12/01/2021

Công trình xanh và các khái niệm liên quan

(TCKTVN 231) – Đô thị sinh thái – Đô thị xanh – Đô thị thông minh – Đô thị bền vững? – PGS.TS Phạm Đức Nguyên/Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam

Đô thị sinh thái – Đô thị bền vững? Danh từ Đô thị bền vững ra đời sau khi các tổ chức liên hợp quốc (LHQ) thống nhất đưa ra khái niệm “Phát triển bền vững/Sustainable development” trong văn kiện “Chăm lo cho trái đất/Cayring for the Earth” năm 1991. Đặc biệt, khi Hội nghị thượng đỉnh trái đất về môi trường và phát triển năm 1992 thông qua “Chương trình nghị sự 21”, tiếp đó 179 nước tham gia cam kết tuân theo và phê chuẩn các “Chương trình phát triển bền vững” của nước mình. Trong ba nội dung cơ bản của phát triển bền vững, thì nội dung đầu tiên là bền vững hệ sinh thái (Ecological Sustainability), trong đó đòi hỏi bảo tồn các hệ thống trợ giúp cho sự sống, bền vững môi trường (Environmental Sustainability), bền vững xã hội (Social Sustainability), bền vững về tài nguyên,…

Sau đó, khái niệm “Kiến trúc sinh thái/Ecologic Architecture” đã được đề xuất, nhằm việc xây dựng các công trình mà vẫn bảo tồn được các hệ sinh thái tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên. Khi công trình gây tổn thương các hệ sinh thái, phá vỡ cảnh quan thiên nhiên phải có giải pháp khôi phục, tôn tạo lại.
Đồng hành cùng Kiến trúc sinh thái là “Kiến trúc môi trường/Environmental Architecture”, nhằm tạo lập môi trường sống vệ sinh, lành mạnh cho con người và các loài sinh vật. Khi xã hội loài người càng tiến xa về phía văn minh, càng thải nhiều rác và chất độc hại vào môi trường: rác và phế thải dân dụng, công nghiệp, khí thải giao thông, tiếng ồn đô thị… là những vấn đề lớn của nhiều đô thị trên thế giới. Tiêu thụ nhiều năng lượng hóa thạch cho sản xuất và đời sống sẽ sản sinh nhiều khí CO2 – khí nhà kính chủ yếu gây biến đổi khí hậu (BĐKH).

Kiến trúc sinh thái, Kiến trúc môi trường tạo ra Đô thị sinh thái (Ecologic City). Nhờ có Đô thị sinh thái, đô thị trở thành Đô thị bền vững (Sustainable City) – không chỉ cho thế hệ đang sống, mà còn cho các thế hệ mai sau.

Như vậy, Đô thị bền vững là đô thị trong đó các hệ sinh thái tự nhiên và nhân tạo (do con người tạo ra) có đủ điều kiện để bảo tồn và phát triển, nhờ đó môi trường sống được cân bằng, trong sạch, vệ sinh. Xã hội càng phát triển, đô thị hóa càng tăng nhanh, nhu cầu xây dựng các công trình nhà ở, giao thông, phục vụ văn hóa đời sống đòi hỏi càng lớn. Nhưng nếu phá hết rừng cây, hồ nước,… để xây dựng công trình là phá vỡ hệ sinh thái tự nhiên, phải trả giá đắt về cuộc sống đô thị sau này.

Delta sinh thái Busan (Hàn Quốc) - Đô thị thông minh

Delta sinh thái Busan (Hàn Quốc) – Đô thị thông minh

Đô thị xanh – Đô thị bền vững? Theo “Định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn 2050”, năm 2025 dân số đô thị Việt Nam có khoảng 52 triệu, tỷ lệ đô thị hóa đạt 50%. Đô thị càng đông dân, nhu cầu năng lượng càng tăng cao, khí thải nhà kính càng lớn, là nguyên nhân trực tiếp tạo ra BĐKH. Vì vậy khái niệm “xanh” trước hết là “xanh về năng lượng”. Khi BĐKH trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với toàn cầu, và khi Hội nghị thượng đỉnh LHQ thông qua “Công ước khung về BĐKH” (1992), phong trào “Công trình xanh” ra đời (năm 1990-1995).

