26/11/2020

Chiến lược TPHCM hướng ra biển Đông

(TCKTVN 230) – Cơ hội hội nhập chuỗi các thành phố ven biển khu vực châu Á – Thái Bình Dương

Vai trò của đô thị biển

Đô thị biển là những thành phố trên bờ biển, là trung tâm hành chính, kinh tế và văn hóa của một vùng hoặc một tỉnh, trong đó nhân tố biển với tư cách là động lực phát triển, quyết định tính chất và hình thái đô thị.

Đô thị biển kích thích, thúc đẩy sự chuyển động của các cộng đồng xã hội, vốn thiên về tĩnh tại, do bị kìm hãm bởi “tư duy lục địa”. Đô thị biển là không gian kinh tế biển tạo lực tác động chủ đạo cho phát triển.

Kinh tế biển là động lực quan trọng đóng góp cho tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Do đó, tập trung nguồn lực đầu tư và phát triển các thành phố cảng đang trở thành ưu tiên trong chiến lược kinh tế – xã hội ở nhiều quốc gia.

Từ năm 2012, thế giới đã thống kê 14 (trong 20 thành phố tăng trưởng kinh tế nhanh nhất) và 36 (trong tổng số 50 thành phố có năng lực cạnh tranh cao nhất thế giới) đều thuộc về các thành phố cảng. Những con số ấn tượng này cho thấy sự năng động và tiềm năng của các thành phố cảng trong tiến trình phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế.

Thời cổ đại, Alexandria của Ai Cập, Pirey và Chersones của Hy Lạp, Contanstinopole của Bizantine đều tọa lạc trên bờ biển Địa Trung Hải.

Thế kỷ XVIII, Hoàng đế Pierre Đệ Nhất nhận ra: Chỉ với Moscow nằm sâu trong đất liền, nước Nga không thể sánh vai cùng Âu châu. Ông quyết định một cách thiên tài: xây Saint-Peterbourg ngay trên vùng đầm lầy trên bờ biển Baltic. Khi xây dựng Saint-Peterbourg của Nga, Pierre Đệ Nhất có nói “Tương lai nằm trên biển’’.

Thời kỳ phát triển tư bản chủ nghĩa, Pháp có Marseille, Đức có Hamburg, Hà Lan có Rotterdam, Thụy điển có Stockholm, Anh có Liverpool, Mỹ có New York, Trung Quốc có chuỗi các thành phố ven biển như: Hồng Kông, Quảng Châu, Thượng Hải, Thiên Tân, Đại Liên…

Ở nước ta, trên tuyến bờ biển kéo dài 3.620 km, chỉ hiện hữu có 3 thành phố lớn là Hải Phòng, Đà Nẵng và Sài Gòn – TPHCM là “đô thị biển lớn” và mạnh mẽ về kinh tế biển của 3 miền Bắc, Trung và Nam.

Cơ hội hội nhập chuỗi đô thị biển Châu Á – Thái Bình Dương

Có thể nói Đô thị – Hải cảng TPHCM, đô thị trên bờ biển chỉ hình thành ở nửa sau thế kỷ XIX.

Cách đây hơn 300 năm Nguyễn Hữu Cảnh đã có suy nghĩ về mở cửa làm ăn buôn bán với nước ngoài. Trong quá trình mở đường khai phá vào phương Nam, đặc biệt chọn Bến Nghé là nơi buôn bán không phải chỉ với nội địa mà còn với nước ngoài. Trong bản tường trình Nguyễn Hửu Cảnh đã khẳng định đây là hướng phát triển lâu dài của đất nước.

TPHCM đã ban hành quy định về Quản lý quy hoạch chung đô thị theo Đề án điều chỉnh quy hoạch chung điều chỉnh quy hoạch xây dựng TPHCM đến năm 2025. Theo đó, định hướng phát triển thành phố hướng ra biển Đông dựa trên nghiên cứu quy luật các TP lớn trên thế giới có ưu thế phát triển nhanh đều nằm ở ven biển và chiến lược phát triển vùng tam giác trọng điểm TPHCM – Đồng Nai – Bà Rịa-Vũng Tàu đã đặt ra yêu cầu cấp bách mở rộng quy mô đô thị và cơ sở hạ tầng để TPHCM hướng ra biển Đông.

Chiến lược Biển của Việt Nam ra đời năm 2007 và chúng ta quen dần với cụm từ biển đảo”, “tiến ra biển Đông,… nhưng khó có thể nhận ra một chiến lược biển thật rõ ràng và cụ thể cho các đô thị biển trọng điểm.

