20/02/2017

Đảm bảo an toàn kỹ thuật cho thiết bị xây dựng công trình

Trước trình trạng mất an toàn lao động trong vận hành thiết bị thi công công trình đang có chiều hướng gia tăng, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 29/2016/TT-BXD về quy trình kiểm định kỹ thuật an toàn đối với cần trục tháp, máy vận thăng và sàn treo nâng người sử dụng trong thi công xây dựng.

Ban hành kèm theo Thông tư số 29/2016/TT-BXD là các quy trình bao gồm: Quy trình kiểm định kỹ thuật an toàn đối với cần trục tháp, ký hiệu QTKĐ: 01-2016/BXD; Quy trình kiểm định kỹ thuật an toàn đối với máy vận thăng sử dụng trong thi công xây dựng, ký hiệu QTKĐ: 02-2016/BXD; Quy trình kiểm định kỹ thuật an toàn đối với sàn treo nâng người sử dụng trong thi công xây dựng, ký hiệu QTKĐ: 03-2016/BXD.


Các thiết bị thi công xây dựng trên công trường phải tuân thủ theo thiết kế được duyệt, tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật.

Theo đó, đối với quy trình kiểm định kỹ thuật an toàn máy vận thăng sử dụng trong thi công xây dựng sẽ phải trải qua các bước kiểm định an toàn theo các bước kiểm tra hồ sơ, lý lịch của vận thăng; kiểm tra kỹ thuật bên ngoài; kiểm tra kỹ thuật – thử không tải; các chế độ thử tải – phương pháp thử; xử lý kết quả kiểm định. Các bước kiểm tra tiếp theo chỉ được tiến hành khi kết quả kiểm tra ở bước trước đó đạt yêu cầu. Tất cả các kết quả kiểm tra của từng bước phải được ghi chép đầy đủ vào bản ghi chép hiện trường theo mẫu qui định và lưu trữ đầy đủ tại tổ chức kiểm định.

Thời hạn kiểm định định kỳ vận thăng sử dụng trong thi công xây dựng là 01 năm. Đối với vận thăng có thời gian chế tạo đến thời điểm kiểm định quá 12 năm thì thời hạn kiểm định định kỳ là 6 tháng.

Đối với quy trình kiểm định kỹ thuật an toàn áp dụng để kiểm định kỹ thuật an toàn lần đầu, kiểm định kỹ thuật an toàn định kỳ và kiểm định kỹ thuật an toàn bất thường đối với các loại cần trục tháp sử dụng trong thi công xây dựng được đánh giá rất nghiêm ngặt về an toàn, bởi đặc tính hoạt động phải lắp đặt trên cao, mà không ít trường hợp phải thi công trong điều kiện mặt bằng, không gian chật chội nên cẩu tháp thường vươn ra phía trên nhiều công trình giao thông lân cận, trong khu vực đông người.

Khi đánh giá độ an toàn bên ngoài của cẩu tháp cần kiểm tra tình trạng kỹ thuật kết cấu kim loại, các mối hàn, mối ghép đinh tán (nếu có), mối ghép bulông của buồng điều khiển, thang, sàn và che chắn… Khi có nghi ngờ về tình trạng kết cấu kim loại thì yêu cầu cơ sở áp dụng các biện pháp kiểm tra bổ sung phù hợp để đánh giá chính xác hơn như kiểm tra chiều dày, chất lượng mối hàn. Ngoài ra, cũng cần kiểm tra tình trạng các hệ neo giằng thân tháp (khi cần trục tháp đã vượt chiều cao tự đứng). Các hệ neo giằng thân tháp chỉ được phép liên kết vào kết cấu chịu lực của công trình (sàn tầng, đà, cột, tường bê tông), không cho phép liên kết vào tường gạch, vách gạch.

Cẩu tháp có ưu điểm đáp ứng yêu cầu vận chuyển khối lượng lớn vật liệu, thiết bị với chiều cao và tầm vươn rộng, giúp đẩy nhanh tiến độ thi công. Vậy nên, phương pháp thử tải được đánh giá là khâu hết sức quan trọng. Theo đó, khi thử tải tĩnh, tải trọng thử bằng 125% tải trọng làm việc an toàn hoặc theo yêu cầu cơ sở nhưng không lớn hơn tải trọng thiết kế và phải phù hợp với chất lượng thực tế của thiết bị. Trong trường hợp chất lượng thực tế của thiết bị không đạt yêu cầu thì giảm tỉ trọng làm việc an toàn nhưng phải có sự thống nhất giữa các bên liên quan. Để đánh giá là đảm bảo yêu cầu, trong 10 phút treo tải, tải không trôi, sau khi hạ tải xuống, các cơ cấu và bộ phận của cần trục tháp không có vết nứt, không có biến dạng hoặc các hư hỏng khác. Khi thử tải động, tải trọng thử bằng 110% tải trọng làm việc an toàn hoặc theo yêu cầu cơ sở nhưng không lớn hơn tải trọng thiết kế và phải phù hợp với chất lượng thực tế của thiết bị.

Quy trình cuối cùng được ban hành kèm theo Thông tư số 29/2016/TT-BXD là quy trình kiểm định kỹ thuật an toàn sàn treo nâng người sử dụng trong thi công xây dựng. Theo đó, lý lịch của thiết bị cần được khai báo rõ ràng từ mã hiệu, nơi chế tạo, năm sản xuất, tải trọng cho phép, khả năng vận chuyển, nguyên lý hoạt động, loại dẫn động, điều khiển, vận tốc, trọng lượng đối trọng, các kích thước chính (sàn công tác, dầm treo) cho đến các đặc trưng kỹ thuật chính của hệ thống (thiết bị điều khiển, các thiết bị an toàn cần thiết, cơ cấu hạn chế quá tải). Hồ sơ kỹ thuật sàn treo nâng người bao gồm bản vẽ sơ đồ nguyên lý hoạt động, bản vẽ lắp các cụm cơ cấu, bản vẽ tổng thể có ghi các kích thước và thông số chính và các đặc tính kỹ thuật.

Nhận định về các quy định mới do Bộ Xây dựng ban hành, các chuyên giá đánh giá với các quy định chặt chẽ như vậy, thiết bị thi công sẽ được kiểm định nghiêm ngặt, đảm bảo an toàn lao động thì mới được phép hoạt động trên công trường. Khi hoạt động, máy và thiết bị thi công phải tuân thủ quy trình, biện pháp đảm bảo an toàn, giúp giảm thiểu, tránh xảy ra những tai nạn đáng tiếc, gây thiệt hại không chỉ về người mà còn về tài sản.

Phúc Khang/Báo Xây dựng