23/08/2017

Chủ nhà Hà Nội hối tiếc vì chọn mua căn hộ áp mái

Phải mất cả tiếng đồng hồ bật điều hòa, phòng khách của nhà chị Thanh mới có cảm giác mát mẻ dù ngoài trời không quá nóng.

Dù Hà Nội năm nay không nhiều ngày quá nóng nhưng cứ về tới nhà là chị Thanh (quận Cầu Giấy, Hà Nội) lại tìm ngay điều khiển để bật điều hòa. Căn hộ của chị nằm ở tầng 11, cũng là tầng cao nhất của chung cư, lúc nào cũng hầm hập trong suốt mùa hè.


Trần không cách nhiệt tốt, nhà nhiều cửa kính hướng Tây sẽ khiến nhà rất nóng. Ảnh minh họa: Decoist. 

Trước đây, chị Thanh từng ở một chung cư khác nhưng tầng thấp hơn. Những ngày đó, chị thường xuyên thấy đau đầu vì hàng xóm ở tầng trên có hai con trai nhỏ, chạy nhảy ầm ỹ tới tối muộn. Có lần, chị lên tận nơi để góp ý thì thấy đứa út đang đi xe cân bằng còn cậu anh đuổi theo em. Bố mẹ quát mắng nên hai con dừng lại, vào phòng ngủ. Chị vừa xuống tới nhà thì lại nghe thấy tiếng huỳnh huỵch trên đầu.

Khi có điều kiện đổi nhà rộng hơn vào cuối năm 2015, chị Thanh quyết chọn tầng cao nhất để có được không gian yên tĩnh. Căn nhà ở tầng 11 không có tiếng ầm từ trên vọng xuống hay dưới vang lên, không khí trong lành, hướng nhìn ra bên ngoài thoáng đãng.

Tuy nhiên, khi ở được vài tháng, chị Thanh bắt đầu cảm thấy bực bội khi phát hiện mái chung cư làm cách nhiệt rất kém. Vào những ngày nắng nhẹ, chị cũng phải bật điều hòa. Chiếc quạt trần trong phòng khách để bám bụi vì mỗi khi bật, hơi nóng phả từ trần xuống làm nhà nóng hầm hập và thêm bí bức. Những ngày gần 40 độ C, điều hòa phải để nhiệt độ thấp nhất, chế độ gió mát cũng không ăn thua.

Với trường hợp nhà chị Thanh, KTS Đinh Công Quỳnh chia sẻ: “Hầu hết các chung cư mới xây dựng đều có bê tông dày, hệ chống nóng, chống thấm tốt hơn. Các nhà ở tầng trên cùng thường có giá cao, đặc biệt là các căn penthouse. Chung cư của chị Thanh có thể xây từ lâu hoặc chất lượng thi công thấp nên các yếu tố này không được coi trọng”. Bởi vậy, nếu có ý định đi mua căn chung cư mới trên tầng cao nhất, chủ nhà nên lựa chọn chủ đầu tư uy tín, hạn chế mua nhà hướng Tây nắng nóng nhiều.

Theo KTS Quỳnh, chủ nhà có thể đề xuất làm chống nóng trên mái nếu ban quản lý cho phép. Nếu trần nhà cao, chị Thanh có thể mua tấm chống nóng, ốp lên trần, rồi làm trần thạch cao. Thêm vào đó, chị Thanh nên nhờ kiến trúc sư tư vấn giúp hệ thống thông gió, giúp cho nguồn gió mát có thể lưu thông giữa các phòng.

Ngoài ra, chị Thanh cần kiểm tra các yếu tố khác có thể khiến nhà nóng. Nếu nhà có nhiều cửa sổ kích thước lớn, hướng Tây thì lượng nhiệt bị hấp vào nhà rất lớn. Các ngôi nhà trước đây sử dụng trong kính, ngoài chớp là chuẩn nhất nhưng hiện nay, có nhiều loại vật liệu kính hiện đại giúp chống nóng.

Gia chủ có thể sử dụng cửa nhôm kính hai lớp hút chân không. Nhiều hộ dùng kính phản quang để hạn chế nguồn sáng mang theo nhiệt qua lớp kính. Hiện tại, kính Low-E có tác dụng lớn hơn trong việc cản nguồn nhiệt truyền qua lớp kính.

Theo An Yên/VnExpress.net