17/10/2019

Chưa rõ ai phải chịu trách nhiệm?

Bộ VH-TT&DL khẳng định công trình nhà hàng Panorama vi phạm quy hoạch của Chính phủ, Luật Di sản, không phù hợp với cảnh quan thiên nhiên, truyền thống, bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc trong khu vực, gây cản trở đến tầm nhìn của du khách tham quan… Tuy nhiên, vẫn chưa rõ ai sẽ phải chịu trách nhiệm với những sai phạm này.

Bộ VH-TT&DL mới đây có văn bản gửi UBND tỉnh Hà Giang về công trình nhà nghỉ, nhà hàng Panorama xây dựng trên đèo Mã Pì Lèng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Văn bản khẳng định, công trình nhà hàng Panorama vi phạm quy hoạch của Chính phủ, Luật Di sản, không phù hợp với cảnh quan thiên nhiên, truyền thống, bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc trong khu vực, gây cản trở đến tầm nhìn của du khách tham quan; ảnh hưởng đến môi trường khi công trình đi vào hoạt động mà chưa có đánh giá tác động môi trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đây là sai phạm cần xử lý nghiêm để tránh gây ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng dân cư ở địa phương và trên cả nước.

Tỉnh Hà Giang có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý các sai phạm theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời tham vấn ý kiến chuyên gia để có giải pháp khắc phục phù hợp theo hướng cải tạo, chỉnh trang thành điểm dừng chân ngắm cảnh cho khách du lịch với quy mô, kiến trúc phù hợp, không làm ảnh hưởng đến tầm nhìn toàn cảnh, đảm bảo an toàn, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên.

Công trình xây dựng nhà hàng Panorama. Ảnh tư liệu

Công trình xây dựng nhà hàng Panorama. Ảnh tư liệu

Như vậy đã rõ, nhà hàng Panorama sẽ không bị cưỡng chế tháo dỡ toàn bộ mà được chuyển sang hướng chỉnh trang. Câu hỏi được dư luận quan tâm nhất hiện nay là ai để xảy ra sai phạm và xử lý ra sao. Bộ VH-TT&DL cho rằng, để xảy ra sự việc hiện nay là trách nhiệm thuộc về tỉnh Hà Giang. UBND tỉnh Hà Giang trước đó, trong một báo cáo gửi Chính phủ lại cho rằng trách nhiệm ban đầu thuộc UBND huyện Mèo Vạc. Còn UBND huyện Mèo Vạc đổ lỗi cho chủ đầu tư. Bà chủ công trình trả lời báo chí rằng không phải tự nhiên mà đổ tiền của xây nhà hàng nếu không được đồng ý.

Trước khi nhà hàng Panorama được xây dựng, UBND tỉnh Hà Giang UBND đã tổ chức hai đoàn đi kiểm tra và có văn bản số 55/TB-UBND, ngày 14-3-2018 và văn bản số 141/TB-UBND, ngày 8-6-2018 chỉ đạo, giao cho huyện Mèo Vạc triển khai thực hiện xây dựng điểm dừng chân. Nhưng điểm dừng chân được xây dựng ra sao, có đánh giá tác động môi trường không, có ảnh hưởng đến sinh thái, phù hợp bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ và phát huy giá trị danh lam thắng cảnh công viên Cao nguyên đá Đồng Văn… lại không được nhắc tới trong báo cáo.

UBND tỉnh Hà Giang đã bỏ qua hai điều kiện rất quan trọng. Thứ nhất, đây là công trình có vị trí ảnh hưởng đến Luật Di sản, cần có ý kiến thẩm định bằng văn bản của Bộ VH-TT&DL . Nhưng UBND tỉnh và huyện Mèo Vạc đã không xin ý kiến. Thứ hai, công trình nằm trong vùng quy hoạch của Chính phủ, hạn chế xây dựng nên không thể dựa trên một gợi ý của UNESCO mà phá vỡ quy hoạch.

Theo Quy hoạch xây dựng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, tầm nhìn đến năm 2030 chúng tôi có được thì Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn gồm 4 huyện: Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh và Quản Bạ của tỉnh Hà Giang, có quy mô diện tích tự nhiên khoảng 232.606 ha. Về phân vùng phát triển không gian, định hướng và quản lý phát triển Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn với các vùng: Vùng bảo tồn di sản địa chất; vùng bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; vùng phát triển bền vững tài nguyên thiên nhiên; vùng bảo vệ cảnh quan, danh lam thắng cảnh… Trong đó, vùng bảo tồn di sản địa chất diện tích khoảng 35.840 ha, khoanh định 139 Di sản địa chất hiện hữu (cấp quốc tế, quốc gia và địa phương) phân bổ tại các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc thành 30 cụm di sản.

Quy hoạch chỉ rõ vùng bảo vệ cảnh quan, danh lam thắng cảnh có tổng diện tích 2.564 ha gồm khu vực bảo vệ cảnh quan Mã Pì Lèng; khu vực bảo vệ cảnh quan di tích Cột cờ Lũng Cú; khu vực xã: Cán Tỷ (huyện Quản Bạ), Thài Phìn Tủng (huyện Đồng Văn). Tại các khu vực nêu trên. Quy hoạch nêu rõ: Hạn chế xây dựng mới, tôn tạo các công trình văn hóa, lịch sử hiện có; nâng cấp, cải tạo hạ tầng các điểm dân cư nông thôn gắn với các hoạt động sản xuất, phát triển du lịch sinh thái, homestay, đảm bảo không gây ảnh hưởng tiêu cực tới cảnh quan môi trường tự nhiên.

Sau khi quy hoạch của Chính phủ có hiệu lực vào ngày 7-4-2017 thì chỉ một thời gian sau, ngay tại khu vực Mã Pì Lèng xuất hiện công trình nhà hàng Panorama, vi phạm quy hoạch. Vị trí nhà hàng nằm trong khu vực chỉ đạo của Chính phủ là hạn chế xây mới.

Theo luật sư Tuyết Mai, Đoàn luật sư TP Hà Nội, trách nhiệm của UBND tỉnh Hà Giang sẽ do Chính phủ quyết định nhưng lãnh đạo tỉnh này phải có quan điểm rõ ràng trước việc UBND huyện Mèo Vạc để cho một công trình ngang nhiên xây dựng và đưa vào sử dụng. Trước đó, UBND tỉnh cũng đã có chỉ đạo chỉ đạo, giao cho huyện Mèo Vạc triển khai thực hiện xây dựng điểm dừng chân. Nhưng rõ ràng việc quản lý và chỉ đạo bị buông lỏng dẫn tới việc chủ nhà hàng Panorama đã tự ý xây dựng công trình theo ý mình, phá vỡ cảnh quan, vi phạm luật.

Sự buông lỏng này đã dẫn đến hậu quả và có dấu hiệu của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 360, Bộ Luật hình sự 2015 (có hiệu lực ngày 1-1-2018). Tới đây, việc khắc phục hậu quả nhà hàng Panorama nếu được thực hiện bằng ngân sách Nhà nước sẽ cho thấy sự lãng phí về kinh tế mà Nhà nước phải bỏ ra cho sự buông lỏng quản lý mà những người có trách nhiệm gây ra.

Gia Bảo/Pháp luật và Xã hội