24/09/2019

Công khai minh bạch để chống tham nhũng trong PPP

Theo báo cáo của Chính phủ, tính đến nay có 336 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP đã ký kết hợp đồng, trong đó, 140 dự án áp dụng loại hợp đồng BOT, 188 dự án áp dụng loại hợp đồng BT và 8 dự án áp dụng các loại hợp đồng khác. Tuy nhiên, qua kiểm toán, hầu hết các dự án đều áp dụng hình thức chỉ định thầu để lựa chọn nhà đầu tư, tiềm ẩn rủi ro lãng phí, thất thoát và chọn nhà đầu tư không có đủ năng lực thực hiện dự án. Công tác giám sát trong quá trình thực hiện hợp đồng còn lỏng lẻo. Bài toán đặt ra cần tháo gỡ ở Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP nằm ở tính công khai, minh bạch.

Trong các dự án BOT hầu như chỉ tập trung vào lĩnh vực giao thông

Trong các dự án BOT hầu như chỉ tập trung vào lĩnh vực giao thông

Thực tế, thông qua PPP, nền kinh tế đã huy động được khoảng 1.609.295 tỷ đồng vào đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng quốc gia. Nhưng trong các dự án BOT hầu như chỉ tập trung vào lĩnh vực giao thông. Điều đáng nói ngay bản thân cơ chế giám sát; đặc biệt là cơ chế giám sát doanh thu của nhà đầu tư, chế tài xử lý vi phạm còn thiếu, chưa chặt chẽ. Quy định về vai trò, trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư còn thiếu, cụ thể về cơ chế chính sách chia sẻ rủi ro, giải quyết tranh chấp giữa các bên tham gia thực hiện dự án.

Mặt khác, các dự án BT thanh toán bằng quỹ đất cũng đã bộc lộ nhiều bất cập tương tự như các dự án BOT giao thông, công tác công bố dự án, chủ yếu áp dụng chỉ định thầu, bất cập trong công tác giám sát. Hay như công tác xác định giá trị quỹ đất để thanh toán còn nhiều hạn chế, dẫn đến sự chênh lệch lớn giữa giá trị công trình BT và giá trị quỹ đất thanh toán, gây bức xúc trong xã hội. Vậy biện pháp nào để giải bài toán trên là vấn đề đang được đặt ra. Vì thế theo Chính phủ, chính sách pháp luật về PPP phải được hoàn thiện, nâng cấp hơn nữa. Việc ban hành một đạo luật riêng về PPP để đảm bảo tính đặc thù của đầu tư PPP, tránh tình trạng “vay mượn” quy định của các pháp luật khác trong quá trình áp dụng, là cần thiết, đồng thời tạo khung pháp lý ổn định cho các hợp đồng PPP dài hạn, đầu tư quy mô lớn.

Thế nhưng tính công khai minh bạch là điều kỳ vọng đang được đặt ra thì tại Dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi chưa đáp ứng được như kỳ vọng bởi vẫn còn nhiều điều khoản giao cho Chính phủ quy định trong khi đây là một đạo luật quan trọng về một chính sách kinh tế lớn, có ảnh hưởng rộng đến hoạt động kinh tế – xã hội. Theo đánh giá của Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, đã là chính sách kinh tế thì phải rõ ràng, minh bạch và công khai. Tuy nhiên, Dự thảo Luật còn đến 12 điều quan trọng giao Chính phủ hướng dẫn, cùng với nhiều nội dung có “quy định quét”, chưa được nêu cụ thể trong luật.

Ông Vũ Hồng Thanh- Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho rằng, việc lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP cần phải được thực hiện thông qua đấu thầu cạnh tranh, công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật, hạn chế tối đa việc chỉ định thầu hoặc đấu thầu hạn chế để tránh rủi ro về lợi ích nhóm, lãng phí, thất thoát, giảm tính cạnh tranh và lựa chọn nhà đầu tư không có đủ năng lực thực hiện dự án.

Không những vậy, một quy định mới là cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu cũng đang còn nhiều vấn đề chưa phù hợp. Trong khi thẩm tra luật này Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, việc cấp bảo lãnh của Chính phủ đối với các dự án này sẽ không phù hợp với quy định tại Luật Quản lý nợ công và có thể tạo tâm lý “trông chờ” từ nhà đầu tư. Do đó, cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu giữa hai bên là giải pháp có thể xem xét áp dụng nhằm hài hòa lợi ích của các bên, cũng như nâng cao trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, trong cơ chế quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư dự án PPP, để đảm bảo tính minh bạch cũng như thuận lợi trong quá trình thanh tra, kiểm toán dự án thì cần tách phần vốn nhà nước trong dự án PPP thành một dự án thành phần riêng biệt. Vốn nhà nước tham gia dự án PPP nên ưu tiên sử dụng phục vụ công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Bởi lẽ, nếu không tách bạch được phần vốn đầu tư, nhà đầu tư tư nhân sẽ không chỉ phải thực hiện việc thanh tra, kiểm tra, giám sát theo quy định của pháp luật chuyên ngành trong quá trình triển khai thực hiện dự án, mà còn phải tuân theo quy định của Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước cũng như trách nhiệm giải trình với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Như vậy sẽ gây rất nhiều khó khăn cho nhà đầu tư, tạo tâm lý e ngại khi tham gia vào dự án PPP. Vì vậy tính công khai minh bạch trong Dự thảo Luật phải được đặt lên hàng đầu để chống tham nhũng trong các dự án, tránh việc chỉ định đấu thầu.

H.Vũ/Đại đoàn kết