Công trình xanh (CTX) chính là cơ sở của Kiến trúc xanh (Green Architecture) để tạo thành Đô thị xanh (Green City) như tên gọi sau này. Các đô thị muốn trở thành xanh phải có nhiều tòa nhà xanh, từ đó có thêm khái niệm “Thành phố CTX”. Năm 2016 Công ty Solidiance đã xếp hạng “10 thành phố hàng đầu thế giới về CTX”, trong đó 4 thành phố London, Singapore, Paris và Sydney đứng hàng đầu.

Khi bàn về Đô thị xanh, một tiêu chí quan trọng không thể bỏ qua là “Không gian xanh/Green Space), xét đến tỷ lệ vườn cây và công viên đô thị trên mỗi người dân. Đất nước Singapore chỉ có diện tích 692,7km2 trong đó 10km2 là mặt nước, nhưng có tới 66m2 không gian xanh cho mỗi người, nên đi đâu ta cũng gặp không gian xanh.

Thành phố Vienna có 120m2 không gian xanh cho mỗi người dân, được coi là “thành phố đáng sống nhất” châu Âu. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến nghị, xét về sức khỏe cộng đồng, mỗi thành phố tối thiểu phải có 9m2 không gian xanh cho mỗi người, tốt nhất là 10-15m2. Theo “Quy hoạch chung Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050” của Cục phát triển đô thị Bộ Xây dựng, Hà Nội hiện nay chỉ có 0,9m2/ người, thấp hơn 10 lần khuyến nghị của WHO.

Như vậy, Đô thị xanh phải đạt được một số tiêu chí quan trong nhất: (1) Đô thị tiêu thụ ít năng lượng (xanh về năng lượng), (2) Thải ít khí CO2 (xanh về môi trường), (3) Có tỷ lệ không gian xanh lớn (xanh về môi trường sống), (4) Bảo tồn và tôn tạo hệ sinh thái (xanh về sinh thái).

Khi quan tâm riêng về môi trường và sinh thái, có thể gọi tên Đô thị sinh thái (Ecologic City), nhưng khái niệm Đô thị xanh toàn diện hơn. Đô thị xanh sẽ bảo đảm sự phát triển bền vững, là Đô thị bền vững, đô thị đáng sống đối với mỗi người dân. Như vậy ta có thể hòa nhập hai khái niệm Đô thị bền vững và Đô thị xanh.

Đô thị xanh – Đô thị thông minh? Tại “Diễn đàn cấp cao đô thị thông minh ASEAN năm 2020 tại Hà Nội” có nêu định nghĩa: “Đô thị thông minh (ĐTTM) là ở đó được ứng dụng các công nghệ thông tin, truyền thông đổi mới sáng tạo, tiên tiến và đáng tin cậy, các công nghệ năng lượng và các cơ chế liên quan khác để: cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống người dân,…”

Liên minh châu Âu có định nghĩa: “ĐTTM là nơi các mạng và dịch vụ truyền thống được thực hiện hiệu qủa hơn với việc sử dụng các công nghệ kỹ thuật số và viễn thông vì lợi ích của người dân và doanh nghiệp… nhờ đó sử dụng tài nguyên tốt hơn, giảm phát thải gây ô nhiễm. ĐTTM đồng nghĩa với mạng lưới giao thông đô thị thông minh hơn, các cơ sở cấp nước và xử lý chất thải được nâng cấp cũng như các cách hiệu quả hơn để chiếu sáng và sưởi ấm các tòa nhà…”

Như vậy, ĐTTM là đô thị sử dụng dịch vụ công nghệ cao (công nghệ số và viễn thông) trong nhiều hoạt động thiết yếu liên quan đến cuộc sống của người dân (giao thông, quản lý cung cấp nước sạch, năng lượng, chiếu sáng, dịch vụ,…) nhờ đó nâng cao tiện nghi cuộc sống, tiết kiệm thời gian, chi phí và cả năng lượng.

Trong giai đoạn công nghệ số đang phát triển và đạt được thành tựu nhẩy vọt, việc xây dựng đô thị thông minh là hết sức cần thiết trong các đô thị.

Đô thị thông minh Busan, Hàn quốc, (theo Busan Eco Delta Smart City) có 9 giá trị cốt lõi của cuộc sống đô thị: (1) Cuộc sống sáng tạo với robot đô thị, (2) Học tập và sống thông minh, (3) Kết hợp học, làm việc và vui chơi, (4) Sức khỏe thông minh, (5) Hành chính và điều hành thông minh, (6) Giao thông thông minh, (7) An toàn thông minh, (8) Nước thông minh và (9) Công viên thông minh.

