25/07/2018

Chuyên gia lý giải nguyên nhân các khu đô thị mới, hiện đại cứ mưa là ngập nặng

Tại Hà Nội, nhiều khu đô thị mới (KĐTM) được quảng cáo hiện đại, cấp thoát nước tốt, nhưng mưa lớn là ngập nặng. Theo các chuyên gia vấn đề này đã được cảnh báo từ trước.

Đã được cảnh báo trước

Điển hình như trận mưa lớn do bão số 3 vừa qua, tại các KĐTM ở Hà Nội như Dương Nội, Văn Phú (Hà Đông)… đặc biệt là khu An Khánh (Hoài Đức) một ngày sau đợt mưa mà nước vẫn ngập mênh mông.

Nhiều người đặt câu hỏi, đối với những khu phố cũ trong nội thành mật độ dân số quá tải, hạ tầng cũ kỹ dẫn đến ngập lụt. Tuy nhiên những KĐTM quy hoạch về sau, được quảng cáo hiện đại, rút được nhiều bài học về chống ngập nhưng còn ngập nặng hơn.

Lý giải nguyên nhân này, trao đổi với PV Người Đưa Tin, kiến trúc sư Trần Huy Ánh, hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết: “Các KĐTM họ san nền bừa bãi, không để ý đến hệ thống cấp thoát nước. Các KĐTM này thường xây ở những vùng trũng ngập và đã được cảnh báo từ khi Hà Tây chưa sáp nhập về Hà Nội.

Dân sinh - Chuyên gia lý giải nguyên nhân các khu đô thị mới, hiện đại cứ mưa là ngập nặng

Bà Thương, sống tại KĐTM Lê Trọng Tấn cho biết: “Tôi rất thất vọng, hệ thống thoát nước ở đây gần như không có tác dụng”

 

 

Khi triển khai xây dựng đường Láng- Hòa Lạc thì những người thiết kế giao thông đã nhận ra trục đường ấy vượt qua vùng trũng ngập, tức là vùng thoát lũ thuộc lưu vực sông Đáy, nằm giữa sông Đáy và sông Nhuệ, trong khu quy hoạch từ thời Pháp là vùng thoát lũ.

Việc này được nhận diện ngay từ lúc vẽ đường công nghiệp hóa trục đường giao thông phát triển kinh tế bắc – nam của tỉnh Hà Tây cũ. Họ đã tranh cãi rất nhiều về việc có để hành lang thoát lũ hay là dỡ bỏ nhưng cuối cùng cũng lờ đi và chỉ tiến hành san nền”.

“Hà Nội được mở rộng một cách tùy tiện nên ngập là chuyện bình thường. Nhiều người dân mua nhà ở đây bây giờ bán lại không được. Vì người dân thiếu thông tin, các chủ đầu tư cứ thấy tiền là làm.

Trục đô thị nằm dọc theo trục bắc – nam của tỉnh Hà Tây cũ hoàn toàn nằm trên lưu vực thoát nước, vùng trũng ngập. Cho nên, khi xây dựng KĐT giữa lưu vực sông Đáy và sông Nhuệ thì chắc chắn là bị ngập lụt”, ông Ánh nhấn mạnh.

Trao đổi về vấn đề này, ông Bùi Ngọc Uyên, đại diện công ty cấp thoát nước Hà Nội cho biết: “Các KĐTM ở khu vực này thường làm trên vùng đất ruộng. Ruộng đồng là nơi trũng để khi mưa, nước tràn ra -vào các ruộng sẽ điều hòa, giảm ngập cho vùng xung quanh. Tuy nhiên khi xây dựng các KĐT lại san lấp hết, mất chỗ điều hòa.

Trong khi hệ thống tiêu thoát nước ở các khu vực này cũng chưa được đầu tư, cải tạo. Hiện nay nước vẫn thoát chủ yếu qua các kênh mương nông nghiệp hay các sông như sông Nhuệ, sông Đáy.

Dân sinh - Chuyên gia lý giải nguyên nhân các khu đô thị mới, hiện đại cứ mưa là ngập nặng (Hình 2).

KĐTM Lê Trọng Tấn vẫn mênh mông nước dù đã dứt mưa gần 1 ngày.

 

 

Ở các khu vực này vẫn chưa có công trình trạm bơm đầu mối lớn để có thể tiêu thoát nước một cách chủ động giống như vùng lõi Hà nội có trạm bơm Yên Sở.

Điều này làm mực nước ở các tuyến kênh như sông Nhuệ, sông Đáy trong những ngày vừa qua dâng lên rất cao, làm chậm khả năng tiêu thoát nước của các tuyến đường, khu dân cư. Trong đó có một số khu đô thị như Dương Nội, An khánh…”.

Sẽ còn tiếp tục ngập

“Hiện nay khu Thanh Hà cũng đang được san nền, khu trũng ngập cuối cùng để giải cứu, thoát nước của khu vực này đã bị biến mất. Tức là khả năng cấp thoát nước của nó trừ âm độ so với phần cao của mép nước từ 1 đến 2m đã bị bê tông hóa. Như vậy, toàn bộ đường giao thông đã trở thành dòng sông lộ thiên.

Các KĐT người ta chỉ lo đến chuyện san nền bán đất bằng cách làm cao chỗ nọ, thấp chỗ kia. Như vậy việc trũng ngập sẽ ngày càng kéo dài hơn và ngập sẽ lâu hơn. Kể cả mưa nhỏ vẫn có thể ngập. Và tình trạng ngập này sẽ còn diễn ra trong những đợt mưa sắp tới”, KTS Ánh nhận định.

Dân sinh - Chuyên gia lý giải nguyên nhân các khu đô thị mới, hiện đại cứ mưa là ngập nặng (Hình 3).

Việc xây dựng chỉ tính đến lợi nhuận, ngập lụt là điều tất yếu.

 

 

Ông Bùi Ngọc Uyên cho biết: “Hiện nay chủ đầu tư của các KĐT là chủ sở hữu quản lý hệ thống thoát nước tại đây. Công ty thoát nước Hà Nội chưa được bàn giao, quản lý. Họ bỏ tiền ra đầu tư thì hiện nay họ cũng đứng ra quản lý khu vực đó”.

Theo quan điểm của tôi, nếu mà các cơ quan quản lý Nhà nước và các chủ đầu tư của các KĐT có đề nghị thì chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan trong việc kiểm tra, đánh giá lại về hệ thống thoát nước của các KĐT này”.

“Cần phải có những quy định về khớp nối hệ thống thoát nước ở trong khu đô thị với bên ngoài. Phải xây dựng trục thoát nước ở những vùng mà chủ đầu tư đang quản lý để không làm ách tắc hệ thống chung”, ông Uyên nêu ý kiến.

Đặng Thủy-Đàm Linh/Người đưa tin