26/12/2014

Có những ngày như thế…

1. Vậy mà đã 20 năm. Với đời người, cái tuổi 20 là tuổi đẹp nhất, tràn đầy sức sống và mơ ước lớn. Còn với Tạp chí Kiến trúc Việt Nam (KTVN), 20 năm là cả một chặng đường bền bỉ, dẻo dai, kiên trì vượt khó… để rồi hôm nay, trở thành một Tạp chí chuyên ngành thân thuộc, tin cậy của giới KTS và những người quan tâm đến nghệ thuật kiến trúc, một Tạp chí có gương mặt sáng giá trong làng báo chí nước nhà.

anh1

Ban biên tập Tạp chí Kiến trúc Việt Nam tiếp Thứ trường Bộ Xây dựng Nguyễn Tấn Vạn năm 1996

Tôi là người đầu tiên đến với Tạp chí từ khi nó mới chỉ là ý tưởng của KTS Nguyễn Bá Đang (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kiến trúc) và GS Phạm Văn Trình (Hiệu trưởng Trường đại học Kiến trúc Hà Nội). Khi ấy, như một cái duyên, định mệnh đã đưa tôi trở lại với nghề làm báo, sau hơn 4 năm chia tay Tạp chí Kiến trúc, nơi tôi là Biên tập viên, để đi làm việc ở nước Nga xa xôi. Tôi còn nhớ, đầu năm 1992, vừa hoàn thành nhiệm vụ trở về nước, thì anh Nguyễn Bá Đang đến tìm tôi. Anh em lâu ngày gặp nhau, tay bắt mặt mừng. Anh hỏi ngay: “Tùng có định trở lại Hội không? Về Trường với anh đi. Anh Phạm Văn Trình vừa giao cho Trung tâm ra tờ Tạp chí chuyên về nghiên cứu, lý luận phê bình kiến trúc. Anh Trình biết Tùng khi còn làm Tạp chí Kiến trúc của Hội. Tùng làm nghiên cứu viên của Trung tâm và giúp các anh xây dựng Tạp chí”. Với ai thì còn phải suy nghĩ, chứ với anh Đang, anh Trình, những người mà tôi rất hiểu và tin yêu, trân trọng thì không có lý do gì mà từ chối.

Ban đầu, trong tờ trình xin phép xuất bản, Tạp chí có tên “Nghiên cứu Kiến trúc”. Tổng Biên tập (TBT) là GS Phạm Văn Trình, và Phó Tổng biên tập là TS.KTS Nguyễn Bá Đang. Khi lên báo cáo Bộ Xây dựng, anh Ngô Xuân Lộc, Bộ trưởng rất ủng hộ. Riêng anh Nguyễn Mạnh Kiểm, khi ấy là Thứ trưởng chỉ băn khoăn về cái tên của Tạp chí. Theo anh, tên Tạp chí phải ngắn gọn, nói lên được tôn chỉ mục đích của Tạp chí. Tên phải phản ánh nội dung. Đấy là điều rất cần thiết. Nội dung của Tạp chí thì rộng, không chỉ có nghiên cứu lý luận, còn đề cập đến nhiều vấn đề quan trọng của ngành xây dựng, kiến trúc nước ta và cả kiến trúc thế giới …. Phải suy nghĩ kỹ đặt tên cho Tạp chí. Rồi anh bảo: “Hội KTS Việt Nam lâu nay đã có tờ Tạp chí Kiến trúc. Vậy Tạp chí của ta lấy tên “Kiến trúc Việt Nam” có được không? Nếu nhất trí thì để tớ xin ý kiến Bộ trưởng.”

Cái tên Tạp chí “Kiến trúc Việt Nam” ra đời trong hoàn cảnh như thế!

