06/08/2019

Đối mặt khủng hoảng rác thải, Đà Nẵng xử lý thế nào?

Đến cuối 2019, Đà Nẵng sẽ phải đối mặt với vấn đề an ninh rác vô cùng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội.

Sáng 6/8, Sở Tài nguyên và môi trường TP. Đà Nẵng có thông tin chính thức về xử lý ô nhiễm môi trường tại khu vực bãi rác Khánh Sơn.

Đến cuối 2019, Đà Nẵng sẽ phải đối mặt với vấn đề an ninh rác vô cùng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội

Đến cuối 2019, Đà Nẵng sẽ phải đối mặt với vấn đề an ninh rác vô cùng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội

Ông Tô Văn Hùng – Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường TP. Đà Nẵng, cho biết, những năm gần đây, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt của thành phố Đà Nẵng tăng nhanh cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Đến năm 2019, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt thu gom (95%) toàn thành phố khoảng 1.100 tấn/ngày, được vận chuyển đến Khu xử lý chất thải Khánh Sơn để chôn lấp.

Ông Tô Văn Hùng, cho hay: Khu xử lý chất thải Khánh Sơn bắt đầu hoạt động từ ngày 01/01/2007, đến nay đã chôn lấp hơn 3,2 triệu tấn rác thải. Với lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh như hiện nay, Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng tính toán khoảng đến cuối năm 2019 – đầu năm 2020 nếu không thực hiện các giải pháp nâng cấp, cải tạo, các ô rác thì sẽ quá tải nghiêm trọng. Do đó, thành phố sẽ phải đối mặt với vấn đề an ninh rác vô cùng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội, du lịch, mỹ quan đô thị và hình ảnh thành phố.

Hiện nay, trong khi bãi rác Khánh Sơn quá tải, thì ở các khu dân cư, khu đô thị tràn ngập rác thải

Hiện nay, trong khi bãi rác Khánh Sơn quá tải, thì ở các khu dân cư, khu đô thị tràn ngập rác thải

Nói về chủ trương, giải pháp về quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt của thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, ông Hùng cho hay: Đến năm 2025, tất cả các phường, xã tổ chức phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình, 100% khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ quan, tổ chức thực hiện phân loại rác thải tại nguồn.

Đến năm 2020, dừng hoạt động chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt không đảm bảo vệ sinh tại bãi chôn lấp; đầu tư xây dựng mới nhà máy xử lý chất thải rắn và nâng cấp các công trình đảm bảo xử lý triệt để các nguồn thải phát sinh từ Bãi chôn lấp rác Khánh Sơn, quận Liên Chiểu. Đầu tư cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt có tỷ lệ chôn lấp sau xử lý không quá 25%.

Việc quy hoạch Khu xử lý chất thải rắn Khánh Sơn thành Khu liên hợp xử lý chất thải rắn của thành phố nhằm hướng đến các mục tiêu giải quyết ngay vấn đề xử lý chất thải rắn đang rất cấp bách, nguy cơ ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự, xã hội, ô nhiễm môi trường; khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu vực; cải thiện chất lượng môi trường sống của người dân xung quanh.

Lựa chọn cộng nghệ xử lý rác thải nào để triển khai tại bãi rác Khánh Sơn đang là vấn đề được dư luận xã hội hết sức quan tâm

Lựa chọn cộng nghệ xử lý rác thải nào để triển khai tại bãi rác Khánh Sơn đang là vấn đề được dư luận xã hội hết sức quan tâm

Nói về một số yêu cầu công nghệ – môi trường – kinh tế đối các hạng mục, dự án đầu tư xử lý chất thải rắn Khánh Sơn, ông Hùng chia sẻ: Công nghệ xử lý chất thải rắn phải đảm bảo công nghệ tiên tiến, hiện đại, phù hợp với đặc điểm, điều kiện tự nhiên tại khu vực; phù hợp với thành phần, tính chất rác thải của thành phố để xử lý hiệu quả, an toàn và không gây ô nhiễm môi trường.

Theo ông Hùng, những công nghệ này phải được tổ chức, đơn vị có chức năng chứng nhận và thẩm định theo quy định của Việt Nam. Điều kiện công nghệ cũng phải tận thu được những giá trị của chất thải rắn để tái tạo tài nguyên; hạn chế tối đa việc sử dụng nhiều nguyên, nhiên liệu phục vụ hoạt động sản xuất (điện, nước…). Tuy nhiên, chi phí xử lý rác thải phù hợp với khả năng chi trả của ngân sách thành phố.

Đại Thắng/Báo Giao thông