03/05/2018

Chỉnh trang đô thị đừng để tạo ra khu nhà giàu, nhà nghèo biệt lập

Đại biểu Nguyễn Đức Hải lưu ý Luật Quản lý phát triển đô thị cần đưa ra vấn đề cải tạo chỉnh trang đô thị sao cho không tạo ra các khu người giàu, người nghèo biệt lập.

Chiều 12/4, Ủy ban thường vụ Quốc hội thảo luận cho ý kiến về dự án Luật quản lý phát triển đô thị. Cuộc họp được quan tâm và thảo luận sôi nổi với 11 lượt ý kiến của các Chủ nhiệm, Phó chủ nhiệm các ủy ban, đại biểu chuyên trách của Quốc hội. Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà cũng tham dự.

“Có thể xuống hầm tàu điện ngầm tránh bom”

Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ lưu ý vấn đề an ninh quốc phòng trong việc xây dựng dự án luật được đánh giá sẽ quản lý toàn diện phát triển đô thị hiện nay.

Ông Tỵ cho rằng cần tính toán các công trình xây dựng, giao thông trong đô thị gắn với nhiệm vụ an ninh – quốc phòng. Ví như đường hầm tàu điện ngầm hoàn toàn có thể tận dụng làm nơi trú ẩn rất tốt khi có đánh bom.

Chinh trang do thi dung de tao ra khu nha giau, nha ngheo biet lap hinh anh 1
Một đoạn hầm metro tại TP.HCM. Ảnh: Lê Quân.

Ông đề xuất dự án luật này cần có ý kiến của các chuyên gia an ninh – quốc phòng thay vì không có như hiện nay.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc (đoàn Thái Bình) thì cho rằng Luật phải tính đến một loạt vấn đề quản lý đô thị đang đặt ra trong giai đoạn hiện nay. Cần tính toán đến quy hoạch mật độ cây xanh, vui chơi giải trí, hệ thống đỗ xe, tính toán đến sự phát triển của đường sắt trên cao, tàu điện ngầm, xe bus BRT…

Ông Phúc cũng góp ý với Bộ Xây dựng bổ sung quy định về thu gom rác, đánh số nhà, cụ thể hóa các vấn đề liên quan đến chỉnh trang đô thị, hệ thống nước thải, thoát nước mưa… để các cấp quản lý khi nhìn vào luật giống như nhìn vào một cuốn cẩm nang quản lý đô thị.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu thì góp ý cần đưa nội dung quy hoạch dài hạn tầm nhìn hàng trăm năm như các nước châu Âu, thậm chí là vĩnh cửu vào luật, để không bị phá vỡ. Ông Giàu cho rằng việc quy hoạch chỉ vài chục năm là thấp và chưa ổn định.

Băn khoăn quyền phát triển đô thị

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Nga băn khoăn vấn đề mới được đề cập trong luật, là “quyền phát triển đô thị”.

“Quyền phát triển đô thị là gì? Liệu có cấp giấy chứng nhận về quyền này hay không? Có quy định để chuyển quyền hay không? Đây là vấn đề rất quan trọng liên quan đến Luật dân sự. Tôi đề nghị cần làm rõ, tránh chồng chéo với các luật khác”, bà Nga nói.

Chinh trang do thi dung de tao ra khu nha giau, nha ngheo biet lap hinh anh 2
Nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại chưa có quy định cụ thể để quản lý các vấn đề đô thị hiện nay. Ảnh minh họa: Lê Quân.

Đại biểu Nguyễn Đức Hải (đoàn Quảng Nam) góp ý cần có điều chỉnh liên quan đến nội dung thu hồi đất, xử lý các vấn đề còn tồn tại về nhà siêu mỏng, siêu méo.

Ngoài ra, trong Luật cần đưa ra vấn đề cải tạo chỉnh trang đô thị sao cho không tạo ra các khu người giàu, người nghèo biệt lập. Không để việc thu hồi với mục đích chỉnh trang đô thị nhưng chủ đầu tư lại biến nơi công cộng thành chỗ kinh doanh. Cần có quy hoạch cảnh quan kiến trúc để không tái hiện các vụ như Lê Trực, thất bại trong quy hoạch 2 bờ sông Hồng…

Khiếu nại, tố cáo chủ đầu tư tăng 2-3 lần

Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nêu ra thực trạng khiếu nại tại các khu đô thị mới, các khu nhà ở đang tăng cao 2-3 lần so với các năm trước.

Bà Hải lấy ví dụ tại dự án Golden West (quận Thanh Xuân), người dân đã phải rất mệt mỏi đấu tranh với chủ đầu tư khi tự ý chuyển đổi các khu vực công cộng, tầng kỹ thuật, nơi bố trí cây xanh, khu vui chơi thành nhà ở, vi phạm hợp đồng. Chủ đầu tư đã không lấy ý kiến người dân khi chuyển đổi công năng của công trình.

Chinh trang do thi dung de tao ra khu nha giau, nha ngheo biet lap hinh anh 3
Đại biểu Quốc hội lưu ý cần rất cẩn trọng khi cải tạo chung cư cũ, tránh khiếu nại, tố cáo. Ảnh: Lê Quân.

Bà đề xuất, không chỉ trong từng công trình mà khi chỉnh trang đô thị, việc chuyển đổi mục đích sử dụng, quy hoạch cũng phải xin ý kiến người dân thụ hưởng công trình, dự án đó.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, luật là rất cần thiết để quản lý toàn diện phát triển đô thị. Bà mong luật sẽ cụ thể hóa được việc tận dụng tốt lợi thế tự nhiên tại các đô thị, ví như Hà Nội tận dụng vẻ đẹp của sông Hồng, thay vì nhếch nhác như hiện nay.

Kết luận, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng dự thảo luật vẫn còn nhiều vấn đề gây tranh cãi và cần làm rõ. Chính phủ cần hoàn thiện thêm trước khi trình Quốc hội.

Hiếu Công/Theo Zing