Mùa hè năm 1993, GS Phạm Văn Trình, đột ngột lâm bệnh nặng và từ trần.  Sự ra đi của ông là một tổn thất lớn đối với ngành Xây dựng, với Trường đại học Kiến trúc Hà Nội và với tương lai của tờ Tạp chí Kiến trúc Việt Nam. Giữa năm 1994, sau một thời gian làm thủ tục khá vất vả với vài thư tay, hàng chục cú điện thoại gửi gắm, tôi cũng có trong tay giấy phép xuất bản Tạp chí Kiến trúc Việt Nam trực thuộc Bộ Xây dựng, do Cục Báo chí- Xuất bản (Bộ VHTT) cấp, với một thay đổi nhân sự người đứng đầu, Tổng biên tập là TS. KTS Đặng Tô Tuấn, Hiệu trưởng mới của Trường đại học Kiến trúc Hà Nội.

anh2

Không khí năm mới với Ban biên tập TCKTVN thời kì đầu

anh3

Họp ban biên tập tạp chí KTVN thời kì trụ sở tại 37 Lê Đại Hành

Sau khi có Giấy phép, được sự quan tâm của Bộ và Nhà trường, Tạp chí nhanh chóng ổn định nơi làm việc của Tòa soạn tại 95 Lê Duẩn. Ban đầu, làm việc thường xuyên ngoài Tòa soạn chỉ có 4 người. KTS Nguyễn Quốc Thông, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kiến trúc, được giao là Thư ký Tòa soạn. Anh chính là người sáng tác logo, với hình mái chùa Việt Nam cách điệu được chọn dùng là biểu trưng của Tạp chí từ số đầu tiên cho đến tận hôm nay. Tôi là Trưởng Ban trị sự, chịu trách nhiệm công tác in ấn, phát hành, trực tiếp đặt bài và biên tập bài vở. KTS Bùi Chí Thông, đảm nhiệm  phần trình bày, làm ma ket. Cô Nguyễn An Hà là nhân viên kế toán – hành chính. Phó Tổng biên tập Nguyễn Bá Đang và anh Nguyễn Quốc Thông lên kế hoạch nội dung để Tổng biên tập Đặng Tố Tuấn duyệt. Khi đó, Tạp chí ra hàng quý (3 tháng/số). Chuẩn bị ra số đầu tiên (vào tháng 11/1994), thì Tòa soạn có thêm KTS Nguyễn Quang, vốn là cán bộ Thông tấn xã Việt Nam, học ở Cu Ba, và nhà báo trẻ Phạm Tường Vân, một người đầy cá tính và sắc sảo. Đến số thứ 2 ( tức là số 1 của năm 1995), có thêm Phạm Thanh Huyền, cử nhân ngữ văn đại học Tổng hợp, Họa sĩ Bùi Việt Dũng, con trai cố Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Văn Các và Mai Loan. Sau khi ra số 3 thì Thư ký Tòa soạn Quốc Thông đi nghiên cứu sinh tại Pháp, rồi tiếp đó Nguyễn Quang cũng đi học AIT bên Thái Lan, Phạm Tường Vân chuyển vào Tp HCM. Trước đó, KTS Bùi Chí Thông vì chuyện riêng, đã xin nghỉ hưu non. Thế là tòa soạn lại phải sắp xếp lại. Tôi được giao làm Thư ký Tòa soạn kiêm Trưởng Ban Biên tập và Trị sự. Phạm Thanh Huyền là phóng viên, liên hệ cộng tác viên (mời viết bài, lấy bài, mang trả nhuận bút). Bùi Việt Dũng và Mai Loan làm nhiệm vụ trình bày Tạp chí. Thanh Hà vẫn làm nhân viên kế toán-hành chính. Lúc này, Tòa soạn đã được trang bị máy vi tính, việc trình bày, làm maket đều được Bùi Việt Dũng làm trên máy, nên rất thuận tiện trong khâu duyệt bài của Tổng Biên tập. Cuối  năm 1995, Tòa soạn có thêm phóng viên nam là Hoàng Mạnh Hà.

