14/02/2021

Di sản công nghiệp – Cách tiếp cận mới trong “nhận diện công trình kiến trúc có giá trị”

(TCKTVN 232) – Luật Kiến trúc số 40/2019/QH14 đã được Quốc Hội phê chuẩn và đã có hiệu lực bắt đầu từ năm 2020. Trong Luật đề cập đến khái niệm “Công trình kiến trúc có giá trị là công trình kiến trúc tiêu biểu, có giá trị về kiến trúc, lịch sử, văn hoá, nghệ thuật (được cấp có thẩm quyền phê duyệt)” (Điều 3, Khoản 5), theo đó UBND cấp tỉnh cần tổ chức rà soát, đánh giá, lập và bổ sung vào danh mục các công trình kiến trúc có giá trị để tổ chức quản lý (Điều 13, Khoản 2, 3), nhằm bảo vệ, giữ gìn, tu bổ và khai thác một cách hợp lý. Luật cũng quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc “Xây dựng định hướng kiến trúc Việt Nam” (Điều 6, Khoản 1, điểm a) làm kim chỉ nam cho sự phát triển kiến trúc và môi trường không gian cho các đô thị và nông thôn trên toàn quốc.

Trong bối cảnh mới, khi Luật Kiến trúc đã có hiệu lực và bắt đầu đi vào cuộc sống, nội dung cung cấp một cách tiếp cận mới trong việc nhận diện các công trình kiến trúc có giá trị ở các thành phố – CÁC DI SẢN CÔNG NGHIỆP, để cung cấp thêm các cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc xây dựng định hướng kiến trúc nói chung, và thực hiện luật ở cấp độ địa phương.

Tuyến đường sắt Darjeeling Himalaya - Di sản Công nghiệp ở Ấn Độ

Tuyến đường sắt Darjeeling Himalaya – Di sản Công nghiệp ở Ấn Độ

Di sản công nghiệp (DSCN) – Khái niệm và các hoạt động nghiên cứu, bảo tồn trên thế giới

Theo định nghĩa của TICCIH (Uỷ ban quốc tế nghiên cứu và bảo tồn DSCN), DSCN là những gì còn lại của “văn hóa công nghiệp” (như các giá trị lịch sử, khoa học, công nghệ, xã hội, kiến trúc… và những giá trị khác), bao gồm các toà nhà, công xưởng, máy móc, các mỏ, nơi chế biến, kho và cửa hàng, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, và cả những địa điểm phục vụ sinh hoạt của lực lượng xã hội (công nhân) tham gia vào quá trình sản xuất công nghiệp (như nhà ở, nơi thờ phụng, các thực hành nghi lễ tôn giáo, các cơ sở đào tạo… cho công nhân – lực lượng lao động trong các cơ sở công nghiệp đó).

DSCN là một phần không thể tách rời của di sản văn hoá nói chung, phản ánh một sự tiến bộ vượt bậc (mang tính cách mạng) trong lịch sử văn minh nhân loại, một sự “thông thái” được kế thừa; một tiến trình phát triển của xã hội hiện đại. DSCN gắn với giai đoạn lịch sử của “nền văn minh công nghiệp thế giới”, có điểm khởi đầu vào khoảng cuối thế kỷ 18, trải qua 3 giai đoạn phát triển, nay đã chuyển sang giai đoạn thứ tư – hay còn gọi là cách mạng công nghiệp 4.0. Vì vậy, mặc dù là những công trình gắn với quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng những DSCN tiền kỳ thường có niên đại hơn 200 năm tuổi, và là minh chứng cho những thành tựu vượt bậc mang tính lịch sử của loài người.

4 cuộc cách mạng công nghiệp

4 cuộc cách mạng công nghiệp

Các DSCN mang nhiều giá trị và ý nghĩa. Đầu tiên, đó là giá trị lịch sử, là bằng chứng của các hoạt động sản xuất theo phương thức công nghiệp, đã và đang tiếp tục để lại những hệ quả sâu sắc đến ngày nay. Tiếp đến là giá trị xã hội: phản ánh (một phần) bức tranh cuộc sống của những người công nhân (cả nam và nữ) bình thường ở một nơi, và như vậy, nó tăng khả năng nhận diện những “đặc trưng của địa phương” (“bản sắc” của địa phương). Tiếp đến là giá trị về công nghệ và khoa học trong lịch sử của sản xuất, kỹ thuật, xây dựng; và giá trị thẩm mỹ của các công trình công nghiệp (quy mô, kết cấu, chi tiết, quy hoạch, vật liệu…), cùng những giá trị và ý nghĩa khác.

