08/01/2021

Công trình xây dựng tại nông thôn: Miễn cấp phép nhưng không buông lỏng

Từ 1/1/2021, công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ ở nông thôn dưới 7 tầng, thuộc khu vực không có quy hoạch không cần phải xin giấy phép xây dựng.

Đây là một trong những nội dung quan trọng trong Luật Xây dựng (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 17/6/2020. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng quy hoạch đô thị và nông thôn có cấu trúc không gian khác nhau, nên cần phải quản lý chặt chẽ đối với những công trình cao tầng để tránh xảy ra tình trạng lộn xộn về thiết kế quy hoạch.

Nhiều lợi ích

Theo Luật sư Hoàng Văn Đạo – Hội Luật gia Việt Nam, Luật Xây dựng sửa đổi 2020 bổ sung nhiều nội dung quan trọng, mở “nút thắt” giúp DN và người dân thuận lợi hơn trong quá trình triển khai thực hiện. Một trong những nội dung được đặc biệt quan tâm là quy định về những công trình đủ điều kiện miễn cấp giấy phép xây dựng, trong đó 2 nhóm công trình mới, gồm: Nhà ở riêng lẻ quy mô dưới 7 tầng thuộc dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án đầu tư xây dựng nhà ở có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; Công trình xây dựng cấp IV, nhà ở riêng lẻ ở nông thôn quy mô dưới 7 tầng, thuộc khu vực không quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Quy định miễn cấp phép xây dựng cho một số hạng mục công trình tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Ảnh: Doãn Thành

Quy định miễn cấp phép xây dựng cho một số hạng mục công trình tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Ảnh: Doãn Thành

Nhà ở riêng lẻ ở miền núi, hải đảo thuộc khu vực không quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng, trừ công trình, nhà ở riêng lẻ được xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử văn hóa.

Phó Tổng Giám đốc Công ty Thạch Bàn Lakeside Vũ Đình Chiến cho biết, đối với nội dung miễn cấp phép xây dựng cho một số công trình được quy định tại Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020, khi thực thi sẽ mang đến 2 lợi ích tức thì cho DN và người dân, DN thì có thể đang dạng hóa được sản phẩm của mình dựa theo nhu cầu thực tế của khách hàng; đồng thời rút ngắn được thời gian làm thủ tục cấp phép.

“Trước đây, luật cũng cho phép những sản phẩm nhà ở riêng lẻ trong dự án dưới 500m2 cũng không phải xin giấy phép, nhưng hiện nay nới rộng thêm cả phần chiều cao, đối với những DN bất động sản đây là điều hết sức thuận lợi, giúp cho chủ đầu tư có thể thiết kế sản phẩm một cách đa dạng hơn phục vụ nhu cầu của khách hàng. Bên cạnh đó, việc không phải xin giấy phép xây dựng cũng sẽ giúp rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí” – ông Vũ Đình Chiến cho hay.

Không để phá vỡ quy hoạch nông thôn

Chánh văn phòng Hội KTS Việt Nam – KTS Phạm Thanh Tùng cho biết, việc quy định miễn cấp phép cho công trình riêng lẻ dưới 7 tầng trọng dự án khi đã được phê duyệt 1/500 là hoàn toàn đúng. Bởi vì khi có quy hoạch 1/500, nghĩa là dự án đó đã được quy hoạch quản lý không gian rồi, nhưng tất cả hồ sơ phải được cơ quan có thẩm quyền thẩm định, liên quan đến độ an toàn về kết cấu, phòng chống cháy nổ… trong luật cần phải quy định rõ về việc này.

Riêng quy định, cho phép miễn Giấy phép xây dựng đối với công trình riêng lẻ dưới 7 tầng vùng nông thôn, vẫn còn nhiều băn khoăn. Thứ nhất, nhà khu vực nông thôn mà xây dựng lên tới 7 tầng thì không còn được gọi là nhà ở nông thôn nữa; Thứ hai, kiến trúc cảnh quan, quy hoạch không gian khu vực nông thôn còn tồn tại văn hóa làng, khác biệt hoàn toàn so với đô thị, xu hướng xây nhà vùng nông thôn là chiếm lĩnh không gian chiều ngang chứ không phải chiều cao; Thứ ba, nếu quy định được nới ra như vậy thì sẽ có rất nhiều nhà đầu tư đến các vùng nông thôn mua đất để xây dựng, kinh doanh và biến nông thôn trở thành một đô thị tạp nham.

“Việc xây dựng nhà cao tầng ở nông thôn là điều rất đặc biệt, mà đã đặc biệt thì phải quản lý, bởi vì Nhà nước đang chủ trương hiện đại hóa nông thôn chứ không phải là đô thị hóa nông thôn. Vậy nên, nếu nới rộng quy định không phải xin phép như vậy tôi cho rằng chưa ổn mà phải có sự quản lý chặt chẽ” – KTS Phạm Thanh Tùng nhìn nhận.

Cũng theo KTS Phạm Thanh Tùng, trình độ xây dựng ở nông thôn là vấn đề cần phải quan tâm, liên quan đến kết cấu, chịu lực, độ bền vững của công trình trước những ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ… Vì vậy phải quy định rõ từng khu vực, như: nông thôn vùng đồng bằng Bắc bộ, nông thôn miền núi, ven biển, duyên hải… mà hiện nay các vùng nông thôn này đang đứng trước nguy cơ bị thiên tại bởi biến đổi khí hậu, ngày càng khốc liệt.
“Quan điểm của tôi là những khu vực này không khuyến khích xây nhà cao tầng. Luật thì đã có quy định rồi, hiện nay đang chờ Nghị định, Thông tư hướng dẫn thực hiện. Tôi cho rằng vấn đề này cần phải được quan tâm, có quy định rõ ràng hơn và phải gắn liền với thực tế” – KTS Phạm Thanh Tùng cho biết thêm.

“Thời gian qua, những vướng mắc về quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực xây dựng đã gây ra nhiều khó khăn cho DN và người dân, như: Thiếu quy định về lập, thẩm định đối với các dự án, vướng mắc về đồng bộ kết cấu hạ tầng, quy hoạch… khiến cho nhiều công trình, dự án bị chậm triển khai ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Luật sửa đổi lần này đã giải quyết được “điểm nghẽn” đó.” – Luật sư Hoàng Văn Đạo

Doãn Thành/Kinh tế Đô thị