21/07/2015

Điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố Quy Nhơn và vùng phụ cận đến 2035, tầm nhìn 2050

Ngày 20/7/2015, UBND tỉnh Bình Định tổ chức hội nghị công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Quy Nhơn và vùng phụ cận đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 (viết tắt là Điều chỉnh quy hoạch), với sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trao hồ sơ Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Quy Nhơn
và vùng phụ cận đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 cho đại diện lãnh đạo tỉnh Bình Định.

Tại hội nghị, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh đọc Quyết định này. Theo đó, sẽ chú trọng đầu tư phát triển Quy Nhơn trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển của quốc gia vào năm 2035.

Xây dựng Quy Nhơn thành trung tâm kinh tế biển

Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, phạm vi điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Quy Nhơn và vùng phụ cận đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 có diện tích khoảng 67.788 ha, gồm: Thành phố Quy Nhơn hiện hữu, diện tích khoảng 28.553ha, huyện Tuy Phước có diện tích khoảng 21.713ha, hai xã Canh Vinh và Canh Hiển (huyện Vân Canh) có diện tích khoảng 13.676 ha, xã Cát Tiến, Cát Chánh và một phần xã Cát Hải (huyện Phù Cát) có diện tích khoảng 3.847 ha. Ranh giới khu vực quy hoạch được giới hạn: Phía Bắc giáp huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, phía Tây giáp thị xã An Nhơn, phía Đông giáp biển Đông, phía Nam giáp thị xã Sông Cầu (ỉnh Phú Yên).

Theo Điều chỉnh quy hoạch, thành phố Quy Nhơn được xây dựng với tính chất là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật tỉnh Bình Định. Là một trong những trung tâm kinh tế biển của quốc gia, trung tâm công nghiệp, du lịch, thương mại – dịch vụ, dịch vụ vận tải biển, y tế, giáo dục đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ của vùng Nam Trung Bộ, duyên hải miền Trung và Tây Nguyên, là đầu mối giao thông đường thủy, đường bộ quan trọng của vùng Nam Trung Bộ và là cửa ngõ của vùng Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia, Thái Lan ra biển Đông, là một trong những địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Điều chỉnh quy hoạch này nhằm mục tiêu đến năm 2025 đưa thành phố Quy Nhơn trở thành một trong các đô thị trung tâm của vùng duyên hải miền Trung, phát triển theo định hướng công nghiệp – cảng biển – dịch vụ – du lịch, đến năm 2035, đưa Quy Nhơn thành một trong những trung tâm kinh tế biển của quốc gia, phát triển theo định hướng dịch vụ – cảng biển – công nghiệp – du lịch. Mục tiêu đến năm 2050, Quy Nhơn trở thành thành phố có vị trí quan trọng trong hệ thống đô thị quốc gia và khu vực Đông Nam Á, là một trong những trung tâm phát triển lớn của khu vực Trung Bộ, có nền kinh tế phát triển theo định hướng du lịch – dịch vụ – cảng biển – công nghiệp, trọng tâm là du lịch – dịch vụ – cảng biển, có sức hút đầu tư lớn và phát triển quan hệ hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực y tế, giáo dục…

Phát triển theo mô hình đô thị đa trung tâm

Theo Điều chỉnh quy hoạch vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thành phố Quy Nhơn và vùng phụ cận sẽ được phát triển theo mô hình đô thị đa trung tâm với 2 trung tâm chính là thành phố Quy Nhơn và Khu kinh tế Nhơn Hội.

Phối cảnh tổng thể Đồ án ĐCQHCXD TP Quy Nhơn và vùng phụ cận đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050
(Ảnh: Báo Bình Định điện tử).
Trong đó, thành phố Quy Nhơn là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật của tỉnh Bình Định, một trong những trung tâm kinh tế biển của quốc gia, trung tâm công nghiệp, du lịch, thương mại – dịch vụ, dịch vụ vận tải biển, y tế, giáo dục đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ của vùng Nam Trung Bộ, duyên hải miền Trung và Tây Nguyên. Khu kinh tế Nhơn Hội là động lực phát triển cho thành phố Quy Nhơn, khu vực phụ cận và vùng Nam Trung Bộ, được quản lý xây dựng theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Các khu vực đô thị phát triển có cấu trúc mở, liên kết với nhau bằng hệ thống giao thông vùng.

Trong tương lai, khu vực trung tâm hiện hữu Quy Nhơn sẽ được hiện đại hóa theo hướng tập trung, cao tầng, chuyển đổi các khu đất giáo dục, y tế, quốc phòng, cơ quan dọc bãi biển trên đường Xuân Diệu, đường An Dương Vương sang đất thương mại và dịch vụ du lịch chất lượng cao. Cùng với đó, khu ven biển xây dựng các công trình hỗn hợp có chức năng chủ yếu là dịch vụ du lịch, xây dựng trung tâm thương mại – dịch vụ – du lịch cao cấp dọc đường Nguyễn Tất Thành.

Cũng theo nội dung Điều chỉ quy hoạch, thành phố Quy Nhơn sẽ hình thành khu vực phát triển mới ở phường Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân, Nhơn Bình, Nhơn Phú. Tại đây sẽ xây dựng khu đô thị mới tập trung, tiện nghi phục vụ nhu cầu ở đô thị và đáp ứng nhu cầu ở của công nhân lao động tại khu công nghiệp Phú Tài, Long Mỹ và phụ cận. Hình thành các trung tâm công cộng cấp vùng về đào tạo, y tế, thể dục thể thao, khai thác cảnh quan hồ Bàu Lát thành công viên đô thị, hình thành trục không gian xanh kết nối các trung tâm công cộng vùng với vùng cảnh quan sông Hà Thanh và núi Vũng Chua…
Theo Xaydung.gov