03/10/2019

Đổi mới quản lý phát triển kiến trúc từ Luật Kiến trúc

(Tạp chí KTVN 225) – Kiến trúc là lĩnh vực đa ngành được tích hợp từ văn hóa, nghệ thuật và khoa học kỹ thuật, có tác động mạnh đến phát triển kinh tế – xã hội và tổ chức không gian sống của con người, là dấu ấn của mỗi địa phương, vùng, quốc gia trong mỗi thời kỳ phát triển nhất định. Trên thế giới, đây là vấn đề được quan tâm trong sáng tạo, trong hành nghề và cả trong quản lý từ rất sớm. Không ít quốc gia đã thể chế hóa trong các văn bản pháp quy và cả trong luật (như Pháp có từ năm 1977, Hàn Quốc từ năm 1963, Singapore từ năm 1991…)

Tổng thể kiến trúc đô thị nhiều nơi còn lộn xộn, bê tông hoá cứng nhắc cần có những công cụ quản lý và chỉnh trang hiệu quả khi thi hành Luật Kiến trúc

Tổng thể kiến trúc đô thị nhiều nơi còn lộn xộn, bê tông hoá cứng nhắc cần có những công cụ quản lý và chỉnh trang hiệu quả khi thi hành Luật Kiến trúc

Việt Nam ngay từ những năm đầu sau Cách mạng tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà Nước đã quan tâm và khẳng định vai trò của kiến trúc trong xây dựng đất nước, trong đó rất chú trọng đến công tác quản lý thông qua các văn bản quản lý và định hướng phát triển. Năm 1991, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành chỉ thị 19/CT; Năm 1994, Chính phủ đã ban hành Nghị định 91/NĐ-CP; Nghị quyết Hội nghị lần V của Ban chấp hành Trung Ương Đảng khóa VIII; Nghị quyết hội nghị lần thứ 9 khóa XI… Các văn bản này đều xác định rõ những nội dung quan trọng trong phát triển đất nước, trong đó có nội dung về phát triển kiến trúc Việt Nam.

Năm 2002 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định 112/2002/QĐ-TTg về định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam. Tiếp đó đã có một số định hướng được xác định trong các Luật có liên quan như Luật Xây dựng 2003, 2014, Luật Quy hoạch đô thị 2009, Luật Nhà ở 2005, 2014 và nhiều nghị định, thông tư…

Kiến trúc Việt Nam đã có những bước phát triển, những kết quả đáng kể song cũng bộc lộ những hạn chế, bất cập trong đó có nguyên nhân từ thể chế chưa đồng bộ. Từ đó cho thấy rất cần có công cụ pháp lý có hiệu lực cao, đồng bộ các vấn đề (nhất là về hành nghề và quản lý). Từ gần 10 năm trước đã có đề xuất cần thiết xây dựng Luật Kiến trúc, song phải đến 2019 Luật Kiến trúc mới được Quốc hội thông qua. Đây là dấu mốc quan trọng tác động đến toàn xã hội, đến Ngành Xây dựng. Nhiều nội dung liên quan đến toàn xã hội, đến Ngành Xây dựng, trong đó có nội dung quan trọng là quản lý phát triển kiến trúc đô thị và nông thôn.

Một hình thức kiến trúc nhà liền kề trong đô thị cần được nghiên cứu để quản lý phát triển đồng bộ cảnh quan, thẩm mỹ

Một hình thức kiến trúc nhà liền kề trong đô thị cần được nghiên cứu để quản lý phát triển đồng bộ cảnh quan, thẩm mỹ

Xác định bản sắc văn hoá dân tộc trong kiến trúc

Trong hoạt động kiến trúc việc kế thừa, phát huy giá trị kiến trúc truyền thống là một trong nhiều nguyên tắc đã được xác định.

Ngay từ năm 2002 định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2020 được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 112/2002/QD-TTg đã xác định:

– Tăng cường quản lý Nhà nước về kiến trúc theo định hướng phát triển kiến trúc hiện đại giàu bản sắc dân tộc;

– Tổng thể kiến trúc mỗi vùng và đô thị phải có bản sắc riêng phù hợp với điều kiện kinh tế, tự nhiên, dân số, xã hội, khoa học, kỹ thuật, truyền thông văn hóa lịch sử của địa phương và các đồ án quy hoạch xây dựng được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

– Bộ Xây dựng tổ chức thực hiện định hướng, xây dựng chương trình khung thực hiện.

Trên cơ sở đó, nhiều nghiên cứu khoa học, nhiều địa phương, vùng đã tổ chức nghiên cứu nhằm cụ thể hóa quy định trong Luật Kiến trúc 2019 “UBND cấp Tỉnh có trách nhiệm quy định bản sắc văn hóa dân tộc phù hợp với vùng, miền và địa phương mình”. Đây có thể được xem là yêu cầu cần thiết nhưng cũng là thách thức đòi hỏi các Tỉnh, TP trực thuộc Trung Ương phải sớm rà soát lại các nghiên cứu khoa học và kết quả đã làm và hoàn chỉnh để sớm thể chế hóa, công bố bản sắc văn hóa trong kiến trúc của địa phương. Cùng với đó, công tác quảng bá, thông tin tới cộng đồng và nâng cao năng lực của cán bộ của các tổ chức tư vấn thiết kế xây dựng, cơ quan quản lý sẽ là những thách thức lớn. Các tổ chức tư vấn thiết kế xây dựng, cơ quan thẩm định, cơ quan cấp phép xây dựng không chỉ xem xét phương án kiến trúc từ định hướng chung là kế thừa, phát huy các giá trị kiến trúc truyền thống, tiếp thu chọn lọc các tinh hoa kiến trúc mà còn phải áp dụng các tiêu chí về bản sắc kiến trúc của địa phương đã được thể chế hóa trong Luật Kiến trúc lần này.

