23/10/2019

Công trình xanh – giải pháp cho ô nhiễm môi trường

Trong bối cảnh nước và không khí ngày càng ô nhiễm, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và tâm lý của cư dân, nhất là tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, với mong muốn tạo ra những kiến giải mới cho việc liên kết và thúc đẩy phát triển công trình xanh, chiều ngày 22/10, tại Hà Nội, tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam phối hợp với một số cơ quan chức năng tổ chức tọa đàm “Nước và không khí trong phát triển công trình xanh”.    

Tăng trưởng nóng – mối đe dọa lớn đến môi trường

Mở đầu buổi tọa đàm, PGS.TS Bùi Thị An – nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng chia sẻ: Môi trường đang là vấn đề nóng và nổi cộm. Trong đó, bức xúc lớn nhất liên quan tới ô nhiễm đất, nước và không khí. Con người có thể nhịn ăn được vài ngày nhưng không thể nhịn thở và nhịn uống được lâu đến vậy. Do đó, an ninh nguồn nước bao giờ cũng là vấn đề quan trọng của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, ở nước ta hiện nay, khắp mọi nơi từ sông, hồ, ao đều ô nhiễm. Chính điều đó làm cản trở sự tăng trưởng và ảnh hưởng đến vấn đề an sinh xã hội.

4331_toa_dam_cafe_xanh_copy

Nguyên nhân dẫn đến sự ô nhiễm nguồn nước và không khí ngày càng nghiêm trọng, PGS.TS Bùi Thị An phân tích thêm: Thứ nhất, do tốc độ đô thị hóa quá nhanh. Đặc biệt tại các thành phố lớn, sự phát triển công nghiệp lớn nhưng lại không đảm bảo tiêu chuẩn trong quá trình phát triển, dẫn đến ô nhiễm. Bên cạnh đó, ở nước ta vẫn chưa có đủ điều kiện khoa học công nghệ để giảm thiểu ô nhiễm. Từ năm 2000 – 2005, chúng ta mới chỉ đặc biệt quan tâm đến chất lượng nước, rác thải chứ chưa quan tâm được đến chất lượng không khí. Ngoài ra, dân số tăng đột biến tại đô thị cũng là một vấn đề. “Rõ ràng ở đây, chúng ta đã đô thị hóa rất nhanh nhưng lại không đưa được ra các tiêu chuẩn đảm bảo. Tăng trưởng kinh tế tốt và đúng nhưng chưa phù hợp với yêu cầu của môi trường, các trụ cột giữa môi trường – kinh tế – xã hội chưa bền vững” – PGS.TS Bùi Thị An nhấn mạnh.

Cùng quan điểm với PGS.TS Bùi Thị An, nhiều chuyên gia có chung nhận định, chất lượng không khí, chất lượng nước thời gian qua ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân. Khi gặp tình trạng ô nhiễm thì người dân rất hoang mang và thường cảm thấy tiêu cực. Ngoài vấn đề, điều kiện giao thông thì yếu tố khí tượng và thời tiết, nghịch nhiệt cũng làm cho không khí không khuếch tán được.

Giải pháp xanh

Theo PGS.TS Bùi Thị An, để phát triển bền vững cần phải có giải pháp đồng bộ từ chính sách, quy hoạch đến nhận thức của doanh nghiệp và cả người dân. Bản thân chủ doanh nghiệp phải nhận thức được vai trò của công trình xanh, cũng như có trách nhiệm xã hội, tạo căn hộ cho người dân phải đảm bảo môi trường sống cho họ.

Cùng đề cập đến công trình xanh, nhà báo Phạm Nguyễn Toan – Tổng biên tập tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam cho hay, nếu ta sống chung với môi trường nước và không khí ở đầu nguồn ô nhiễm như vậy thì câu chuyện công trình xanh sẽ giải quyết được những gì từ trong không gian, trong từng khu đô thị, từng ngôi nhà. Theo tôi nghĩ, phát triển công trình xanh sẽ là giải pháp bền vững cho việc giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã có ý thức sử dụng công nghệ để phục vụ cuộc sống, trong đó việc thiết kế những công trình có cây xanh được đặc biệt quan tâm. Ông Tim Middleton – Chuyên gia về công trình xanh LEED Lotus khẳng định: Cây xanh rất quan trọng với cuộc sống, về sinh thái thì nó cần thiết giúp giảm nhiệt đô thị. Thực trạng ở các thủ đô lớn thì cây xanh rất thiếu. Vấn đề tăng diện tích cảnh quan có thể giúp chống lũ, giảm thiểu lượng nước sử dụng. Giải pháp là phát triển hệ thống mái xanh, tường xanh trồng thêm nhiều cây xanh trong nhà. Có một nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc nhìn thấy cây xanh nhiều hơn sẽ giúp cải thiện tâm trạng cũng như tăng chất lượng cuộc sống.

Theo PGS. TS. KTS Hoàng Mạnh Nguyên – Viện trưởng Viện Kiến trúc nhiệt đới, Đại học Kiến trúc Hà Nội, việc tạo dựng một công trình kiến trúc hay quy hoạch đô thị bản chất là hướng đến con người, là tạo ra môi trường sống cho chính chúng ta. Với yêu cầu như vậy, tất cả những người tham gia vào quá trình xây dựng đó, bao gồm: Chủ đầu tư, nhà quản lý, bộ phận chuyên môn làm về tư vấn, kỹ thuật… đều cần phải hướng tới mục tiêu chung là đảm bảo chất lượng sống của con người bên trong công trình.

Thanh Tâm/Báo Công thương