pháp được nhiều chủ đầu tư lựa chọn.

Theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM, theo quy hoạch đã được phê duyệt, khu vực trung tâm Thành phố sẽ có khoảng chục bãi đậu xe ngầm. Hiện chỉ có duy nhất bãi đậu xe ngầm dưới công viên Lê Văn Tám (Q.1) đã được khởi công, song dự án vẫn chưa biết đến bao giờ mới đặt viên gạch đầu tiên chứ chưa nói đến hoàn thiện đưa vào sử dụng, do vẫn còn vướng một số điều chỉnh quy hoạch. Còn lại các dự án khác vẫn gặp rất nhiều khó khăn, từ thu hút đầu tư, cơ chế chính sách, thủ tục… trong đó một số chủ đầu tư đã xin rút lui vì không đủ kiên trì. Vì vậy, cho đến nay một số công trình bãi đậu xe ngầm của Thành phố vẫn đang trong tình trạng kêu gọi, thu hút đầu tư bởi nhu cầu ngày một bức thiết, song hiện chưa có một cơ chế cụ thể cho các chủ đầu tư bãi đậu xe ngầm thuận lợi hơn khi bắt tay vào triển khai dự án. Số vốn đầu tư ban đầu bỏ ra cho các dự án là quá lớn, lên đến cả ngàn tỷ, nhưng khả năng thu hồi vốn chậm là trở ngại chính khiến cho các công trình ngầm vẫn chỉ nằm trong kế hoạch.

Thống kê sơ bộ của Ban An toàn Giao thông TPHCM, số lượng phương tiện giao thông trên địa bàn đã lên đến trên 7 triệu xe cơ giới, chưa kể số lượng lớn xe từ các tỉnh, thành khác lưu thông vào thành phố. Đáng lo ngại hơn, bình quân mỗi ngày TPHCM có thêm khoảng 1.000 xe gắn máy và 100 xe ô tô đăng ký mới. Điều này khiến cho thành phố gần 10 triệu dân luôn chịu áp lực cả về hành lang lưu thông lẫn bãi đậu xe, khi các phương tiện không lưu thông trên đường. Để khắc phục tình trạng này, tại nhiều cuộc họp bàn của UBND TPHCM, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho việc hiện thực hóa và sớm đưa vào sử dụng các bãi đậu xe ngầm, lãnh đạo Thành phố đã yêu cầu các sở, ngành có liên quan đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc về thủ tục đầu tư,quy hoạch, thuế, mức thu phí đậu xe… Trong đó việc xây dựng bãi xe ngầm nên được coi là đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ xã hội để có những chính sách ưu đãi về vốn với lãi suất phù hợp, chứ không nên coi như các dự án cho vay bất động sản thông thường. Tuy nhiên, việc tháo gỡ đi vào thực tế đến đâu thì ngay cả các chủ đầu tư cũng như người dân Thành phố vẫn còn phải tiếp tục chờ đợi.

Tuyết Thanh/ Báo Xây dựng