Các giá trị của một DSCN có thể được nhận diện trong tình trạng hiện tại của địa điểm, trong các tài liệu (văn bản) và cả trong “ký ức” con người gắn với địa điểm sản xuất đó.

Hoạt động nghiên cứu và bảo tồn DSCN trên thế giới

TICCIH là một tổ chức thúc đẩy hợp tác toàn cầu trong bảo tồn, khảo sát, lập tài liệu, nghiên cứu, diễn giải, đào tạo và phổ biến về DSCN. TICCIH được thành lập tại Anh vào năm 1978, và cho đến nay đã có 46 quốc gia thành viên. TICCIH đã công bố Hiến chương Nizhny Tagil – văn bản chuyên môn đầu tiên về DSCN (Nizhny Tagil Charter For The Industrial Heritage) vào tháng 7/2003. Hiện TICCIH là tổ chức chính thức cố vấn cho ICOMOS (UNESCO) trong lĩnh vực DSCN, cùng ICOMOS – TICCIH ban hành“Nguyên tắc bảo tồn các địa điểm, cấu trúc, khu vực và cảnh quan di sản công nghiệp” gọi tắt là Nguyên tắc Dublin 28/11/2011, được xem là cơ sở pháp lý quốc tế dành cho việc bảo vệ các DSCN trên thế giới. Hiện nay, UNESCO đã ghi nhận 28 DSCN trên tổng số 529 di sản văn hoá trên toàn thế giới.
Đại hội TICCIH lần thứ 15 tổ chức tại Đài Bắc (5-8/11/2012) đã thông qua Tuyên bố Đài Bắc về DSCN ở châu Á (Taipei Declaration for Asian Industrial Heritage). Và cũng từ đây, năm 2018, Mạng lưới DSCN châu Á – ANIH (Asian Network for Industrial Heritage) đã chính thức được thành lập vào ngày 31/3/2018 nhằm xây dựng và thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc tế đa phương giữa các chủ thể liên quan và quan tâm đến DSCN ở châu Á, gồm cả các hiệp hội, các tổ chức, cá nhân có cùng mối quan tâm, để tạo thành một mạng lưới chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau trong bảo tồn DSCN, và qua đó để kết nối văn hoá lâu bền.

Nhận thấy DSCN châu Á có những giá trị độc đáo, đặc thù so với phương Tây do châu Á có đặc điểm chung là trải qua một quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá gắn với lịch sử thuộc địa hoá của phương Tây, vì vậy DSCN châu Á là sự hoà trộn những đặc điểm của văn minh các nước chinh phục thuộc địa và các nước bị chiếm làm thuộc địa. Văn phòng ANIH được đặt tại chính một DSCN – Một kho rượu của Nhà máy Đồ uống Taisho, xây dựng năm 1916 với kết cấu gỗ vẫn còn khá nguyên vẹn, không gian rộng lớn. Hiện nay nó được bố trí nội thất hiện đại và trở thành một co-working space tiện nghi và hấp dẫn.

Để bảo vệ các di sản công nghiệp

Cũng tương tự như các di sản kiến trúc khác, các DSCN cũng cần được nhận diện và bảo vệ qua các bước từ nghiên cứu, đến lập danh sách, và tổ chức bảo vệ, khai thác một cách phù hợp. Các bước cơ bản bao gồm:

Khảo sát, Nghiên cứu và Ghi chép

– Các thông tin khảo sát được cho từng địa điểm cần được quản lý thành một cơ sở dữ liệu để có thể dễ dàng tìm kiếm và truy cập miễn phí.

– Ghi chép dữ liệu là một phần việc quan trọng của việc nghiên cứu DSCN. Tất cả các dữ liệu về đặc điểm thực thể của địa điểm cần được ghi lại và lưu trữ tại một cơ sở dữ liệu chung trước khi có những can thiệp vào địa điểm. Dữ liệu cần thu thập trước khi nhà máy ngừng vận hành. Dữ liệu có thể bao gồm mô tả, bản vẽ, ảnh chụp hay phim tư liệu cùng các nguồn trích dẫn, tham khảo.

– Ký ức của con người về địa điểm và sự việc cũng là một nguồn thông tin độc đáo và không thay thế được, nên cũng cần được lưu giữ khi các chứng nhân lịch sử còn sống.

– Khảo cổ là kỹ thuật quan trọng khi nghiên cứu những địa điểm công nghiệp lịch sử, và cần được vận dụng với tiêu chuẩn kỹ thuật tương tự như khi áp dụng cho nghiên cứu các khu vực khác trong cùng giai đoạn lịch sử.

Nhận diện giá trị và Lập danh sách di sản

– Xây dựng tiêu chí đánh giá giá trị.

