14/07/2017

Đô thị thông minh: 08 định hướng phát triển

Chính quyền các đô thị thuộc các vùng đô thị lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, Bình Dương… đang xúc tiến nhiều chương trình nghiên cứu và lộ trình phát triển đô thị thông minh. Bên cạnh những cơ hội lớn có thể giúp đất nước phát trỉển nhanh hơn, hội nhập quốc tế dễ dàng hơn, theo hướng phù hợp với kỷ nguyên thông tin và toàn cầu hóa, cũng có nhiều nguy cơ tiềm ẩn từ việc các địa phương lập kế hoạch phát triển đô thị thông minh một cách tự phát, thiếu phối hợp hiệu quả.
Đô thị thông minh cần được hiểu theo nghĩa gắn liền với công nghệ thông tin và truyền thông và mạng lưới thiết bị kết nối qua internet để làm nền tảng xây dựng đô thị đáng sống, với quy hoạch bền vững, quản lý đô thị hiệu quả và minh bạch, và với tính cạnh tranh đô thị cao về mọi mặt. Đó là những giá trị sẽ được khẳng định thông qua tám định hướng quan trọng về xây dựng và phát triển đô thị thông minh như sau.

Ưu tiên hiệu quả kinh tế

Do công nghệ thông tin ngày nay phát triển rất nhanh, và kinh phí cho những giải pháp công nghệ tiên phong ứng dụng trong quản lý đô thị thường rất tốn kém, trên thế giới vẫn chưa có những đô thị thông minh toàn diện, mà chỉ có những đô thị thông minh theo hướng tập trung vào một số lượng chọn lọc nhất định: chính quyền điện tử, quản lý đô thị, giao thông vận tải, hạ tầng, môi trường, tiết kiệm năng lượng , y tế và sức khỏe, an ninh trật tự, giáo dục, viễn thông…

Ở Việt Nam, các đô thị sẽ có những nhu cầu ưu tiên tập trung cho một số lãnh vực nhất định. Tại các đô thị đặc biệt lớn như Hà Nội và TP.HCM, việc ứng dụng các giải pháp công nghệ thông minh có thể đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các yêu cầu bức thiết nhất như quản lý hạ tầng và giao thông, quản lý ngập lụt và môi trường, quản lý hành chính và chính quyền điện tử.

Tác giả (bìa phải) chụp với đại diện công ty Nhật thực hiện dự án Đô thị thông minh Fujisawa gần Tokyo
Tác giả (bìa phải) chụp với đại diện công ty Nhật thực hiện dự án Đô thị thông minh Fujisawa gần Tokyo

Với đà tiến của khoa học, công nghệ thông tin thường có vòng đời ngắn, giá thành ngày càng rẻ. Do đó, trước khi quyết định mua và ứng dụng các công nghệ đắt tiền, cần đánh giá mức độ hiệu quả kinh tế ngắn và dài hạn trước khi quyết định chọn các giải pháp công nghệ. Chính quyền cần sáng suốt chọn các công nghệ đã được thực hiện thành công với hiệu quả kinh tế cao so với vốn đầu tư, tránh chọn các công nghệ mới và tốn kém nhưng đang được thử nghiệm.

Tạo dựng nền tảng hợp tác nhóm

Đô thị thông minh hoạt động do con người và vì con người. Con người là chủ thể, công nghệ chỉ đóng vai trò hỗ trợ quản lý đô thị sao cho hiệu quả.

Các hoạt động quản lý và sử dụng công nghệ thông minh cần đặt trên nền tảng hợp tác nhóm, bao gồm việc đào tạo cán bộ quản lý biết phối hợp thông qua công nghệ thông minh, bồi dưỡng cư dân biết hợp tác và sử dụng các ứng dụng thông minh. Việc hợp tác giữa các nhóm quản lý đô thị theo chuyên đề và các nhóm người sử dụng là hoạt động trung tâm và quan trọng nhất đem lại hiệu suất ứng dụng công nghệ cao và hiệu quả.

Cải tổ tư duy và hệ thống quản lý phù hợp công nghệ thông minh

Việc tích hợp công nghệ thông minh sẽ không hiệu quả nếu không thực hiện song hành với việc cải tổ hệ thống, đổi mới tư duy quản lý đô thị theo khoa học.

Tạo lập nền tảng pháp lý cho chính sách và tổ chức quản lý đô thị thông minh cũng rất quan trọng. Chính phú cần nhanh chóng lập một chiến lược quốc gia về phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam, và các nghị định, quyết định, thông tư hướng dẫn kèm theo, không chỉ về mặt công nghệ, mà cả về mặt đổi mới tư duy quản lý và cải tổ cơ cấu tổ chức hành chính đô thị phù hợp với xu hướng đô thị thông minh kết nối mạng, để hướng dẫn các đô thị trong nước lập kế hoạch phát triển đô thị thông mình, vừa phù hợp nhu cầu địa phương, vừa hướng đến việc kết nối liên thông theo chiến lược quốc gia thống nhất.