Khi nhìn vào bản tổng quy hoạch đô thị Busan ta có thể nhận thấy đây là một đô thị đã được quy hoạch, kiến trúc, xây dựng theo các tiêu chí của một đô thị sinh thái – đô thị xanh. Nói khác đi, đô thị thông minh là cần thiết để nâng cao cuộc sống người dân đô thị, nhưng về quy hoạch, kiến trúc và xây dựng trước hết phải là đô thị xanh.

Nếu có đủ kinh phí chúng ta có thể xây dựng đô thị thông minh, nhưng có kinh phí chưa chắc xây dựng được đô thị xanh, đô thị bền vững hoàn thiện./.

Trung tâm Cảnh quan Bền vững Phipps ở Pittsburgh (Mỹ) sử dụng năng lượng và nước tái tạo

Trung tâm Cảnh quan Bền vững Phipps ở Pittsburgh (Mỹ) sử dụng năng lượng và nước tái tạo

Công trình xanh có phi là trng nhiu cây xanh không? – KTS Nguyễn Huy Khanh (Phó TGĐ Tổng Cty VNCC – BXD)

Những thể hiện của công trình xanh (CTX) tại các công trình kiến trúc xanh trong thời gian vừa qua là: Trồng nhiều cây xanh; Sử dụng kính cách nhiệt; Thiết kế tạo khả năng thông gió và chiếu sáng tự nhiên; Sử dụng gạch không nung; Sử dụng điều hòa invester; Sử dụng hệ thống nước trung tâm Heat pump…

CTX có phải là trồng cây xanh không? Không nhất thiết, nhiều nước có các CTX không trồng cây xanh. “Xanh” cần được hiểu theo nghĩa rộng, biểu đạt thái độ đúng đắn với môi trường, thông qua các hành vi: Tôn trọng các điều kiện sinh thái tự nhiên của khu đất xây dựng; Tiết kiệm năng lượng thông qua tính toán cụ thể, chi tiết và thận trọng; Vận hành tiết kiệm; Có tác động tốt đến ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng

Thiết kế xanh nghĩa là các thiết kế thụ động và chủ động để cho công trình đạt được các tiêu chí của CTX.

Tư vấn Xanh được hiểu là đơn vị tư vấn chuyên biệt, tham gia quá trình thiết kế cùng với chủ đầu tư, nhà thiết kế xây dựng và nhà thầu xây lắp, nhằm đưa công trinh đạt được các chỉ tiêu của CTX

Vật liệu gạch gốm nung ko phải vật liệu xanh. Việc trao giải thưởng Xanh cho những công trình dùng gạch gốm nung như vậy chưa phù hợp với tiêu chí. Mặt khác, Vì sao thị trường gạch không nung chưa cất cánh? Đó là do GKN gặp nhiều vấn đề về kỹ thuật: dễ nứt; kích thước khó thi công; giá thành cao.

Đô thị xanh cần có bản sắc văn hóa địa phương không? – PGS.TS.KTS Hoàng Mạnh Nguyên (Khoa Kiến trúc – Đại học Kiến trúc Hà Nội)

Phát triển đô thị xanh ở Việt Nam cần đặc biệt quan tâm đến các vấn đề bản sắc văn hóa địa phương tại mỗi vùng miền, cần đề ra các chiến lược, chính sách, các giải pháp quy hoạch, thiết kế xây dụng phù hợp với từng vùng, từng địa phương. Yếu tố văn hóa cũng là cơ sở để đạt được sự chấp nhận của cư dân địa phương hướng tới các nhu cầu thiết thực của cộng đồng. Từ đó có thể áp dụng rộng rộng rãi tránh được những nguy cơ phá vỡ các tập quán sinh hoạt truyền thống.

Đô thị xanh Việt Nam cần được xây dựng phù hợp với điều kiện của nền kinh tế đất nước. Việt Nam là quốc gia đang phát triển còn nghèo so với nhiều nước trong khu vực. Đô thị xanh tại Việt Nam nên phát huy sử dụng được các nguồn lưc tại chỗ, hướng đến những giải pháp xây dựng đơn giản, phù hợp với trình độ xây dựng của địa phương, dễ bảo dưỡng đạt được mục tiêu giá thành hợp lý phù hợp với khả năng thu nhập của người dân.  

Những ràng buộc về địa lý tự nhiên đã hình thành các hoàn cảnh riêng của từng địa phương, cần quan tâm đến điều kiện đặc thù này để áp dụng những giải pháp xanh, những công nghệ phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội. Đặc biệt cần quan tâm đến khu vực nông thôn nơi sinh sống của phần lớn dân cư và chứa đựng nhiều giá trị bản địa.

Bất động sản xanh – Chọn “trào lưu” hay “xu hướng”?- KTS Cao Anh Tuấn (TP Hồ Chí Minh) 

Một giá trị gia tăng của bất động sản xanh là sự đâm trồi nảy lộc của Kiến trúc xanh. Kiến trúc xanh hàm nghĩa Hệ sinh thái Xanh của BĐS. Phát triển bất động sản sinh thái là nhắm tới hệ sinh thái xanh, bao gồm các loại hình (nguồn tài nguyên của thị trường BĐS): (1)Tích lũy, (2) An cư, (3) Nghỉ dưỡng, (4) Thương mại, (5) Du lịch, (6)Kinh tế trang trại, (7)Trải nghiệm sinh thái, (8)Văn hóa cộng đồng, (9) Eco – Smart, (10) Nông thị…

Trong chuỗi hệ sinh thái BĐS trên, mỗi doanh nghiệp sẽ lựa chọn cho mình những thế mạnh để đi theo. Nó sẽ tùy thuộc vào điều kiện, khả năng và tầm nhìn của từng doanh nghiệp, kể cả phụ thuộc vào đội ngũ tư vấn của doanh nghiệp. Tư vấn thế nào cho trúng, đúng cũng là vấn đề cần đặt ra. Theo tôi, dự báo BĐS sinh thái có thể được xem là “trào lưu” và nếu đã là “trào lưu” thì có lúc sẽ đến lúc thoái trào. Nhưng, nếu doanh nghiệp coi đó là xu hướng thì sự lựa chọn đi theo sẽ cần thận trọng, có triết lý kinh doanh, mục tiêu, mục đích và một lộ trình cụ thể.

Như vậy, nhìn ở góc độ đầu tư thì Bất động sản sinh thái là “xu hướng; Nhìn ở góc độ phát triển bền vững nó chính là hệ sinh thái xanh (các tài nguyên) của thị trường BĐS.

CTX cũng vậy. Ở góc độ đầu tư, nếu nó được coi là “xu hướng để tạo nên một thị trường BĐS xanh đúng nghĩa thì đó là điểm tích cực, là hướng đi mà các doanh nghiệp BĐS cần hướng tới; Còn nếu chạy theo nó như một “trào lưu sẽ dễ rơi vào tình trạng làm nửa vời thì mục tiêu cần phải định hướng lại.

Bất động sản hay bất động sản xanh, bất động sản có giá trị? – Bà Lưu Thị Thanh Mẫu – CEO Nhà phát triển CTX Phúc Khang Corporation

Dự án Ohúc Khang Diamond Lotus Riverside (TPHCM)

Dự án Ohúc Khang Diamond Lotus Riverside (TPHCM)

Với Phúc Khang, triết lý kinh doanh của chúng tôi là hướng tới Phân khúc giá trị và Phát triển bền vững, tức là không phân khúc thị trường theo “giá” (trung cấp hay cao cấp) mà chúng tôi kiên định phát triển sản phẩm theo phân khúc giá trị; khai mở những lối sống xanh chính phẩm, chuẩn mực toàn cầu, văn minh, nhân văn truyền thống và tốt hơn cho sức khỏe cộng đồng. Phúc Khang kiên định phát triển bất động sản có giá trị.

Trong bối cảnh đất nước hội nhập, CNH – HĐH đất nước, tri thức và hàm lượng chất xám trong sản phẩm phải bắt đầu được hình thành. Và chỉ có điều đó mới giúp chúng ta hội nhập nhanh hơn, mới làm gia tăng nhanh giá trị của doanh nghiệp Việt Nam so với quốc tế, cùng đồng hành Chính phủ để kêu gọi đầu tư quốc tế. Chỉ khi chúng ta có cùng giá trị sản phẩm và nguồn nhân lực, chúng ta mới có thể hợp tác bền vững với các đối tác nước ngoài và đưa đất nước phát triển đi lên.

Ở góc độ vĩ mô, hiện đại hoá liên quan đến nhiều lĩnh vực. Trước tiên là theo đuổi văn minh vật chất, tương ứng với nó là kinh tế hiện đại, tiếp đến là theo đuổi văn minh tinh thần, tương ứng là xã hội hiện đại; hiện thì các nước phát triển đang theo đuổi văn minh sinh thái, tương ứng là môi trường hiện đại. Như vậy, ở góc độ vi mô, Công trình xanh là văn minh sinh thái. BĐS dân cư của Phúc Khang góp phần vào 2 mảng văn minh đô thị và văn minh cộng đồng; nghĩa là không chỉ góp phần quan trọng vào việc xanh hoá đô thị, mà còn xanh hoá tư duy, “Xanh hoá GDP”.

Trong phân khúc giá trị đó, chúng tôi xác định giá trị đó có liên quan đến yếu tố thứ hai đó là phát triển bền vững. Đây là một khái niệm mà gần đây cũng đã được nhắc đến rất nhiều, nhất là sau khi Thủ tướng ký quyết định Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Và tôi nghĩ rằng, sự kiện Tuần lễ Công trình xanh 2020 cũng là một trong các công việc triển khai kế hoạch chiến lược hành động Quốc gia và Bộ Xây dựng đã phát động một chương trình nghị thường niên, sẽ lan tỏa những suy nghĩ, năng lượng tích cực.

Hai khái niệm phân khúc giá trị và phát triển bền vững có liên quan mật thiết với nhau và Triết lý kinh doanh của Phúc Khang là “phát triển bền vững” phải bắt đầu từ “phát triển có trách nhiệm”. Điều đó dẫn đến mục tiêu cụ thể của Phúc Khang là hướng đến giá trị về trách nhiệm chuyển giao.

Đối với doanh nghiệp, thông thường người ta nhắc tới là trách nhiệm về từ thiện, trách nhiệm về đạo đức, trách nhiệm về công việc liên quan đến nhiệm vụ của mình. Nhưng ít ai nhắc đến trách nhiệm chuyển giao. Trách nhiệm chuyển giao đó nó nằm ở ở ý nghĩa: Doanh nghiệp bất động sản không thể chỉ bán các sản phẩm mà hôm nay có, ngày mai có thể thôi mà phải là bán sản phẩm là nơi cư trú của 3 hay nhiều thế hệ.

Vậy, phát triển bền vững là phải chuyển giao trách nhiệm xã hội của mình cho các thế hệ và không làm mất đi lợi ích của thế hệ tiếp theo. Bài toán phát triển bền vững với nền tảng là công trình xanh sẽ thực thi được điều đó và đó là hai điều mà tôi nghĩ rằng nó giá trị hơn rất nhiều những chi phí mà chúng ta phải bỏ ra, xứng đáng để chúng ta giảm bớt lợi nhuận, tăng lợi ích cho xã hội.

Một minh chứng khá rõ là khi Phúc Khang bắt đầu bán căn hộ xanh đầu tiên, chúng tôi có làm một khảo sát, theo đó chỉ có 35% khách hàng sẽ vào ở. Tuy nhiên, sau 1 năm, tỷ lệ lấp đầy là 84%, giá BĐS công trình xanh đã tăng 175%. Tôi nghĩ rằng chính khách hàng đã làm tăng giá trị đó lên. Nếu không có người đến ở, sẽ không tăng được các giá trị cộng đồng, thì chúng ta sẽ chỉ bán được BĐS với lời quảng cáo.

Ecopark và hệ thống các yếu tố hình thành bất động sản xanh ? – Ông Bùi Tiến Hùng – PTGĐ tập đoàn ECOPARK

Tầm nhìn và sứ mệnh của Tập đoàn Ecopark là trở thành doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam và khu vực trong lĩnh vực đầu tư bất động sản phát triển Đô thị sinh thái thông minh theo xu hướng Bất động sản xanh. Tại dự án Ecopark, các yếu tố phát triển CTX là: (I) Quy hoạch xanh, (II) Thiết kế xanh, (III) Chứng chỉ xanh, (IV) Vận hành xanh, (V) Lối sống xanh. (VI) Các giải thưởng xanh; (VII) Duy trì phát triển chiến lược phát triển xanh.