– Tiêu chí để đánh giá các cơ sở công nghiệp cần được xác định và công bố rộng rãi nhằm đạt được sự chấp nhận khách quan và thống nhất. Trong các nghiên cứu bài bản, những tiêu chí này sẽ được sử dụng để xác định các địa điểm có giá trị di sản quan trọng: Từ cảnh quan, quần cư, địa điểm, loại hình, đến công trình, một phần cấu trúc, hay máy móc và quy trình sản xuất.

– Đưa vào danh sách di sản/di tích/công trình có giá trị.

Bảo vệ (bằng công cụ luật pháp)

– Cấp độ thế giới, có các quy định nghiêm ngặt về di sản của UNESCO.

– Cấp độ quốc gia: Các quốc gia có thể đưa các DSCN thành di tích – di sản và bảo vệ bằng Luật Di sản.

– Cấp độ địa phương có thể đưa vào danh mục các công trình kiến trúc có giá trị và bảo vệ bằng Luật Kiến trúc (như ở nước ta).

Khai thác phù hợp/Lồng ghép bảo tồn và phát triển

Để có thể đảm bảo sự phát triển và bảo vệ DSCN, các chiến lược và phương pháp bảo tồn cần linh hoạt. Ngoại trừ một số trường hợp có giá trị kết cấu và kiến trúc xuất sắc, cần giữ gìn nguyên trạng, DSCN có thể áp dụng “adaptive reuse” (tái sử dụng thích nghi) để sử dụng với chức năng mới phù hợp. Tuy nhiên, sự linh hoạt cần được sử dụng thận trọng, và không được phép sinh những giá trị gốc, phổ quát của di sản. Sự tham gia của người dân trong quá trình bảo tồn cần được chú trọng.

Di sản công nghiệp ở Việt Nam – có hay không?

Vậy ở nước ta có hay không các DSCN. Sau đây xin nêu một ví dụ, như một câu chuyện đáng suy ngẫm một cách nghiêm túc và sâu sắc về một di sản đã bị mất khi còn chưa kịp được gọi tên, đó là Nhà máy Dệt Nam Định.

Nhà máy Dệt Nam  Định

Nhà máy Dệt Nam Định

Nhà máy Dệt Nam Định từng là cơ sở nghiên cứu về tơ lụa, do Toàn quyền Đông Dương De Lanessan lập ra. Năm 1898, Toàn quyền Paul Doumer cho phép lập một nhà máy tơ chạy bằng hơi nước có 6 lò đặt tại thành phố Nam Định, đây là nhà máy lớn nhất Đông Dương thời bấy giờ. Năm 1900, một số tư bản Pháp trong Công ty Bông – Vải – Sợi Bắc Kỳ cùng với thương nhân Trung Quốc đã cùng hùn vốn kinh doanh, mở rộng nhà máy. Năm 1924 số công nhân của nhà máy đã lên tới 6.000 người, chiếm 1/9 dân số thành phố. Năm 1929, nhà máy đã có quy mô lên đến 135 máy dệt. Thật đáng kinh ngạc, từ thời đó, nhà máy đã được quy hoạch rất quy mô và bài bản, trong nhà máy còn có cả sân bóng cho công nhân.

Sau năm 1954, nhà máy được Nhà nước tiếp quản từ tay tư bản Pháp, và trở thành cái nôi của nền công nghiệp dệt may Việt Nam. Năm 1985, Nhà máy Liên hợp Dệt Nam Định có tới gần 13.000 công nhân viên chức. Lúc đó, người ta tính trung bình cứ mỗi gia đình ở thành Nam lại có một người là công nhân nhà máy. Đây cũng là nơi ra đời Chi bộ Đảng đầu tiên của thành phố Nam Định (năm 1930) và duy trì từ đó đến bây giờ. Không chỉ là cái nôi của ngành dệt may Việt Nam, giai đoạn 1919-1930, cùng với công nhân xưởng đóng tàu Ba Son (miền Nam), công nhân nhà máy Diêm Bến Thủy, xe lửa Trường Thi (Nghệ An), Nhà máy Dệt Nam Định cũng là nơi có phong trào đấu tranh mạnh mẽ của công nhân, với nhiều cuộc bãi công, đình công lớn phản đối chính sách khai thác thuộc địa, bóc lột công nhân tàn nhẫn của những nhà tư bản Pháp. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 3 lần về thăm và nói chuyện với các cán bộ, công nhân ở đây.

