31/03/2017

Đại học Kiến trúc Hà Nội: Hướng tới hợp tác chuyên sâu với Nhật Bản

Nhật Bản không chỉ là đất nước phát triển về công nghệ mà còn được biết đến bởi một nền kiến trúc đặc sắc và một nền giáo dục vượt trội.

Nhiều công trình kiến trúc của Nhật Bản đã trở thành biểu tượng những trào lưu Kiến trúc đương đại của Thế giới. Người dân Nhật Bản được thừa hưởng một nền giáo dục có tính cạnh tranh rất cao, đặc biệt ở các kỳ thi tuyển sinh đại học, điển hình là các kỳ thi tuyển của những trường đại học danh tiếng.

Phóng viên Báo Xây dựng đã có dịp trao đổi với PGS.TS. KTS. Lê Quân, Hiệu trưởng trường Đại học Kiến trúc Hà Nội (ĐHKTHN) về chủ đề này.


PGS.TS.KTS. Lê Quân, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng trường ĐHKTHN.

PV: Nhật Bản là quốc gia có nhiều điểm thú vị trong kiến trúc cũng như trong nền giáo dục nói chung, mối quan hệ của trường ĐHKTHN với các trường đại học tại Nhật được xây dựng và duy trì như thế nào?

PGS.TS. KTS. Lê Quân: Nhật Bản là quốc gia có nền kiến trúc lớn với nhiều tác giả, tác phẩm nổi tiếng trong khu vực châu Á. Đó là một trong những quốc gia mà rất nhiều các kiến trúc sư (KTS) Việt Nam tìm đến để trao đổi kinh nghiệm học tập. Trường ĐHKTHN có mối quan hệ sâu sắc trong nhiều năm với giới KTS cũng như các trường đại học tại Nhật Bản.

Rất nhiều giảng viên của trường ĐHKTHN đã từng tốt nghiệp Tiến sĩ, Thạc sĩ tại các trường dang tiếng của Nhật Bản, ví dụ như Đại học Tokyo, Nagoya, Kyatousu… Trường Đại học tổng hợp Tokyo là cái nôi đào tạo nhiều Tiến sỹ chuyên ngành kiến trúc cho Việt Nam.


Buổi lễ ký kết giữa trường ĐHKTHN và trường Đại học Nagoya Zkey tại Nhật Bản.

Hàng năm, sinh viên của chúng tôi đều tham gia vào các cuộc thi quốc tế về Kiến trúc tại Nhật Bản liên quan đến các vấn đề nóng của châu Á như thiết kế đô thị, phát triển bền vững, kiến trúc sinh thái… Thường niên, trường ĐHKTHN có thực hiện việc trao đổi sinh viên với các trường đại học của Nhật Bản. Mỗi năm có khoảng 20 sinh viên sang Nhật theo chương trình trao đổi sinh viên; khoảng 4 -5 sinh viên học ở Nhật với thời lượng là 1 năm, sau đó quay về tiếp tục học và lấy bằng ở trường ĐHKTHN; khoảng 12 – 15 sinh viên tham gia các khóa học ngắn hạn tại Nhật.

PV: Ông đánh giá trường ĐHKTHN học tập được những kinh nghiệm nào từ những trường đại học đào tạo chuyên ngành kiến trúc, xây dựng tại Nhật Bản?

PGS.TS. KTS. Lê Quân: Sự trao đổi hợp tác, trao đổi sinh viên với các trường đại học tại Nhật Bản mang lại rất nhiều lợi ích cho cả đội ngũ giảng viên và sinh viên của trường ĐHKTHN. Chúng tôi học tập được ở họ những kinh nghiệm cả về chuyên môn lẫn công tác sư phạm.

Các trường đại học tại Nhật Bản có nhiều chương trình đào tạo được tổ chức chặt chẽ, nghiêm túc và khuyến khích tính sáng tạo. Tại đây, sinh viên có khá năng phát huy hết năng lực sáng tạo của bản thân và có thể trải nghiệm thực tế các vấn đề rất nóng bỏng của xã hội mang tính toàn cầu như: Biến đổi khí hậu, các vấn đề về ô nhiễm môi trường, gia tăng dân số…


Giảng viên trường ĐHKTHN thăm và làm việc tại trường Đại học Nagoya Zokey.

Các Giáo sư cùng các sinh viên các trường đại học của Nhật Bản thường tổ chức các nhóm nghiên cứu chung và đạt được kết quả rất tốt, những nghiên cứu hướng tới cộng đồng với tiêu chí cụ thể. Đây là kinh nghiệm rất tốt cho môi trường đào tạo ở Việt Nam.

Khi tham gia các Workshop, hội thảo chuyên sâu, giảng viên và sinh viên của Việt Nam có cơ hội giao lưu để hướng tới hội nhập quốc tế với tinh thần tự chủ hơn.

PV: Dự định trong tương lai mối quan hệ giữa trường ĐHKTHN và các trường liên quan tại Nhật như thế nào, thưa ông?

PGS.TS. KTS. Lê Quân: Trường ĐHKTHN luôn mong muốn mở rộng giao lưu với các trường đại học tại Nhật Bản. Chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy những hoạt động hợp tác và trao đổi với các trường đại học đào tạo các chuyên ngành Kiến trúc, Xây dựng của Nhật Bản.

Vừa qua, nhóm giảng viên, sinh viên của trường ĐHKTHN cùng với những kiến trúc sư của Công ty Niken Sekkei đã đạt giải Nhất trong cuộc thi tuyển chọn quốc tế các phương án Quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị của làng Bát Tràng – Hà Nội. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục liên kết với các trường đại học, các công ty tư vấn thiết kế xây dựng của Nhật Bản để tăng cường phát triển những nhóm nghiên cứu đa ngành và hợp tác phát triển cho môi trường đào tạo gắn với thực tiễn, tăng cường trao đổi sinh viên và giảng viên với nhiều trường đại học của Nhật Bản. Qua đó, từng bước đổi mới chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo, đồng thời tạo điều kiện cho đội ngũ giảng viên và sinh viên vươn xa, hội nhập tốt hơn nữa vào môi trường giáo dục quốc tế.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Khánh Phương-Việt Khoa-Tuyết Hạnh/Báo Xây dựng