Luật cũng một lần nữa khẳng định cần xây dựng các thiết kế mẫu đáp ứng tiêu chí bền vững, thân thiện với môi trường và gắn với bản sắc văn hóa kiến trúc. Đây là yêu cầu đã đặt ra từ nhiều năm nay nhưng thực tế hiệu quả chưa cao do nguyên nhân từ chất lượng các thiết kế mẫu, loại hình thiết kế và nhất là quản lý, vận động trong việc áp dụng đối với các đơn vị tư vấn, các chủ dự án và cộng đồng dân cư. Đẩy mạnh nghiên cứu và áp dụng thiết kế điển hình được xem là giải pháp tốt để đưa bản sắc kiến trúc địa phương vào thực tế phát triển đô thị và nông thôn.

Gắn kết kiến trúc công trình với quy hoạch xây dựng?

Hệ thống quy hoạch xây dựng hiện hành, từ quy hoạch đô thị và quy hoạch các điểm dân cư nông thôn lâu nay đều đã đặt ra yêu cầu phải xác định mô hình phát triển không gian kiến trúc với đề án quy hoạch chung và yêu cầu về kiến trúc công trình đường lô đất với đồ án quy hoạch chi tiết. Trong đó rất chú trọng đến thiết kế đô thị trong quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết cũng như thiết kế đô thị riêng. Trong các loại đề án nêu trên (nhất là với đề án thiết kế đô thị riêng) để có căn cứ cho quản lý đầu tư và cấp phép xây dựng cần xác định rõ không chỉ tổ chức không gian, chức năng sử dụng, tầng cao công trình, chỉ giới xây dựng mà còn cần đề cập đến màu sắc, hình thức, chi tiết kiến trúc của các công trình kiến trúc và vật thể khác như hệ thống quảng cáo, các tiện ích đô thị, các công trình tượng đài, phù điêu…

Trong các luật như Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị và văn bản pháp quy, tiêu chuẩn quy phạm, tiêu chuẩn thiết kế đều có đề cập đến các nội dung trên nhưng thể hiện trong từng đề án, văn bản còn chưa đồng bộ, thống nhất, đôi khi còn bị chồng lấn, xung đột nhau dẫn đến còn không ít tồn tại trong tạo lập không gian đô thị, nông thôn, quản lý trật tự xây dựng chưa hiệu quả.

Luật Kiến trúc ban hành lần này quy định cụ thể hơn trong 8 điều của Chương II về quản lý kiến trúc. Những quy định này đòi hỏi phải có nhận thức mới, đổi mới nội dung yêu cầu trong từng đề án quy hoạch xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị. Đây là thách thức, là việc cần sớm được thể chế hóa song cũng đang là thời cơ vì đang có kế hoạch sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch đô thị 2009, Luật Xây dựng 2014 cũng như nghiên cứu thêm Luật Quản lý phát triển đô thị trong thời gian tới. Việc thực hiện đã được phân rõ giữa trách nhiệm các Bộ (nhất là Bộ Xây dựng), UBND cấp tỉnh, huyện thể hiện rõ trong yêu cầu quản lý nhà nước về kiến trúc với các quy định chuyển tiếp trong Luật rất cần quyết liệt hơn trong tổ chức thực hiện các yêu cầu trên.

Các công trình cao tầng xen kẽ trong khu vực nội đô lịch sử Hà Nội

Các công trình cao tầng xen kẽ trong khu vực nội đô lịch sử Hà Nội

Vai trò cộng đồng và các tổ chức xã hội nghề nghiệp?

Chúng ta không còn nghi ngờ về vai trò của kiến trúc trong phát triển đất nước, kiến trúc không chỉ là biểu hiện văn hóa, là lợi ích chung của toàn xã hội. Trong Luật Kiến trúc đã có những quy định cụ thể thể hiện nội dung trên như đặt vấn đề tư vấn miễn phí về kiến trúc vì lợi ích xã hội, cộng đồng, hợp tác thực hiện các hoạt động kiến trúc, vai trò Hội đồng tư vấn về kiến trúc, trách nhiệm các tổ chức xã hội, nghề nghiệp… Đây chỉ là các quy định mang tính định hướng, rất cần được cụ thể hơn trong Nghị định của Chính phủ, cụ thể hóa Luật và văn bản hướng dẫn của Bộ Xây dựng và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung Ương.

Luật Kiến trúc được Quốc hội thông qua là bước đột phá không chỉ để tạo sự đồng bộ trong thể chế mà còn có giá trị thực tiễn trong nâng cao chất lượng phát triển đô thị và nông thôn. Để nâng cao hiệu lực, hy vọng rằng cần được cụ thể hóa sớm, đổi mới quy trình xây dựng, có giải pháp hữu hiệu nâng tầm năng lực, nhận thức của tổ chức, của người hành nghề kiến trúc, của cộng đồng./.

TS KTS Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội QHPTĐT Việt Nam