Tuy nhiên, năm 2016, nhà máy đã bị phá dỡ để nhường chỗ cho một khu đô thị mới quy mô 24,8ha với tổng mức đầu tư trên 410 tỉ đồng được thực hiện trong khoảng 5 năm. Dự án Khu đô thị Dệt May Nam Định được quảng cáo sau khi hoàn thành sẽ tạo ra quỹ đất đô thị sạch với 936 lô đất ở biệt thự, liền kề; 20.076m2 công viên cây xanh và thể dục thể thao, 16.314m2 đất thương mại dịch vụ và 34.748m2 đất giáo dục, y tế, với hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại và với tiêu chí môi trường sống xanh, sạch, văn minh, là một đô thị mới trong lòng đô thị cổ Thành Nam theo đúng quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Cùng với tháp Phổ Minh,  Nhà máy Dệt là một trong hai địa danh của tỉnh Nam Định  được in trên đồng tiền 100 đồng và 2000 đồng  của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, hiện vẫn đang được sử dụng

Cùng với tháp Phổ Minh, Nhà máy Dệt là một trong hai địa danh của tỉnh Nam Định được in trên đồng tiền 100 đồng và 2000 đồng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, hiện vẫn đang được sử dụng

Sau khi thông tin về sự phá huỷ nhà mát dệt Nam Định được công bố, hàng loạt báo chí đã đưa tin về sự việc này, những cụm từ như “Biểu tượng không thể nào quên”, “Dấu ấn”, “Ký ức hào hùng”, “Ký ức yêu thương”, “Gắn bó một đời”,… đã được nhắc đến và lặp đi lặp lại nhiều lần trên các trang báo, thể hiện sự tiếc nuối và xót xa cho một DSCN chưa kịp được gọi tên.

Nhà máy Dệt Nam Định, với tất cả các ý nghĩa và giá trị nó mang theo dòng thời gian: Giá trị về lịch sử xâu chuỗi liên tục từ thời thuộc địa đến thời kỳ cách mạng, đến độc lập dân tộc và công nghiệp hoá hiện đại hoá, đến hội nhập nền kinh tế thế giới thông qua các sản phẩm dệt may Việt Nam; về không gian và kiến trúc, về văn hoá và xã hội; là cái nôi của một ngành công nghiệp Viêt Nam, là biểu tượng của một thành phố – Nó hoàn toàn xứng đáng là một DSCN – Một trong những di sản hàng đầu của nước ta. Tiếc thay, do nhận thức của chúng ta kém, chậm so với thế giới, chúng ta đã đánh đổi một di sản độc nhất vô nhị lấy một khu đô thị bình thường theo phong cách trưởng giả, lai căng, không phù hợp với cảnh quan và đặc trưng văn hoá địa phương. Chúng ta đã lựa chọn đúng hay sai, khi để cả một bản sắc và hồn nơi chốn của thành phố bị xoá sổ, một mất mát không gì bù đắp được trong lòng người dân thành Nam, cho một thứ không gian đô thị dị hợm, bất cứ ở đâu cũng có mọc lên.

Ngoài nhà máy dệt Nam Định, thời gian qua, ở cả Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng đã chứng kiến sự phá huỷ của nhiều cơ sở công nghiệp có giá trị di sản mà đều chưa kịp “gọi tên”, điển hình như Nhà máy đóng tàu Ba Son (TPHCM), Nhà máy Cơ khí Hà Nội, Nhà máy Dệt 8-3, Nhà máy cơ khí 120 ở 609 Trương Định, Hoàng Mai, nhà máy Bánh kẹo Tràng An… Theo một khảo sát của nhóm Vì sự tham gia của người dân (PPWG) năm 2020 thì trong số 21 nhà máy đã di dời ở hai quận Hai Bà Trung và Thành Xuân thì có tới 19 nơi đã chuyển thành chung cư thương mại.

Kinh nghiệm quốc tế trong việc bảo tồn và tái sử dụng thích nghi các di sản công nghiệp

Trong tiến trình phát triển và mở rộng, các thành phố có xu hướng ôm dần các nhà máy, các cơ sở sản xuất – ban đầu nằm ở vùng ven – vào trong lõi thành phố. Ô nhiễm, khói bụi ảnh hưởng đến môi trường sống đô thị, cộng với nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới công nghệ của các nhà máy khiến vị trí ban đầu của chúng trở nên không còn phù hợp, và vì vậy chúng được chuyển đi ra ngoài thành phố, sang địa phương khác hoặc thậm chí sang các quốc gia khác. Đó là một quá trình vận động của kinh tế và đô thị có tính chất quy luật chung được tìm thấy ở hầu hết các đô thị lớn trên thế giới.