Với Quy hoạch xanh: Ngay từ công tác quy hoạch, thiết kế chúng tôi đã nghiên cứu kỹ vị trí xây dựng dự án, đánh giá về hướng gió, hướng nắng, điều kiện tự nhiên để đưa ra định hướng phát triển khu đô thị xanh không chỉ phù hợp nhất với điều kiện tự nhiên mà còn phù hợp với truyền thống lịch sử văn hóa của địa phương. Các nghiên cứu về nắng, gió, vi khí hậu cho các tòa nhà ngay từ khâu quy hoạch. Nghiên cứu về hệ thống tuần hoàn nước cho toàn khu đô thị.

Với Thiết kế xanh: Từng tiểu khu, từng công trình đều được định hướng để phát triển theo hướng công trình xanh, các khu cây xanh mặt nước, công trình công cộng được phân bổ rộng khắp cho từng phân khu, tiểu khu của dự án. Hệ thống mặt nước được phân bổ và kết nối tuần hoàn trên toàn dự án mang lại nhiều giá trị về cảnh quan và vi khí hậu cho dự án

Tại công trình Aquabay, các giải pháp chính đã áp dụng để đạt chứng chỉ Egde: (1) Hạn chế bố trí các căn hộ có cửa kính ở hướng nắng chính, những căn hộ không thể thay đổi hướng thì sử dụng kính LowE. (2) Thiết kế mặt ngoài căn hộ với tỷ lệ tường và kính có kích thước phù hợp để vừa đảm bảo yếu tố lấy sáng, tầm nhìn, vừa đảm bảo tiết kiệm năng lượng – Ưu tiên sử dụng sàn gỗ công nghiệp thay cho sàn gạch – Bổ sung thêm một lớp chống nóng tốt cho mái. (3) Sử dụng bồn cầu 2 chế độ xả với lượng xả tối đa của 2 chế độ là 3 lít và 6 lít . (4) Sử dụng vòi nước giới hạn lưu lượng tối đa (vòi chậu bếp < 10 l/ph, vòi lavabor < 6 l/ph, sen tắm < 8 l/ph). (5) Sử dụng điều hòa có hệ số hiệu quả năng lượng CSPF >3,5 – Sử dụng toàn bộ đèn led cho công trình. (6) Sử dụng bơm biến tần

Với Chứng chỉ xanh: Ecopark đã thường xuyên phối hợp với đơn vị tư vấn thiết kế, SGS (đơn vị kiểm định độc lập của Thụy Sỹ) kiểm tra, kiểm định từ giai đoạn thiết kế phương án kiến trúc, thiết kế kỹ thuật, lựa chọn vật liệu đến xây dựng công trình, vận hành chạy thử và đã đạt được chứng chỉ Edge với các kết quả: mức tiết kiệm với các chỉ tiêu năng lượng, nước và giảm năng lượng tự thân của vật liệu lần lượt là 23%, 26% và 34%, từ đó giúp cắt giảm 35 tấn C02/năm cho công trình khu cao tầng Aquabay.

Với Vận hành xanh: (1) Chủ trương thành phố không rác thải. Ecopark xây dựng phòng trào “Zero Waste Ecopark” trở thành văn hóa và lối sống cho toàn thể cư dân cũng như văn phòng. Các hoạt động có ý nghĩa thường xuyên tổ chức với cư dân như: Đổi pin/rác lấy cây, diễu hành vì môi trường, gian hàng xanh giới thiệu sản phẩm thân thiện môi trường… Với môi trường văn phòng, lối sống “Zero Waste Ecopark” có nghĩa là tắt máy tính trước khi ra về, tiết kiệm điện, tiết kiệm nước, in giấy hai mặt, sử dụng cốc nước uống từ bình thay cho chai nước trong phòng họp, hạn chế điều hòa…Những hành động tuy nhỏ, nhưng thường xuyên đã xây dựng thành một văn hóa ứng xử, lan tỏa phong trào sống Xanh một cách bền vững. (2) Thành phố thông minh: Mục tiêu: Xây dựng một cộng đồng thông minh và phát triển bền vững với 6 hướng triển khai đô thị thông minh: Năng lượng thông minh; Quản trị thông minh; Kinh tế thông minh, Giao thông thông minh, Cộng đồng thông minh, Tiện tích thông minh. (3) Dịch vụ giao thông công cộng: Đa dạng các loại hình giao thông công cộng: Xe bus, Xe điện, Xe đạp điện./.

Khu đô thị Ecopark

Khu đô thị Ecopark