27/02/2020

Điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000 tại Khu đô thị Tây Bắc

Theo đó, tại Quyết định số 351/QĐ-UBND của UBND TP. Hồ Chí Minh đã phê duyệt điều chỉnh nhiệm vụ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000 Khu đô thị Tây Bắc TP. Hồ Chí Minh với tổng diện tích được điều chỉnh hơn 6.000ha.

Cụ thể, toàn bộ Khu đô thị Tây Bắc bao gồm xã Tân Thới Nhì (huyện Hóc Môn), các xã Tân An Hội, Phước Hiệp, Tân Phú Trung, Tân Thông Hội và thị trấn Củ Chi (huyện Củ Chi) được giới hạn bởi quốc lộ 22, Khu Liên hiệp Xử lý chất thải rắn Tây Bắc, kênh An Hạ, kênh Thầy Cai.

Ngoài ra, tại các khu vực tái thiết đô thị (khu dân cư phải di dời để xây dựng mới các khu chức năng đô thị theo quy hoạch), cần ưu tiên bố trí tái định cư tại chỗ. Bên cạnh chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng phù hợp, khuyến khích người dân đồng thuận hợp tác, đầu tư vào những dự án chỉnh trang đô thị, để vừa khai thác hiệu quả sử dụng đất, dần thay đổi bộ mặt đô thị vừa cải thiện, nâng cao điều kiện, môi trường sống cho cộng đồng dân cư. Khu dân cư chỉnh trang sẽ chủ yếu là nhà ở thấp tầng.

Đồng thời, nghiên cứu tổ chức mô hình nhà ở kết hợp thương mại dịch vụ cao tầng tại các khu vực đầu mối metro, dọc các tuyến giao thông chính… Tận dụng quỹ đất trống, hoang hóa nhằm phân bổ diện tích cây xanh và sân thể dục thể thao tập trung cho các khu dân cư. Khai thác cảnh quan dọc kênh hiện hữu, tổ chức mảng xanh kết hợp mặt nước tạo không gian thông thoáng, khí hậu tốt phục vụ cho người dân. Chỉnh trang các khu dân cư hiện hữu theo hướng tránh xáo trộn lớn đến cuộc sống của cộng đồng dân cư.

UBND TP. Hồ Chí Minh vừa phê duyệt điều chỉnh nhiệm vụ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000 tại Khu đô thị Tây Bắc TP. Hồ Chí Minh

UBND TP. Hồ Chí Minh vừa phê duyệt điều chỉnh nhiệm vụ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000 tại Khu đô thị Tây Bắc TP. Hồ Chí Minh

Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan chỉ đạo, cần tư vấn nghiên cứu điều chỉnh nhiệm vụ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000 Khu đô thị Tây Bắc, nghiên cứu những ý kiến đóng góp hợp lý của UBND huyện Củ Chi, của người dân Củ Chi trong chỉnh trang các khu dân cư hiện hữu.

Đối với các khu ở mới, sẽ được quy hoạch hiện đại với đầy đủ chức năng, đảm bảo đồng bộ hạ tầng xã hội, kỹ thuật nhằm thu hút các nhà đầu tư cũng như đảm bảo cho khu đô thị phát triển bền vững.

Trong đó, ưu tiên bố trí các công trình cao tầng của các khu dân cư mới dọc trục giao thông chính, có động lực phát triển, như trục song hành quốc lộ 22, dọc tuyến metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương – Củ Chi)… không gian kiến trúc thấp dần về phía sau. Tập trung bố trí cụm công trình có chức năng dịch vụ, thương mại (cao tầng) tại các khu vực trung tâm khu đô thị, nhà ga của tuyến metro số 2.

Khu vực tiếp giáp kênh Đông và các kênh 5, 6, 7, 8 sẽ phát huy ưu thế địa hình sông nước, tạo không gian mở, hài hòa với cảnh quan chung của khu vực. Phát triển mô hình nhà vườn với mật độ xây dựng thấp. Các công trình cao tầng được bố trí lùi dần ra phía sau, theo nguyên tắc cao dần về phía bên trong so với khu vực gần kênh, rạch.

Ngoài ra, dọc các tuyến kênh này sẽ nghiên cứu đề xuất xây dựng các tuyến đường giao thông ven sông, kênh, rạch… có kết nối với mạng giao thông toàn khu vực, phù hợp với cảnh quan bờ sông, kênh.

Dự kiến, Khu đô thị Tây Bắc sẽ là một trung tâm cấp thành phố với các chức năng: dịch vụ, thương mại, y tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, thể dục thể thao và nghỉ dưỡng vui chơi giải trí. Dân số quy hoạch đến năm 2025 là 300.000 người. Đây là con số không đổi so với quy hoạch hiện hữu (đang được nghiên cứu điều chỉnh).

Tuy nhiên, theo dự báo trên thực tế sẽ tăng thêm và con số cụ thể sẽ được xác định trong Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP. Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Do đó, thành phố yêu cầu tư vấn nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch Khu đô thị Tây Bắc cần tính toán bố trí quỹ đất dự trữ phù hợp, bao gồm cả đất ở, đất hỗn hợp… để dự phòng cho sự phát triển đô thị và hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho sự phát triển bền vững ở đây.

Mạnh Tiến/Kinh tế Nông thôn