Chuyển đổi sử dụng đất và không gian các nhà máy, công xưởng, kho bãi, bến cảng cũ sang chức năng, mục đích sử dụng mới sao cho vẫn giữ gìn được các giá trị lịch sử của địa điểm, của thành phố nhưng vẫn thích ứng được với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội mới, tận dụng cơ hội để nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân đô thị là vấn đề mà rất nhiều đô thị đã thực hiện rất tốt.

Một dự án gần đây của tổ chức Vì một Hà Nội đáng sống đã nghiên cứu kinh nghiệm của 25 dự án chuyển đổi các nhà máy cũ, các cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất công nghiệp thành các không gian công cộng, các công trình hạ tầng xã hội và không gian sáng tạo của rất nhiều thành phố trên toàn thế giới. Kết quả nghiên cứu cho thấy có 3 nhóm loại hình chức năng phố biến hậu chuyển đổi, đó là:

• Các cơ sở hạ tầng văn hóa nghệ thuật: bảo tàng, khu triển lãm & biểu diễn văn hóa nghệ thuật.

• Các khu liên hợp văn hóa nghệ thuật sáng tạo đa ngành: nghệ thuật, thiết kế, kiến trúc, nội thất, điện ảnh, công nghệ (Start-up sáng tạo).

• Không gian công cộng: công viên, không gian công ích, không gian giải trí cộng đồng
hoặc tích hợp các mô hình trên.

Một ví dụ khá thành công là Songsan Creative Park (công viên văn hoá – sáng tạo Songsan) ở thành phố Đài Bắc, Đài Loan. Người ta đã giữ lại, bảo tồn và tái sử dụng toàn bộ khuôn viên và các công trình nhà máy thuốc lá Matsuyama (Tobacco Plant) do người Nhật xây dựng năm 1937 vào thời kỳ Nhật đô hộ Đài Loan, và biến đây trở thành một không gian văn hoá đa năng hấp dẫn (từ năm 2011).

Công viên văn hoá - sáng tạo Songsan (Đài Bắc)

Công viên văn hoá – sáng tạo Songsan (Đài Bắc)

Songsan bao gồm một bảo tàng lịch sử nhà máy, một bảo tàng thiết kế, các không gian thương mại, dịch vụ dành cho các doanh nghiệp sáng tạo vừa và nhỏ, các không gian hội nghị, hội thảo, trưng bày, triển lãm, các nhà hàng, quán cà phê và các không gian công cộng rộng rãi. Mặc dù Đài Bắc cũng là một thành phố đông dân và khan hiếm đất đô thị, nhưng chính quyền vẫn quyết tâm giữ lại khu nhà máy này và biến nó thành một khu liên hợp sáng tạo đa ngành và không gian công cộng, nhằm nuôi dưỡng nền kinh tế sáng tạo cho Đài Loan.

Các ví dụ thành công khác có thể kể đến là 798 Art Zone, tại ngoại ô Bắc Kinh, Trung Quốc: từ một khu liên hợp nhà máy với tổng diện tích 60ha xây vào những năm 1950, nay chuyển thành một tổ hợp văn hóa nghệ thuật vô cùng hấp dẫn trên nền tảng không gian và các công trình công nghiệp cũ. Từ khi mở cửa đến nay, khu 789 Art Zone đã thu hút hơn 75 triệu khách và là nơi diễn ra các sự kiện văn hoá quốc tế và quốc gia như Liên hoan Phim quốc tế Bắc Kinh, hay tuần lễ thiết kế Bắc Kinh.

798 Art Zone (Bắc Kinh)

798 Art Zone (Bắc Kinh)

Như vậy, có thể thấy rằng, các cơ sở công nghiệp cũ cũng có thể trở thành di sản khi chúng ta hiểu rằng đó là những công trình, những địa điểm, những không gian và cảnh quan mang các giá trị nổi trội về lịch sử, về khoa học kỹ thuật, về kiến trúc và thẩm mỹ.

Các cơ sở công nghiệp quy mô lớn cũng thường gắn với lịch sử thuộc địa hoá, hiện đại hoá, công nghiệp hoá, đô thị hoá của các địa phương, các quốc gia. Nó là những vật chứng, giúp chúng ta kể các câu chuyện về nơi chốn và thành phố, chính là duy trì bản sắc của các đô thị. Vì vậy, các công trình công nghiệp hoàn toàn xứng đáng là đối tượng được đánh giá, xem xét và đưa vào danh sách các công trình kiến trúc có giá trị của các địa phương, để từ đó có giải pháp bảo tồn, khai thác, sử dụng hợp lý như những gì được quy định và mong đợi ở Luật Kiến trúc./.

PGS.TS.KTS Phạm Thuý Loan – Phó viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia, Bộ Xây dựng