14/12/2016

Đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng tăng trưởng xanh Việt Nam

Ngày 13/12, Báo Tài nguyên & Môi trường (Bộ TN&MT) phối hợp với Cục Khí tượng Thủy văn & Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) và Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Ứng phó với Biến đổi khí hậu Việt Nam (Bộ KH&CN) tổ chức Hội thảo “Doanh nghiệp đổi mới sáng tạo ứng phó với Biến đổi khí hậu (BĐKH) – Nâng cao chất lượng tăng trưởng xanh Việt Nam”.

Tham dự hội thảo có ông Hoàng Văn Thành, Tổng biên tập Báo Tài nguyên & Môi trường; ông Trương Đức Trí, Phó Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn & BĐKH; ông Trương Văn Đạt, Phó Vụ trưởng Vụ Thi đua, Khen thưởng & Tuyên truyền; ông Nguyễn Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách TN&MT; ông Phạm Văn Lợi, Viện trưởng Viện Khoa học Môi trường; PGS.TS Lê Đình Cúc, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam…

BĐKH hiện đang là vấn đề thời sự nóng, để giải quyết vấn đề này, COP 21 vừa qua đã đưa ra nhiều chính sách của thế giới. Đặc biệt, Nghị quyết 24 của Trung ương cũng bàn về vấn đề này. Hội thảo này không chỉ là “đòn bẩy” giúp các doanh nghiệp phát triển sản phẩm, từng bước phát huy giá trị gia tăng từ ý tưởng BĐKH, mà còn là cầu nối giữa doanh nghiệp và thị trường ứng dụng các sản phẩm KHCN.

Qua đó, hỗ trợ để thương mại hóa các sản phẩm khoa học công nghệ xanh, sạch đang là hướng đi tích cực trong công cuộc ứng phó với BĐKH, khuyến khích các doanh nghiệp cùng đóng góp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về BĐKH; giúp các cơ quan Nhà nước, các tổ chức có cái nhìn tổng quan hơn về khoa học công nghệ Việt Nam trong tiến trình công nghiệp hóa gắn liền với tăng trưởng xanh, góp phần nâng cao năng lực quản lý cho các Bộ, ngành, địa phương và làm tiền đề hợp tác với các đối tác phát triển.

Hội thảo cũng là cơ sở để các doanh nghiệp chủ động lên kế hoạch nghiên cứu và đầu tư đúng hướng, phù hợp với nhu cầu thị trường khoa học công nghệ ứng phó với BĐKH trong nước. Việc đón đầu xu thế sẽ góp phần tăng lợi thế cạnh tranh cho tất cả các quy mô doanh nghiệp, thu hút nguồn đầu tư cả trong nước và quốc tế.

Đây cũng là cơ hội tốt để các nhà khoa học, các doanh nghiệp có thể mở rộng hợp tác nghiên cứu với nhau, từ đó có cơ hội để cập nhật thêm nhiều kiến thức mới. Chủ động lên kế hoạch nghiên cứu và đầu tư đúng hướng, phù hợp với nhu cầu thị trường khoa học công nghệ ứng phó với BĐKH trong nước. Việc đón đầu xu thế sẽ góp phần tăng lợi thế cạnh tranh cho tất cả các quy mô doanh nghiệp, thu hút nguồn đầu tư cả trong nước và quốc tế.

Theo ông Nguyễn Quang Huy, hiện nay Việt Nam đứng thứ 31 trên thế giới về lượng phát thải khí nhà kính (KNK), cường độ phát thải KNK trên đầu người của Việt Nam thấp hơn trung bình thế giới nhưng cường độ phát thải trên một đơn vị GDP cao hơn trung bình thế giới.

Việt Nam đã đệ trình Đóng góp dự kiến cho quốc gia tự quyết định lên UNFCCC, trong đó cam kết mức giảm phát thải KNK so với kịch bản phát triển thông thường (BAU) là 8% vào năm 2030, sẽ tăng lên 25% nếu có thêm hỗ trợ quốc tế. Khi xây dựng mục tiêu giảm nhẹ này, nước ta đã tính đến phương án giảm phát thải thông qua xây dựng và vận hành thị trường các–bon nội địa.

Hiện nay, dưới sự tài trợ của Ngân hàng thế giới, Việt Nam đã xây dựng dự án Chuẩn bị sẵn sàng cho thị trường các-bon tại Việt Nam (VN-PMR) và đang chuẩn bị bước vào giai đoạn triển khai. Đây là dự án định hướng việc phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam cũng như cung cấp những công cụ thị trường giúp giảm phát thải KNK thông qua việc thử nghiệm với 2 lĩnh vực là sản xuất thép và quản lý chất thải rắn. Đồng thời, thông qua việc nghiên cứu, xây dựng và thí điểm thị trường các-bon cùng với các công cụ thị trường sẽ kiểm soát phát thải KNK.

Để nắm bắt các cơ hội và lợi ích từ việc xây dựng và phát triển thị trường các-bon, Chính phủ Việt Nam cần đẩy mạnh giải quyết các thách thức về năng lực giúp xây dựng và quản lý một phần thị trường trao đổi tín chỉ các-bon trong nước; khung chính sách để vận hành và quản lý thị trường; việc thiếu các nghiên cứu khả thi về khả năng tham gia thị trường các-bon đối với từng lĩnh vực cụ thể và ý thức, kiến thức của doanh nghiệp Việt Nam về giảm nhẹ phát thải KNK.

Ông Nguyễn Quang Tùng, Giám đốc KH&CN Công ty Thoát nước và Phát triển đô thị Vũng Tàu (BUSADCO) cho biết: BUSADCO đã nghiên cứu và ứng dụng thành công các sản phẩm cấu kiện bê tông đúc sẵn cốt sợi phi kim trong các công trình xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, nông thôn, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó với BĐKH.

Việc ứng dụng bê tông cốt sợi phi kim góp phần bổ sung, đa dạng hóa ngành công nghệ vật liệu trong nước và tiên phong ứng dụng công nghệ mới tiên tiến trên thế giới; các sản phẩm khoa học và công nghệ được hình thành từ kết quả nghiên cứu đã ứng dụng công nghệ vật liệu mới như: bê tông cốt thép thành mỏng đúc sẵn, bê tông cốt sợi phi kim thành mỏng đúc sẵn.

Các đại biểu tham gia hội thảo đã tập trung thảo luận các nội dung tập trung vào xu hướng lựa chọn các sản phẩm công nghệ tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường của người tiêu dùng hiện nay. Khả năng tiếp cận các quỹ đầu tư mạo hiểm với sự đầu tư kỹ lưỡng về ý tưởng và mô hình kinh doanh của các doanh nghiệp. Hành lang pháp lý của Nhà nước được mở rộng, hỗ trợ để tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tư nhân, các trường đại học, cơ quan nghiên cứu, các tổ chức phi chính phủ cùng hợp tác, mở ra cánh cửa công nghệ mới, công nghệ sạch của Việt Nam.

Tổng kết hội thảo, Tổng biên tập Báo Tài nguyên & Môi trường Hoàng Văn Thành đánh giá cao các chuyên gia, nhà quản lý đã cung cấp thông tin, chia sẻ. “Chúng tôi sẽ chuyển tải những ý kiến đóng góp của quý vị tới các cơ quan truyền thông báo chí và Bộ TN&MT; đồng thời báo cáo lãnh đạo Bộ TN&MT những vấn đề liên quan đến chính sách quản lý tài nguyên, môi trường và ứng phó với BĐKH”.

Lê Mỹ/Báo Xây dựng