Tối ưu hóa hiệu quả qua kết nối thông tin đa chiều

Chất lượng thông tin và kết nối thông tin đa chiều giúp tối ưu hóa hiệu quả ứng dụng công nghệ thông minh cho việc quản lý đô thị, đặc biệt là quản lý giao thông và chính quyền điện tử.

Để làm được điều này, các sở và ban ngành cần thường xuyên cập nhật thông tin lên mạng cơ sở dữ liệu dùng chung, ví dụ mạng GIS và mạng thông tin hành chính đô thị, theo tiêu chuẩn thống nhất với một độ chính xác cao. Khi đảm bảo được chất lượng thông tin đầu vào, các cơ quan quản lý có thể đưa ra giải pháp đầu ra thực sự thông minh và có chất lượng.

Giải quyết vấn đề đô thị bằng tư duy đa ngành và ứng dụng công nghệ

Ví dụ, công nghệ thông minh có thể phối hợp thông tin khí tượng và giao thông, giúp cảnh báo phối hợp các thời điểm và khu vực có khả năng mưa bão gây ngập lụt, khả năng kẹt xe ở các tuyến đường, kèm theo các hướng dẫn cần thiết để người dân ứng phó phù hợp với nhu cầu và tình huống.

Với tình trạng các sở và ban ngành tại các đô thị Việt Nam thường hoạt động khá độc lập, việc áp dụng công nghệ mới chỉ hiệu quả khi việc đổi mới tư duy theo hướng đa ngành đi trước một bước, bao gồm công tác bồi dưỡng cho các cán bộ quản lý, và công tác đào tạo trong đại học và trường chuyên nghiệp.

Mô hình ý tưởng của Đô thị thông minh Fujisawa
Mô hình ý tưởng của Đô thị thông minh Fujisawa

Để phục vụ yêu cầu cần thường xuyên đào tạo nhân lực, nâng cấp hệ thống, và phục vụ cho việc phát triển công nghệ thông tin quốc gia trong tương lai, cần khuyến khích xây dựng và phát triển các tập đoàn công nghệ, cũng như các khu đô thị công nghệ, các khu nghiên cứu và phát triển, và các khu đô thị đại học tại các vùng đô thị lớn.

Lập kế hoạch phối hợp và giải pháp xử lý tình huống

Việc phát triển đô thị thông minh là một quá trình dài và có thể có nhiều tình huống phát sinh chưa có tiền lệ, do đó các địa phương cần được hướng dẫn trong việc lập kế hoạch phối hợp và giải pháp xử lý tình huống.

Trước hết, cần trao trách nhiệm và quyền hạn cho ban chỉ đạo và điều hành phát triển đô thị thông minh, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của UBND và Thành ủy, lãnh đạo các sở và ban ngành.

Trong tương lai xa hơn, cần xây dựng chiến lược chuẩn bị cho việc phát triển mạng đô thị thông minh trên toàn quốc kết nối tốt với nhau, và với các vùng đô thị, quốc gia và quốc tế. Cần chuẩn bị nhiều giải pháp tình huống, sao cho nếu có xảy ra tình huống sự cố kỹ thuật hoặc tấn công mạng thông tin, hoạt động đô thị vẫn có thể vận hành bình thường, khi cần thiết cũng có thể sử dụng các giải pháp “không thông minh”, tức không cần dựa vào thông tin mạng.

Nâng cao bản sắc đô thị và xây dựng cộng đồng thông minh

Với trọng tâm của đô thị thông minh là con người, sau đó mới đến quản lý và công nghệ, việc áp dụng công nghệ thông minh cần giúp tăng giá trị sinh hoạt cộng đồng và bản sắc cho đô thị, thay vì làm đô thị trở nên máy móc, vô hồn giống nhau. Để được như vậy, cần chú ý nghiên cứu hiện trạng kinh tế xã hội và nhu cầu sống và làm việc của người dân, để hình thành các cộng đồng sống và làm việc đa dạng, với sự hỗ trợ của nhiều cấp độ ứng dụng công nghệ thông minh, bởi vì mỗi cộng đồng trong đô thị có nhu cầu sử dụng khác nhau về mặt công nghệ cao, thậm chí không mong muốn, hoặc không cần đến nhiều ứng dụng công nghệ cao.

Học hỏi chọn lọc kinh nghiệm quốc tế

Kinh nghiệm phát triển đô thị thông minh trên thế giới hiện nay rất phong phú, với các mức độ thành công khác nhau, và phần lớn đều đang trong thời kỳ thử nghiệm. Với lợi thế của người đi sau, chúng ta chỉ nên học hỏi và áp dụng chọn lọc những kinh nghiệm đã được kiểm chứng. Quan trọng là các bài học kinh nghiệm đó sẽ được thảo luận, chia sẻ, và đưa vào một quy chuẩn chung cho toàn quốc, tránh tình trạng các đô thị trên cả nước chọn các công nghệ và cơ cấu quản lý không tương thích với nhau, gây trở ngại cho việc kết nối đô thị thông minh quốc gia sau này.

TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn