29/07/2016

Công khai dự án thế chấp: Doanh nghiệp BĐS lo bán hàng gặp khó

Ngay khi Sở Tài Nguyên Môi trường Tp.HCM công bố danh sách 77 dự án nhà ở đang thế chấp ngân hàng, thị trường bất động sản đã chịu ảnh hưởng tức thì. Người mua nhà khi đọc được thông tin trên cũng tỏ ra thận trọng hơn và nhiều doanh nghiệp có tên trong danh sách đã lên tiếng phản hồi.

Công khai dự án thế chấp: Doanh nghiệp BĐS lo bán hàng gặp khó

Nhiều dự án của các doanh nghiệp địa ốc lớn xuất hiện trong danh sách 77 dự án đang thế chấp ngân hàng vừa được công bố. Ảnh minh họa – Thanh Thịnh

Theo đại diện một số doanh nghiệp, dù cho bản chất của việc thế chấp dự án là hết sức bình thường và đa số các doanh nghiệp hiện nay đều cần dùng vốn vay từ ngân hàng. Thế nhưng với nhiều người mua nhà, hay tin dự án đang thế chấp tức thì họ sẽ ngộ nhận rằng căn nhà họ đã hoặc định mua và năng lực của chủ đầu tư có vấn đề.

Theo khoản 1, điều 147 của Luật Nhà ở năm 2014, chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở được thế chấp dự án hoặc nhà ở xây dựng trong dự án tại tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam để vay vốn cho việc đầu tư dự án hoặc xây dựng nhà ở đó, trường hợp chủ đầu tư đã thế chấp nhà ở mà có nhu cầu huy động vốn góp để phân chia nhà ở theo quy định pháp luật về nhà ở hoặc có nhu cầu bán, cho thuê mua nhà ở đó thì phải giải chấp nhà ở này trước khi ký hợp đồng huy động vốn góp, hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở với khách hàng.

Theo ông Lê Hùng Mạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Gia Hòa, Sở Tài nguyên Môi trường Tp.HCM cần phân loại rõ ràng, doanh nghiệp thế chấp dự án có mấy loại. Thứ nhất là thế chấp tài sản để bảo lãnh cho người mua nhà (theo Điều 56 Luật Kinh doanh BĐS 2014). Thứ hai là doanh nghiệp đồng thời có vay ngân hàng trong trạng thái hoạt động kinh doanh tốt vì dòng tiền vay mượn trong kinh doanh là bình thường. Nên phân biệt rõ chuyện này nếu không khách hàng rất hoang mang, ông Mạnh nói.

Đại diện một doanh nghiệp bất động sản lớn tại Tp.HCM có vài dự án bị nêu tên trong danh sách thế chấp ngân hàng phân trần, việc thế chấp tài sản để vay vốn là hoàn toàn hợp pháp. Dự án được thế chấp phải trải qua quá trình kiểm định nghiêm ngặt của ngân hàng. Do đó, dự án phải đáp ứng đủ điều kiện, chủ đầu tư phải có năng lực tài chính thì mới được vay. Vì vậy, đừng đánh đồng việc chủ đầu tư đang có dự án thế chấp tại ngân hàng là những chủ đầu tư không có năng lực tài chính hay lừa đảo người mua.

Theo ông Lê Sỹ Nam – Phó Tổng Giám đốc Công ty Nhà Thời Đại, việc công bố danh sách các dự án đang thế chấp ngân hàng là cần thiết để bảo vệ cho người mua nhà và cũng giúp thị trường bất động sản minh bạch hơn. Tuy nhiên, điều này cũng ảnh hưởng đến việc bán hàng của doanh nghiệp. Bởi vì tâm lý của người mua nhà một khi thông tin được công bố trên các phương tiện truyền thông thì họ nghi ngờ dự án có vấn đề mới bị đưa vào danh sách.

Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Tp.HCM (HoREA) cho rằng, trong quá trình sản xuất kinh doanh, việc doanh nghiệp thế chấp, giải chấp tài sản để vay vốn làm ăn là hoạt động bình thường. Trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản cũng vậy, việc chủ đầu tư thế chấp dự án, nhà ở, công trình để vay vốn tín dụng ngân hàng phát triển dự án và hoàn thành công trình nhà ở, sau đó thực hiện giải chấp cũng là việc bình thường.

Do đặc điểm hoạt động của thị trường bất động sản Việt Nam, các chủ đầu tư dự án phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng và nguồn vốn huy động của khách hàng. Đa số chủ đầu tư sử dụng vốn huy động đúng mục đích, nhưng cá biệt cũng có chủ đầu tư sử dụng vốn huy động sai mục đích, đầu tư dàn trải, thậm chí tiêu dùng cá nhân dẫn đến không hoàn thành dự án, không bàn giao được nhà cho người mua.

Do vậy, người mua nhà tại các dự án đã bị thế chấp ngân hàng có quyền yêu cầu chủ đầu tư cung cấp văn bản của ngân hàng chấp thuận cho chủ đầu tư được bán nhà, căn hộ hình thành trong tương lai để huy động vốn.

HoREA cũng đề nghị Sở Tài nguyên Môi trường khi công bố các dự án bất động sản, nhà ở đang thế chấp cần cung cấp thêm thông tin về mục đích thế chấp vay vốn của chủ đầu tư như: để phát triển dự án; hoặc để xây dựng công trình, nhà ở trong dự án; hoặc để thực hiện bảo lãnh ngân hàng… để giúp cho người tiêu dùng nắm đầy đủ thông tin trước khi quyết định mua nhà.

Diệu Trang/Theo Cafeland