15/11/2014

Đến 2030, giáo dục Việt Nam trở thành nền giáo dục mở

Sáng 24/7, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2011-2015.

Phiên họp tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

thutuong

Tiếp thu tinh thần Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 6 (khóa XI), dự thảo Đề án lần này đã được chỉnh sửa, bổ sung và làm sáng tỏ hơn nhiều nội dung. Dự thảo đề án gồm 4 phần: Sự cần thiết phải đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; thực trạng giáo dục Việt Nam; định hướng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; những vấn đề xin ý kiến Trung ương và kiến nghị.

 

Trên cơ sở gợi ý của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các ý kiến phát biểu tại phiên họp tập trung phân tích rõ hơn với những minh chứng cụ thể, thẳng thắn về thực trạng giáo dục nước ta, nguyên nhân và kiến nghị nhiều biện pháp nhằm khắc phục cơ bản các yếu kém, kéo dài đang gây bức xúc trong xã hội liên quan đến giáo dục.

 

Các ý kiến cũng làm rõ hơn các biện pháp căn cơ, cả trước mắt và lâu dài để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030 giáo dục Việt Nam trở thành nền giáo dục mở, chất lượng cao, đạt trình độ nền giáo dục tiên tiến trong khu vực và hội nhập quốc tế.

 

Nhiều ý kiến nhấn mạnh đến sự tất yếu phải đổi mới giáo dục theo hướng tinh giản, cơ bản, hiện đại, phù hợp với thực tiễn Việt Nam, gắn lý thuyết với thực hành ứng dụng, khắc phục phương thức truyền thụ áp đặt một chiều cũng như việc kiểm tra, thi, đánh giá chất lượng giáo dục phải bảo đảm tính trung thực, tin cậy, đánh giá kết quả hình thành năng lực, phẩm chất chứ không chỉ dừng lại ở đánh giá mức độ lĩnh hội kiến thức của người học.

 

Một số ý kiến đồng tình quan điểm xác định giải pháp then chốt là “đổi mới tư duy giáo dục”, “đổi mới quản lý giáo dục” và “phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục”. Trên cơ sở đổi mới tư duy, lấy “đổi mới kiểm tra, thi và đánh giá kết quả giáo dục” làm giải pháp đột phá để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo…

 

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực, đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, sát thực tế của các thành viên hội đồng, các nhà quản lý và nhà khoa học.

 

Cùng với làm rõ để khẳng định và phát huy những thành tựu của giáo dục Việt Nam, Thủ tướng đề nghị phân tích rõ thêm nguyên nhân dẫn đến thực trạng yếu kém của nền giáo dục liên quan trực tiếp đến chủ trương, cơ chế, chính sách, công tác quản lý Nhà nước, những hạn chế, yếu kém trực tiếp của ngành giáo dục và những bất cập giữa mục tiêu và nguồn lực phát triển… Đây là cơ sở đúc kết từ thực tiễn để thống nhất quan điểm, hoàn thiện mục tiêu gắn với nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý Ban soạn thảo đề án và Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực cân nhắc, sắp xếp hợp lý các biện pháp thực hiện trình bày trong đề án, nhất là trong công tác quản lý Nhà nước và hoàn chỉnh phần tổ chức thực hiện.

 

Thủ tướng cũng cho rằng cần phân tích làm rõ thêm tính khách quan, hợp lý, hiệu quả liên quan đến thống nhất cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục, dạy nghề để xin ý kiến Trung ương. Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp thu những ý kiến đóng góp hợp lý, phối hợp cùng Ban Tuyên giáo Trung ương tiếp tục hoàn thiện dự thảo đề án, sớm trình Chính phủ đóng góp ý kiến trước khi trình Trung ương.

 Theo VOV

Tag: đào tạo, Giáo dục, Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng, Việt Nam,