16/01/2015

Dân khóc trên những bãi cỏ dại… triệu đô

Sau khi đại biểu Quốc hội Châu Thị Thu Nga bị bắt về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhiều bạn đọc phản ánh nhiều Cty cũng thu của họ hàng trăm tỷ đồng nhưng đến hạn không giao nhà cũng chẳng chịu trả lại tiền, tương tự trường hợp của bà Nga.

 

Ôm hàng trăm tỷ của khách rồi bặt tăm 

Ngày 7/1, Cơ quan CSĐT (Bộ Công an) thực hiện bắt tạm giam bà Châu Thị Thu Nga – ĐBQH, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Housing Group (chủ đầu tư dự án nhà ở B5 Cầu Diễn, Hà Nội) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Được biết, năm 2010, bà Nga đã thu khoảng 400 tỷ đồng của nhiều khách hàng nhưng đến nay dự án B5 Cầu Diễn vẫn chỉ là bãi đất hoang.

doanhnhan

Dự án Tháp Doanh nhân (trái) và Tricon Tower sau nhiều năm vẫn chỉ là bãi cỏ dại. Ảnh: Minh Đức

Tương tự vụ việc trên, 128 khách hàng đã nộp khoảng 400 tỷ đồng cho Cty CP Minh Việt để mua nhà tại dự án Tricon Tower (Khu đô thị Bắc An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội), song ông Edward Chi (Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Cty CP Minh Việt) đã bặt tăm từ 2 năm nay khiến nhiều khách hàng hoang mang.

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, dự án Tricon Tower khi hoàn thiện mỗi căn hộ sẽ có diện tích 156,88m2, giá tiền 263.000 USD. Khách hàng phải đóng tiền theo định kỳ 3 tháng/lần, mỗi lần 20.000 USD. Theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán, nếu khách hàng trả ngay 70% trị giá căn hộ sẽ được giảm 5% (xấp xỉ 14.000 USD).

Trong hợp đồng mua bán nhà cũng ghi rõ, Cty CP Minh Việt sẽ phải giao nhà cho khách hàng vào ngày 31/12/2011, muộn nhất ngày 30/6/2012. Được biết, một số hộ dân đã ký hợp đồng đóng tiền mua nhà cho Cty CP Đầu tư Minh Việt từ tháng 11/2009. Tuy nhiên đến nay, dự án này mới chỉ xong phần móng và “đắp chiếu” từ 4 năm qua.

Chia sẻ với PV, khách hàng Phạm Thị Thủy (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, đã nộp 5 tỷ đồng cho Cty CP Minh Việt nhưng đến nay cũng không thể liên lạc được với ông Edward Chi. Tương tự, anh Nguyễn Văn Thịnh (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) cho biết đã nộp tới 70% số tiền mua căn hộ.

“Kể từ khi ông Edward Chi thất hứa, hàng trăm khách hàng đã nhiều ngày ròng rã kéo đến trụ sở của Cty CP Minh Việt tại C1 Dịch Vọng, Cầu Giấy để đòi nhà, tiền, thế nhưng chúng tôi không thể tiếp cận được với ông Chi” – anh Thịnh nói. Anh Thịnh cho biết thêm, đã 3 năm trôi qua, anh đã nhiều lần gửi đơn thư tới cơ quan chức năng nhưng chưa có hồi âm. Những khách hàng này cho biết, số tiền trên là họ vay mượn từ nhiều nguồn khác nhau và đang phải è cổ trả lãi.

Trước đó, ngày 29/7/2013, khi PV đến trụ sở Cty này đã dừng hoạt động, đồ đạc đã được chuyển đi nơi khác, chỉ còn lại một cô gái, khi hỏi cô gái này nói đang có ý định bán nốt con chó còn lại.

Khởi công không phép, thu bộn tiền

Tương tự công trình Tháp Doanh nhân được chủ đầu tư là Cty CP Đầu tư xuất nhập khẩu Tây Đô thuộc Cty CP Tập đoàn Anh Quân (số 1 Thanh Bình, Hà Đông, Hà Nội) thực hiện với tổ hợp căn hộ cao cấp, văn phòng, khách sạn và trung tâm thương mại, tổng số vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng. Tòa tháp được xây dựng trên diện tích 1.370 m2, tổng diện tích sàn xây dựng là 70.000 m2 với chiều cao 52 tầng.

