20/10/2015

Đột phá trong chỉnh trang đô thị

Những năm qua, TP Hồ Chí Minh đã có những đột phá mạnh mẽ trong công tác quy hoạch và chỉnh trang đô thị. Nhiều công trình giao thông, kiến trúc hiện đại mọc lên, hàng nghìn người dân sống trong những khu nhà lụp xụp ven kênh rạch, những chung cư cũ đã thay đổi cuộc sống. Niềm tin về một thành phố phát triển văn minh, hiện đại, nghĩa tình càng có thêm cơ sở hơn khi Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ 10 đã xác định “Chỉnh trang và phát triển đô thị” là chương trình đột phá mới của thành phố.


Một đoạn kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè hôm nay. Ảnh: Nguyễn Xuân Thanh Xuân

Hạnh phúc bình dị

Chị Nguyễn Thị Mai, ngụ chung cư Tân Phước, quận 11 không giấu được niềm vui khi về sinh sống trong căn nhà tái định cư khang trang, sạch sẽ. Gia đình chị và 500 hộ dân khác được tái định cư tại chỗ khi di dời để bàn giao chung cư Tân Phước cũ xuống cấp cho chủ đầu tư xây dựng. Chỗ ở không xáo trộn, việc làm và việc học của con không bị ảnh hưởng là những hạnh phúc bình dị nhất mà chị Mai và những hộ dân được hưởng lợi từ chương trình xây mới chung cư cũ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh trong những năm qua.

Khi đường Trường Sa cặp theo tuyến kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè hoàn thành, bà Trần Thị Thanh, có nhà ở đường Phạm Văn Hai, quận Tân Bình, rất mừng. Bà Thanh thổ lộ, từ ngày ngôi nhà trên đường Trường Sa được ra mặt tiền, bà đã sửa sang lại thành ki-ốt rộng 20 m2 và cho thuê, đủ tiền để vợ chồng bà chi tiêu hằng tháng, thậm chí còn gửi tiết kiệm.

Sau khi được cải tạo, kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè không còn hôi thối nữa. Nước kênh dần xanh lại. Hai con đường Trường Sa, Hoàng Sa rất mát mẻ nên các hộ mặt tiền đều muốn buôn bán, kinh doanh.

Cuộc sống người dân được cải thiện, diện mạo phố thị cũng ngày càng khang trang hơn. Những chung cư cũ dần được thay thế, những căn nhà tạm bợ, lụp xụp dần biến mất nhường chỗ cho những công trình công cộng rợp bóng cây xanh.

Quận 8 là minh chứng rõ nhất cho sự thay đổi của bộ mặt đô thị. Trước đây, quận 8 là nơi có số nhà tạm bợ ven kênh rạch nhiều nhất thành phố với khoảng 11 nghìn căn nhà nằm ven các kênh Tàu Hủ – Bến Nghé, Lò Gốm, kênh Đôi… Trong đó, chỉ riêng ba phường 9, 10 và 11 của rạch Ụ Cây đã có hơn 2.550 căn nhà tạm với hơn 13.700 cư dân. Những căn nhà tạm bợ này đã hạn chế lợi thế về cảnh quan sông nước của quận 8. Thế nhưng, hình ảnh nhếch nhác, hôi hám của tuyến rạch Ụ Cây đã dần được xóa bỏ. Chương trình di dời, bố trí tái định cư các hộ dân ở rạch Ụ Cây được thực hiện với mục tiêu kết hợp việc chỉnh trang đô thị, xây dựng khu vực này thành một khu đô thị mới văn minh, hiện đại, đầy đủ các dịch vụ thương mại, giáo dục, thể thao, giải trí… Đến nay, đã có hàng nghìn hộ dân được di dời, nhận căn hộ tái định cư ở chung cư Tân Mỹ (quận 7) và chung cư An Sương (quận 12).

Thành công bước đầu của dự án rạch Ụ Cây cũng là điểm sáng để tin rằng chương trình xóa nhà tạm bợ ven kênh rạch của TP Hồ Chí Minh sẽ thành công.

