27/07/2015

Chuyện ít biết về Đài tưởng niệm Bắc Sơn

Kiến trúc sư Lê Hiệp là tác giả Đài tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc đặt tại Quảng trường Ba Đình (Đài tưởng niệm Bắc Sơn). Đây là công trình đầu tiên mang lại cho ông vinh quang: Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật; Giải thưởng Quốc gia về Kiến trúc và mở màn cho loạt những công trình đài tưởng niệm. Ông còn là tác giả của 14 công trình đài tưởng niệm đã xây dựng hoàn thành, trong đó có 5 công trình giành các giải thưởng kiến trúc danh giá.

Ngôi miếu thiêng và sự lựa chọn từ duyên… tiền định

“Cho đến tận bây giờ, Đài tưởng niệm Bắc Sơn vẫn là cuộc lao động nhọc nhằn nhất mà tôi đã kinh qua. Việc thì lớn, nhiều loại việc mà tôi và những người quanh tôi lúc đó đều chưa từng làm. Nhưng tất cả đều không đáng ngại bằng một hội đồng với sự hiện diện của bốn Thứ trưởng cùng toàn thể hai đoàn Chủ tịch của hai hội chuyên ngành và một ông Trưởng ban quản lý ngoài lĩnh vực kiến trúc. Nhưng cũng từ đây tôi biết thêm được rất nhiều điều: Biết bảo thủ, biết lỳ lợm, biết im lặng, biết xin phép rút lui và khó hơn cả là biết chịu thiệt để cố giữ cho công trình được trọn vẹn như mình hằng mong ước”.

KTS Lê Hiệp

Công trình Đài tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc được quy hoạch tại Đường Bắc Sơn, đối diện Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, bên cạnh Hoàng thành Thăng Long và Hội trường Ba Đình. Nơi đây được đồng bào Thủ đô và cả nước, các cựu chiến binh hàng năm đến tham quan, tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ. Mặc dù vậy, không phải ai cũng biết kiến trúc sư Lê Hiệp chính là tác giả của công trình kiến trúc mang ý nghĩa chính trị, văn hóa và lịch sử sâu sắc này.

Gặp gỡ người kiến trúc sư lão làng hơn 40 năm trong nghề vào một ngày hè Hà Nội, chúng tôi vẫn cảm nhận được một tinh thần nhiệt huyết, say sưa với nghề toát ra từ ông. Mặc dù đã bước sang tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng khi hỏi về Đài tưởng niệm Bắc Sơn, ông vẫn hồ hởi kể lại với một niềm tự hào như một mốc vàng son của đời làm kiến trúc.

Vào đầu năm 1992, thành phố Hà Nội đã mở một cuộc thi thiết kế đài liệt sĩ Bắc Sơn – một đài tưởng niệm mang ý nghĩa chính trị tầm quốc gia tại một vị trí quan trọng ở Thủ đô. Trong cuộc thi đó, phương án của Lê Hiệp xếp loại hai. Tuy nhiên, điều lạ lùng hy hữu đã xảy ra, khi cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã yêu cầu được đến tận Trụ sở Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội để trực tiếp nghe báo cáo sự thể cuộc tuyển chọn. Sau khi lắng nghe phương án được chấm giải nhất, cố Thủ tướng tỏ vẻ băn khoăn và muốn xem thêm một vài phương án khác nữa. Như có sự đồng điệu tâm hồn, cố Thủ tướng quyết định chọn phương án đạt giải hai – tác phẩm của KTS Lê Hiệp.

“Ý tưởng tác phẩm của tôi rất giản dị. Tôi cũng chỉ định làm ra ngôi miếu và tấm bia nhưng không phải bằng cách xây lên hoặc đắp vào mà là đào xuống hoặc khoét đi, khoét sâu đến mức đục thủng. Một số phụ liệu đi kèm cũng là những gì người Việt thường dùng để tưởng nhớ người đã khuất: Hoa lá, cỏ cây, mây trời, hương khói,v.v. . . một thứ điêu khắc không rõ chủ đề, không là cái gì, con gì hoặc ai đó. Tất cả chỉ có thế thôi, nhưng nó lại được Thủ tướng lựa chọn, mặc dù nó bị xếp giải nhì”, kiến trúc sư Lê Hiệp bộc bạch.

Sau gần nửa năm làm hồ sơ, đến ngày 7/4/1993, công trình được khởi công xây dựng. Hơn một năm sau, vào đúng ngày 7/5/1994, kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Đài tưởng niệm Bắc Sơn trên khu vực Quảng trường Ba Đình đã được khánh thành.