2.Nhữngngày ở 95 Lê Duẩn là những ngày để lại cho tôi nhiều ấn tượng sâu sắc về tình người, về nghề báo. Tuy Tạp chí thuộc Bộ, nhưng nhân sự lại do Trường quản lý, nằm trong biên chế chung của Nhà trường. Những năm 90, tạp chí chuyên về Kiến trúc còn ít lắm. Ngoài Bắc chỉ có Tạp chí Kiến trúc của Hội KTS Việt Nam và Tạp chí Kiến trúc Việt Nam của Bộ Xây dựng. Trong Tp HCM có Tạp chí Kiến trúc và Đời sống của Hội KTS Thành phố. Báo chí của ngành Xây dựng cũng chỉ có hai Tạp chí là Tạp chí Xây dựng (ra đời từ những năm 60) và Tạp chí KTVN. Có lẽ vì thế, sự có mặt của Tạp chí KTVN như một luồng gió mới được rất đông anh chị em KTS trong giới đón nhận. Sau khi xuất bản số đầu tiên, Tòa soạn 95 Lê Duẩn đã vui mừng được đón nhiều nhà nghiên cứu, KTS nổi tiếng ghé thăm và cộng tác. Có thể kể ra, đó là PGS.TS Khảo cổ học Trịnh Cao Tưởng, PGS.TS Ngô Văn Doanh – một chuyên gia về Kiến trúc Chăm, TS Chu Quang Trứ – nhà nghiên cứu về dân tộc học, nhà sử học Dương Trung Quốc, khi đó là Phó Viện trưởng Viện Khoa học Lịch sử, GS Phạm Đức Dương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, họa sỹ Phan Cẩm Thượng – nhà nghiên cứu Mỹ thuật, nhà văn của Hà Nội-Băng Sơn, họa sỹ Lê Huy Văn – Mỹ thuật công nghiệp… Các KTS, ngoài GS.TS Nguyễn Bá Đang thường xuyên xuất hiện trên Tạp chí với loạt bài về tính dân tộc, về bản sắc kiến trúc, thì có GS. KTS Ngô Huy Quỳnh, GS Ts.KTS Hoàng Đạo Kính, PGS. KTSTrần Hùng; GS.TSKH Ngô Thế Thi, GS Ts.KTS Nguyễn Đức Thiềm, PGS.TS.KTS Tô Thông, PGS.KTS Tôn Đại, PGS.TS. Lưu Đức Hải, GS.TS Phạm Đình Việt, Nhà Huế học Phan Thuận An, KTS Việt kiều Nguyễn Hữu Thái… PGS.KTS Đặng Thái Hoàng với những bài viết sâu sắc về các trường phái kiến trúc thế giới, chân dung các KTS nổi tiếng của thời đại luôn thu hút sự quan tâm của độc giả, nhất là các KTS và sinh viên kiến trúc. Tòa soạn tuy chật, tiện nghi thiếu thốn, nhưng chẳng mấy khi vắng  tiếng cười nói trao đổi của các anh, chị cộng tác viên. Có khi, một anh nào đấy đi ngang qua, dừng xe, hỏi vọng vào: “Tạp chí số mới đã ra chưa các em?” rồi lại đạp xe đi. Lần sau gặp, tôi hỏi: “sao hôm ấy anh không ghé vào Tòa soạn?”. Cười: “nhớ các cậu thì dừng lại hỏi thế thôi!”.

Cứ mỗi lần Tạp chí ra số mới, là chiều thứ bảy tuần đó Tòa soạn vui như Tết. Tổng biên tập Đặng Tố Tuấn và Phó tổng biên tập Nguyễn Bá Đang bao giờ cũng ra liên hoan với anh chị em và anh Tuấn thì không quên mang theo một chai rượu ngoại. Lúc ấy, chúng tôi hào hứng lắm, dẹp gọn tài liệu, bản thảo, kê lại bàn ghế, bày biện bát đũa và mấy món ăn mua sẵn. Thế là xong bàn tiệc! anh Hoàng Đạo Kính, nhà ở ngay phố Nguyễn Thượng Hiền thường được anh Tuấn mời, và dù bận mấy anh cũng thu xếp để có mặt. Những buổi liên hoan như thế thật đầm ấm, tình cảm nhưng cũng là buổi làm việc. Tổng biên tập động viên nhưng không quên nhắc nhở Tòa soạn rút kinh nghiệm về nội dung, về trình bày từ tờ bìa Tạp chí cho đến tấm ảnh, hình vẽ minh họa các trang trong. Anh Tuấn là người thông minh, quyết đoán nhưng cũng rất thân mật, thương anh em. Anh thường nhắc tôi, nếu ở Tòa soạn có gì khó khăn phải báo cáo anh ngay, để anh còn có hướng giải quyết. Còn Phó Tổng biên tập Nguyễn Bá Đang thì luôn ân cần dặn tôi là phải chú ý quan tâm đến các Cộng tác viên, nên mang Tạp chí và nhuận bút đến tận nhà, hay cơ quan cho các anh chị ấy, bất đắc dĩ mới gửi qua bưu điện. Những bài học làm tạp chí cứ dày lên từ những cuộc vui nho nhỏ, giản dị và ấm áp tình người như thế!