Sự hồi sinh của những dòng kênh

Sự đổi thay lớn nhất của bộ mặt đô thị TP Hồ Chí Minh trong những năm qua có lẽ là sự hồi sinh của ba con kênh lớn ở trung tâm thành phố, đó là Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Tàu Hủ – Bến Nghé và Tân Hóa – Lò Gốm. Sự hồi sinh này kéo theo sự thay đổi về cuộc sống của hàng nghìn người dân trước đây sống trong những căn nhà chen chúc, chật chội.

Từ năm 2002, dự án cải tạo vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè (giai đoạn một) được thiết kế với tổng mức đầu tư gần 8.600 tỷ đồng. Sau gần 10 năm triển khai, công trình xây dựng, cải tạo kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè và đường Hoàng Sa, Trường Sa dọc tuyến kênh được khánh thành, đánh dấu sự hồi sinh của một dòng kênh chết. Giờ đây, nước kênh đã xanh trở lại, cá tung tăng bơi lội, 1,2 triệu người sống quanh lưu vực kênh, hầu hết là người nghèo, đã có hệ thống thu gom nước thải tập trung, bảo đảm vệ sinh, giảm nguy cơ ngập lụt. Đêm đêm, ánh đèn trên và dưới chân cầu bắc qua kênh chiếu sáng, soi rõ mầu nước xanh trong; người dân tản bộ dọc bờ kênh hóng mát, tập thể dục. Hai bên kênh, quán xá đông đúc, không khí bán buôn đậm chất Sài thành…

Tương tự, chỉ cần đi một vòng dọc tuyến kênh Tân Hóa – Lò Gốm hôm nay, mọi người đều cảm nhận rõ sự đổi thay của “dòng kênh đen” một thời. Hai hàng cây xanh mướt mát được trồng thẳng tắp suốt chiều dài dòng kênh. Hai bên vỉa hè được lát đá cao cấp cùng hệ thống rào chắn được trang trí hoa văn bắt mắt. Có được những điều đó là nhờ dự án nâng cấp đô thị TP Hồ Chí Minh giai đoạn 1 đã hoàn thành với sáu hạng mục, trong đó có việc cải tạo kênh và đường dọc kênh Tân Hóa – Lò Gốm. Công trình đi qua bốn quận: 6, 11, Tân Phú và Tân Bình với mức đầu tư hơn năm nghìn tỷ đồng.

Theo Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, thành phố sẽ tiếp tục di dời và bố trí tái định cư cho 17 nghìn hộ dân sống ven và trên kênh rạch. Số lượng người dân di dời tập trung chủ yếu ở các tuyến kênh rạch như khu vực Tân Hóa – Lò Gốm và các chi lưu; kênh Tham Lương – Bến Cát, Vàm Thuật – Rạch Nước Lên; các chi lưu Nhiêu Lộc – Thị Nghè; kênh Đôi – kênh Tẻ, kênh Hàng Bàng, rạch Ụ Cây, kênh Ba Bò… trên địa bàn 14 quận, huyện (quận 5, 6, 7, 8, 11, 12, Bình Tân, Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức và huyện Bình Chánh).

Dự án cải thiện môi trường lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè giai đoạn hai có tổng vốn 450 triệu USD đang tiếp tục được triển khai. Mục tiêu lớn của giai đoạn hai là khôi phục, bảo tồn hệ sinh thái sông Sài Gòn, hạ lưu sông Đồng Nai và cải tạo chỉnh trang đô thị. Khi giai đoạn hai của dự án hoàn thành vào năm 2020 sẽ giúp cải thiện tình trạng ngập úng, thu gom và xử lý nước thải, thay đổi bộ mặt đô thị cho hơn 1,2 triệu dân sinh sống quanh lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè trên địa bàn các quận 1, 2, 3, 10, Phú Nhuận, Tân Bình, Bình Thạnh, Gò Vấp…

Theo Vũ Nguyên/Báo Nhân dân