23/05/2016

Công trình nghĩa trang: Cần đồng bộ hệ thống xử lý chất thải

Đã từ lâu, các công trình xây dựng trong khu nghĩa trang chưa nhận được mối quan tâm đặc biệt của người dân cũng như chính quyền các cấp. Để giải quyết tình trạng này, Bộ Xây dựng đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia các công trình hạ tầng kỹ thuật công trình nghĩa trang (QCVN 07-10:2016/BXD).


Công trình nghĩa trang cần định kỳ bảo trì

Xử lý chất thải được ưu tiên hàng đầu

Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội hiện có 7 nghĩa trang gồm: Văn Điển, Yên Kỳ – Vĩnh Hằng, Mai Dịch, Thanh Tước, Sài Đồng, nghĩa trang liệt sỹ Nhổn và Ngọc Hồi nhưng các nghĩa trang này đều trong tình trạng quá tải. Nghĩa trang Văn Điển rộng 18ha nhưng đã ngừng nhận hung táng từ tháng 10/2010. Nghĩa trang Yên Kỳ – Vĩnh Hằng (Ba Vì) rộng khoảng 36ha, tuy nhiên theo Ban Lễ tang TP, nghĩa trang này chỉ đáp ứng được nhu cầu đến năm 2015. Nghĩa trang Mai Dịch rộng 5,9ha, chỉ phục vụ cán bộ trung, cao cấp và liệt sĩ, hiện chỉ còn vài trăm vị trí. Nghĩa trang Thanh Tước 7,4ha cũng đã hết chỗ. Tình trạng quá tải tại các nghĩa trang cũng dẫn đến nhiều hệ lụy như nguồn nước thải, ô nhiễm không khí, mỹ quan đô thị…

Chính vì vậy việc thu gom và xử lý rác thải được Quy chuẩn nêu rõ: Trong nghĩa trang phải đặt các thùng rác công cộng, điểm tập kết chất thải rắn phát sinh. Chất thải rắn phải được thu gom, vận chuyển đến nơi xử lý đảm bảo môi trường; Các chất thải có liên quan đến người chết do mắc các bệnh truyền nhiễm phải được xử lý theo quy định của Bộ Y tế về xử lý chất thải y tế lây nhiễm.

Ngoài ra, nghĩa trang phải có hệ thống thoát nước riêng cho nước mặt, nước thải, nước thấm từ huyệt mộ. Hệ thống thoát nước phải tính đến điều kiện biến đổi khí hậu (thường xuyên bị ngập lụt, triều cường, nước biển dâng). Nếu cấu tạo địa chất không bảo đảm chống thấm nước (hệ số thấm lớn hơn 10-6 cm/s và chiều dày lớp đất chống thấm nhỏ hơn 5m) thì phải có hệ thống thu gom nước thấm từ các mộ hung táng để xử lý tập trung hợp vệ sinh, trước khi thải xả ra môi trường. Vị trí khu xử lý nước thải của khu mộ hung táng phải đặt ở hạ lưu nguồn tiếp nhận nước thải, nơi có địa hình thấp nhất của nghĩa trang. Nước thải từ nghĩa trang phải được thu gom, xử lý đạt QCVN 28:2010/BTNMT trước khi xả thải ra hệ thống tiếp nhận nguồn thải.

Theo đại diện Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng cho biết, Một số TP lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng quy hoạch nghĩa trang tại các tỉnh, thành chưa được chú trọng, đặc biệt là công nghệ táng. Hầu hết các nghĩa trang đều không đạt chuẩn, không có hệ thống thoát nước mưa, hệ thống thu gom và xử lý nước thấm, hàm lượng các chất độc hại có trong nước mặt và nước ngầm cao gấp nhiều lần cho phép. Đặc biệt, nhiều nghĩa trang tại Hà Nội bất cập về tổ chức không gian và hệ thống hạ tầng kỹ thuật, do nằm xen kẽ trong các khu dân cư. Dự thảo Quy chuẩn về các công trình nghĩa trang được xây dựng nhằm cụ thể hóa các tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng đối với các công trình xử lý chất thải tại các nghĩa trang. Mặt khác, dự thảo Quy chuẩn cũng quy định về kiến trúc cảnh quan môi trường, nghĩa trang được chia thành các khu/lô mộ.

Quy định rõ tỷ lệ sử dụng đất

Hình thức hỏa táng không còn mới lạ ở Việt Nam nhưng tại nhiều đô thị lớn, tình trạng lộn xộn trong việc xây dựng các công trình phụ trợ chưa được đồng bộ. Theo đó, Quy chuẩn quy định khu chức năng gồm: văn phòng làm việc, phòng khách, kho, khu vệ sinh, phòng chờ, khu tổ chức tang lễ, phòng lạnh bảo quản thi hài; lò hỏa táng, và nơi lưu tro cốt. Ngoài ra, hạ tầng kỹ thuật gồm hàng rào, cổng, đường, sân, bãi đỗ xe, chếu sáng, tiểu cảnh, mặt nước…

Về tỷ lệ sử dụng đất (tính trên tổng diện tích đất) cơ sở hỏa táng đã quy định rõ: Khu văn phòng 10%; Khu lễ tang và hỏa táng (hành lang, phòng chờ, khu tổ chức tang lễ, phòng lạnh bảo quản thi hài, khu lò hỏa táng, nơi để tro cốt sau hỏa táng) 30%; Nhà lưu tro cốt (lâu dài) 25%. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật tối thiểu 35%, trong đó diện tích cây xanh tối thiểu 20%, giao thông tối thiểu 10%.

Vấn đề xử lý chất thải rắn cũng như xử lý nước thải cũng được quy định rõ: Tro xỉ, bụi, bùn thải và các chất thải rắn khác phát sinh từ quá trình vận hành lò hỏa táng phải được phân loại theo quy định tại QCVN 07:2009/BTNMT để có biện pháp quản lý phù hợp theo quy định. Chất thải rắn phải được thu gom, vận chuyển đến nơi xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường. Hệ thống thoát nước mặt, nước thải phải được thu gom, xử lý đạt yêu cầu của QCVN 14:2008/BTNMT trước khi xả thải ra hệ thống tiếp nhận nguồn thải. Bùn thải phát sinh từ hệ thống xử lý nước thải phải được phân định theo QCVN 50:2013/BTNMT và thu gom, vận chuyển đến nơi xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường.

Công trình và hạng mục công trình nhà tang lễ, nghĩa trang, cơ sở hỏa táng phải được định kỳ bảo trì, bảo dưỡng nhằm đảm bảo chức năng sử dụng theo thiết kế.

Thành Luân/Báo Xây dựng