Chúng tôi ở Lê Duẩn được hơn 2 năm, đến giữa năm 1996 thì được chuyển từ Lê Duẩn về Trụ sở Bộ Xây dựng ở 37 Lê Đại Hành, sau lần Thứ trưởng Nguyễn Tấn Vạn đến thăm và làm việc với Tạp chí. Khi đó, Trung tâm Nghiên cứu Kiến trúc (Trường đại học Kiến trúc Hà Nội) theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng vừa được sáp nhập với Viện Tiêu chuẩn hóa để thành Viện Nghiên cứu Kiến trúc. GS.TS.KTS Nguyễn Việt Châu, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Kiến trúc Hà Nội được bổ nhiệm làm Viện trưởng, còn GS.TS.KTS Nguyễn Bá Đang, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kiến trúc, làm Phó Viện trưởng và là TBT Tạp chí KTVN thay anh Đặng Tố Tuấn. Tạp chí vẫn thuộc Bộ, nhưng quyền quản lý trực tiếp được chuyển từ Trường về Viện. Hôm đó, Thứ trưởng Nguyễn Tấn Vạn đến 95 Lê Duẩn. Đi cùng anh có Nguyễn Đông-Văn phòng Bộ, KTS Trần Xuân Diễm – Vụ phó Vụ Kiến trúc Quy hoạch và đại diện Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Tài chính, Vụ KHCN. Chỗ chúng tôi vốn chật hẹp, phải kê dọn rất khéo mới có đủ bàn, ghế để tiếp đoàn. Anh Nguyễn Tấn Vạn là KTS nhưng rất am hiểu về báo chí. Anh khen và thông cảm với chúng tôi, ít người mà ra được Tạp chí đúng kỳ hạn, nội dung phong phú là rất cố gắng. Anh cũng thẳng thắn chỉ ra những vấn đề mà Tạp chí cần phải quan tâm hơn nữa, như kiến trúc cho đồng bào vùng lũ lụt, vùng ĐBSCL, nhà ở đô thị… và phải gắn với hoạt động của ngành. Anh nói: “Tạp chí phải tìm hiểu xem bạn đọc, KTS cần gì để mà cung cấp cái đó cho họ. Nghiên cứu lý luận rất cần thiết, là cơ sở cho sáng tạo kiến trúc. Nhưng không vì thế mà sa đà vào lý luận cứng nhắc, chung chung, mà phải gắn với thực tiễn phát triển của kiến trúc Việt Nam trong nền kinh tế thị trường, trong thời kỳ đất nước đổi mới và hội nhập. Sau khi nghe TBT báo cáo về điều kiện làm việc quá khó khăn, chật chội, thiếu thốn phương tiện làm báo, anh Vạn kết luận rất nhanh: “Tạp chí ở thế này không được. Phải đưa Tòa soạn về Lê Đại Hành. Văn phòng Bộ nhớ sắp xếp một diện tích đủ để Tạp chí làm việc. Tôi sẽ báo cáo Bộ trưởng vấn đề này, chắc anh Ngô Xuân Lộc đồng ý thôi. Tạp chí chuyển về Bộ sẽ có điều kiện tiếp nhận thông tin nhanh, hoạt động báo chí thuận lợi hơn và có vị thế hơn. Vụ Tài chính và vụ KHCN xem có nguồn nào để choTạp chí mua thiết bị làm báo”.  Sau đó, chỉ hơn một tháng, Tạp chí KTVN đã có quyết định chuyển về trụ sở của Bộ Xây dựng ở 37 Lê Đại Hành và cùng với đó là nguồn kinh phí của Bộ cấp để mua sắm bàn nghế, tủ sách, máy ảnh, máy vi tính. Bộ mặt Tòa soạn được thay đổi rõ rệt. Chúng tôi ai cũng phấn khởi trước sự quan tâm và ưu ái của Lãnh đạo Bộ.  Bắt đầu từ đó, Tạp chí có một bước cải tiến mới về nội dung và cả hình thức. Họa sĩ Mai Loan đảm nhiệm trình bày Tạp chí thay Bùi Việt Dũng trở về Trường làm giảng viên Bộ môn Mỹ thuật. Cử nhân kinh tế Lê Thị Thanh về Tạp chí làm Kế toán trưởng thay An Hà nghỉ việc để làm kinh doanh. Tạp chí có thêm nhiều sự cộng tác của PGS.TS Trần Trọng Hanh, PGS.TS Đỗ Tú Lan, PGS.TS. Trần Bá Việt, TS.KTS Trương Văn Quảng và nhiều người khác. Năm 1997, tôi được Bộ bổ nhiệm làm Phó TBT. Tạp chí bắt đầu xuất bản 2 tháng/số. Đến năm 1999, theo yêu cầu tổ chức, tôi được điều động sang làm Phó Tổng Biên tập Tạp chí Xây dựng. Đến tháng 4/2003, tôi được điều trở lại Tạp chí KTVN trên cương vị Tổng biên tập, thay Tổng biên tập Nguyễn Bá Đang nghỉ hưu. Lúc này Tạp chí có thêm KTS Lê Hữu Trúc và phóng viên Bùi Thanh Hương từ Đài truyền hình T.Ư chuyển về. Và cũng bắt đầu từ tháng 1/ 2004, Tạp chí KTVN xuất bản hàng tháng cho đến ngày hôm nay.