Bà T. H. (Hà Nội) cho biết, tháng 11/2009 bà và một số người dân khác đã ký hợp đồng góp vốn xây dựng tòa nhà hỗn hợp Tháp Doanh nhân với Cty Tây Đô. Tin tưởng vào cam kết của Cty trong hợp đồng góp vốn, bà H. cùng các đối tác đã bỏ ra 32 tỷ đồng nộp cho Cty Tây Đô.

Ngoài ra, các hộ dân khác (không tiện nêu tên) đã ký hợp đồng góp vốn và nộp cho Cty Tây Đô gần 100 tỷ đồng. Dự kiến việc thi công phần móng sẽ hoàn thiện vào tháng 3/2011, tuy nhiên cho tới nay, công trình này vẫn chỉ là bãi cỏ dại.

Liên quan đến sự việc trên, vào tháng 9/2013, trong buổi làm việc với PV Tiền Phong, bà Phạm Thị Lan Anh – Phó Giám đốc Cty Tây Đô cho rằng, số tiền đó đã được “đổ vào công trình”.

Về giấy phép xây dựng, bà Lan Anh cho biết, sang tháng 10/2013 công trình sẽ được cấp phép. Thế nhưng, từ đó tới nay đã hơn 1 năm bà Lan Anh vẫn không trưng được giấy phép xây dựng cho khách hàng. Đem thông tin này hỏi cơ quan chuyên môn, lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội nói, “chỗ đó thuộc diện quy hoạch, có trời mới cấp được giấy phép xây dựng”.

Hố móng hóa ao bèo

Hàng ngàn người mua nhà tại dự án Hesco Văn Quán, 409 Lĩnh Nam, B5 Cầu Diễn… giờ đây chỉ còn biết kêu trời bởi tính từ thời điểm nộp tiền mua căn hộ qua hình thức hợp đồng vay vốn đến nay đã 4-5 năm mà nhà vẫn chỉ nằm trên giấy.

Tại khu đất 409 Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai, Hà Nội) mà Cty CP Megastar chào bán căn hộ thông qua sàn Hạ Long vào tháng 8/2009 nhưng đến nay vẫn chỉ là bãi đất hoang được quây tôn tạm bợ. Hố đào móng ngày nào nay đã biến thành ao bèo hoang vắng.

Ngay đầu lối vào khu đô thị Văn Quán (Hà Đông), tấm biển giới thiệu dự án Hesco đã đổ sập từ lâu, bên trong cỏ hoang mọc đến ngang người. Hàng loạt các dự án phía tây Hà Nội, dọc đường Lê Văn Lương kéo dài, khu vực huyện Mê Linh, Hoài Đức, Chương Mỹ… cũng rơi vào tình trạng tương tự.

Một số chủ đầu tư còn nghĩ ra “quái chiêu” khi đóng dấu niêm phong bên ngoài phong bì chứa hợp đồng quy định một vài năm mới được mở ra nhằm tránh lộ bí mật mà bản chất là để lừa khách hàng.

Chỉ tính riêng các dự án nêu trên, số lượng tiền mà các chủ đầu tư huy động đã lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Theo chị Thu Hà, một người mua nhà tại dự án 409 Lĩnh Nam, không chỉ phải trả tiền gốc mà còn phải chi hàng trăm triệu tiền “chênh” khi mua mỗi căn hộ. Một khách hàng của dự án AZ Vân Canh cho hay, những hệ lụy từ các giao dịch mua bán nhà đất này là rất lớn về cả kinh tế và xã hội.

Không chỉ tiền “chênh”, chỉ riêng tiền trượt giá, tiền lãi suất phải trả cho ngân hàng phát sinh từ khoản vay mua nhà cũng đã gần bằng số tiền gốc nộp cho chủ đầu tư sau 5 năm. Ngoài ra, một hậu quả khác nữa đó là niềm tin vào thị trường bị suy giảm nghiêm trọng.

 

Theo Tiền Phong