Đài tưởng niệm Bắc Sơn là một trường hợp hiếm hoi trong ngành khi kiến trúc sư một mình làm tượng đô thị thành công. Ở đây có lẽ năng lực đặc thù của nghề kiến trúc đã giúp Lê Hiệp. Trước hết, nó giúp ông xác định được chính xác một khối tích, một kích cỡ phù hợp với không gian Đường Bắc Sơn. Phía Đông khu đất này là Đường Hoàng Diệu và bức tường Hoàng thành Thăng Long. Xa xa phía Tây là Quảng trường Ba Đình và Lăng Hồ Chủ tịch. Hai bên Nam Bắc là nhà cửa và vườn cây. Vậy nên làm cao hay thấp? Vuông, tròn hay chữ nhật? Đặc hay rỗng? Làm sao để đạt được tầm nổi bật mà vẫn không ảnh hưởng đến hình tượng chủ đạo của Lăng?

Giải quyết vấn đề đó, KTS Lê Hiệp đã đưa ra một quyết định độc đáo khi ông sử dụng chất liệu vàng để dát vào các mặt đài bốn mái nhà. Thêm vào đó, một chiếc lư đầy hương khói được đặt chính giữa đài tưởng niệm đã làm nên mối tương giao giữa người đang sống và người đã khuất, nổi bật thông điệp tinh thần kết nối âm dương.

Lựa chọn tỷ lệ tương quan giữa đặc và rỗng, giữa thô và tinh hay lựa chọn loại vật liệu nào? Thiết kế các trụ đèn, bậc thang và cây xanh sân vườn làm sao để tạo cảm giác dễ chịu nhất khi tiếp cận công trình cũng là những bài toán hóc búa đòi hỏi một tay nghề chắc đối với người sáng tạo nhưng đồng thời cũng là dịp để Lê Hiệp bộc lộ triết lý nhân sinh của mình, gửi gắm suy nghĩ ứng xử của tác giả trước anh linh hàng triệu người con nước Việt đã ngã xuống. Hình tượng phải thật cô đọng, chắt lọc và mang đậm ý nghĩa tâm linh.

Món nợ ân tình

Như đã nói, Đài tưởng niệm Bắc Sơn không chỉ khiến cho danh tiếng của Lê Hiệp lần đầu tiên vượt lên trong giới kiến trúc sư, mà còn giúp ông có thêm những người bạn, người thầy tri kỷ. Trong đó, đặc biệt là cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người mà KTS Lê Hiệp thương mến gọi “anh Sáu Dân”.

KTS Lê Hiệp kể lại: “Ngay cả khi công trình được hoàn thành từ lựa chọn của Thủ tướng thì vẫn vấp phải những luồng dư luận trái chiều ngay cả trong những quan chức cấp cao. Người ta bóng gió gọi bằng những cái tên mỉa mai: Cái lô cốt; cái ghế đẩu…

Lúc bấy giờ, đứng trước búa rìu dư luận chĩa về đứa con tinh thần của mình, Lê Hiệp không hề cảm thấy buồn mà luôn coi đó là động lực để phấn đấu trong nghề. Lê Hiệp vẫn còn nhớ như in cái ngày cuối tháng 12/2001, ngồi với cố Thủ tướng cả buổi chiều tại Đài tưởng niệm Bắc Sơn. Cố Thủ tướng tâm sự với Lê Hiệp: “Khi lựa chọn nó ta đâu đã quen biết gì nhau? Cái mô hình bé nhỏ đó đã cuốn hút mình, đã thuyết phục mình bằng chính những điều Hiệp nói hôm nay. Thôi, bây giờ thế này, ta chia đôi phần trách nhiệm cùng nhau, có ai khen ta cùng hưởng và ai chê thì ta cùng chịu”.

Lê Hiệp cảm thấy nợ “anh Sáu Dân” một món nợ ân tình. Kể từ đó, cố Thủ tướng thường đến nhà Lê Hiệp chơi, nhiều chuyến công tác còn rủ ông đi cùng, đến nhiều địa phương từ Nam chí Bắc. “Hồi đó, anh Sáu Dân và tôi còn cùng ăn một nơi, cùng ở một chỗ. Hai người bạn tri kỷ chúng tôi chung một niềm trăn trở, mong muốn làm sao để lại dấu ấn cho những địa danh lịch sử, nó không cần hoành tráng, tốn kém nhưng phải có chất văn hóa, nghệ thuật”, KTS Lê Hiệp tâm sự.

KTS Lê Hiệp vẫn luôn tự nhận là mình điếc và hơn thế nữa còn rất dễ dị ứng với những gì thuộc về hàn lâm hoặc đương đại. Nhưng ông luôn biết tìm ra cách để trang bị cho công trình khả năng nói lên câu chuyện của chính nơi cần có nó, để công trình đứng vững được tại đó. Có lẽ nhờ vậy mà ông đã tạo ra được nét đặc thù cho từng tác phẩm. Lê Hiệp nghĩ và hiểu về những người con của dân tộc đã ngã xuống cho nền độc lập của Tổ quốc, thông qua những công trình kiến trúc của mình ông đã chuyển tải được tình cảm đó đến với mọi người.

Theo Xây dựng