3. Nhìn lại những năm tháng đã đi qua, mới thấy hết cái khó khăn vất vả nhưng cũng đầy tự hào của những người làm Tạp chí KTVN. Cần ấy năm tôi gắn bó với Tạp chí cho đến khi được Bộ điều về Phụ trách Báo Xây dựng (tháng 4/2004) rồi về Hội KTS Việt Nam, đến nay đã có biết bao thay đổi về con người, về tầm vóc của Tạp chí. Thư ký Tòa soạn đầu tiên, PGS.TS Nguyễn Quốc Thông giờ đã là Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam. Nhà báo Nguyễn Quang sau khi tốt nghiệp AIT, trở thành TS, giờ là Giám đốc HABITAT của Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam. Hoàng Mạnh Hà đang là Phó Tổng biên tập Báo Tài Nguyên – Môi Trường. Bùi Thanh Hương là Phó Tông biên tập Tạp chí Kiến trúc. KTS Lê Hữu Trúc hiện là Chuyên viên Vụ Văn nghệ của Ban Tuyên giáo T.Ư. Còn Phạm Thanh Huyền, người cuối cùng trong số những người làm Tạp chí đầu tiên, giờ đang vững vàng trên cương vị TBT Tạp chí Kiến trúc Việt Nam đã vài năm nay.

Thế nhưng, nhiều người đã không còn nữa. Đó là những người thầy, người anh đáng kính như Nhà Kiến trúc lão thành Ngô Huy Quỳnh,Tổng Biên tập đầu tiên Đặng Tô Tuấn, các cộng tác viên PGS.TS Trịnh Cao Tưởng, TS. Chu Quang Trứ, Nhà văn Băng Sơn, PGS.TS Nguyễn Đức Thiềm, PGS Trần Hùng, KTS Lê Phục Quốc…

20 năm Tạp chí KTVN, một chặng đường vất vả đầy tự hào đã đi qua. Nhớ lại để thêm trân trọng những đóng góp của các thế hệ lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên…cộng tác viên, các doanh nghiệp xây dựng đã song hành cùng Tạp chí để làm nên một Tạp chí có bản sắc riêng, được giới KTS và bạn đọc đón nhận, yêu thương.

Nhớ lại, để biết ơn Bộ Xây dựng, Trường đại học Kiến trúc Hà Nội, Viện Nghiên cứu Kiến trúc đã quan tâm chăm sóc cho Tạp chí trong những năm tháng khởi đầu vất vả.

Nhớ lại, để ghi nhận sự chăm lo của Viện Kiến trúc và Quy hoạch đô thị, nông thôn Quốc gia và hôm nay là Viện Kiến trúc Quốc gia đối với sự tồn tại và phát triển bền vững của Tạp chí KTVN.

Vâng, nhớ lại để biết ơn tất cả!

 

TS. Phạm Thanh Tùng – Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam, Nguyên Tổng Biên Tập Tạp chí Kiến trúc Việt Nam