Từ khi có huyện Cần Giờ (sáp nhập từ tỉnh Đồng Nai vào TPHCM (ngày 17/12/1976), TPHCM trở thành một siêu đô thị có biển/ven biển, một siêu đô thị có khu dự trữ sinh quyển của thế giới mà các đô thị khác khó có được. Do vậy TPHCM rất có khả năng hội nhập vào chuỗi các thành phố ven biển khu vực châu Á – Thái Bình Dương, để tăng trưởng nhanh.

Chiến lược phát triển TPHCM – Chiến lược hướng biển để trở thành đô thị biển

Việc các nhà quy hoạch đã hướng định địa lý để hình thành “Chiến lược phát triển TPHCM hướng ra biển Đông”, không chỉ là sự kế thừa tư duy mở cõi của ông cha ta và các quốc gia trên thế giới (các thành phố thương mại lớn trên thế giới đều nằm ven biển) mà còn đáp ứng được nhu cầu thực tế của thành phố năng động. Nếu “mở cửa” ra biển Đông, đồng thời cũng là mở cửa tiến về Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với giao thông thủy vô cùng tiện lợi.

Theo Định hướng điều chỉnh quy hoạch chung của Thành phố, hướng Nam với hành lang là tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ cùng với hệ thống sông rạch phong phú cũng là hướng phát triển chính của TPHCM.

Cụ thể, Sở Quy hoạch – Kiến Trúc TPHCM cho biết: Với định hướng phát triển về phía Nam – tiến ra biển, trong đó cực phát triển là khu đô thị cảng Hiệp Phước, TPHCM sẽ tiếp tục đẩy mạnh hình thành khu đô thị này cũng như sớm hình thành khu công nghiệp-logistic.

Ngoài xây dựng khu đô thị cảng Hiệp Phước, TPHCM cũng đang có chủ trương bổ sung chức năng du lịch sinh thái biển cho vùng Cần Giờ.

Theo đó, thành phố dự kiến sẽ mở rộng khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ thành hơn 2.870 ha (so với 600 ha theo quy hoạch hiện nay)… Đây là sự điều chỉnh quy hoạch được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội cho huyện Cần Giờ.

Phát triển khu Nam, hướng sông Soài Rạp, di dời cảng Sài Gòn về cảng quốc tế Hiệp Phước, hình thành khu đô thị cảng Quốc tế Hiệp Phước

Chiến lược tiến ra biển Đông là một trong những chủ trương lớn của TPHCM trong định hướng phát triển kinh tế – xã hội. Là một thành phố có cảng lớn nhất nước, việc đưa cảng, khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) tiến dần ra cửa biển là xu thế tất yếu nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về kích cỡ tàu vận tải biển của ngành hàng hải thế giới.

Chính vì vậy, trong những năm qua, khu Nam TPHCM (quận 7, huyện Nhà Bè, Cần Giờ và một phần huyện Bình Chánh) đã hình thành một loạt KCX Tân Thuận, KCN Long Hậu, Phong Phú, đặc biệt khu đô thị Cảng Hiệp Phước – Nhà Bè.

Đô thị vệ tinh cảng Hiệp Phước trở thành trung tâm khu vực phía Nam của một TPHCM đa trung tâm.

Di dời cảng Sài Gòn về Cảng quốc tế Hiệp Phước

Trên thế giới, cảng biển cũng đã và đang được chuyển dịch ra khỏi khu vực nội đô vì nhu cầu tiếp nhận tàu lớn hơn, chi phí cơ hội gia tăng của đất trung tâm thành phố và tình trạng tắc nghẽn giao thông do hoạt động cảng gây ra. Cảng Sài Gòn (Tân Cảng Hiệp Phước) năm 2009 đã nằm lọt ngay giữa trung tâm thành phố nên phải di dời.

Hạt nhân của đô thị cảng Sài Gòn là cảng Sài Gòn được thành lập từ năm 1860 dưới thời thuộc địa của Pháp với tên gọi là thương cảng Sài Gòn, cách biển 83km (có 5 khu vực: Hàm Nghi, Nhà Rồng, Khánh Hội, Tân Thuận và Cảng Cá), đến năm 1939 cảng Sài Gòn trở thành cảng đứng thứ 7 trong số các cảng của đế quốc Pháp, vận chuyển 3 triệu tấn trong đó 2000 tấn xuất nhập khẩu hàng hóa.

Qua nhiều thời kỳ phát triển, đến năm 2009 cảng Sài Gòn là một cảng quốc tế của khu vực miền Nam, tổng biện tích 570.000m2 (có 5 khu vực: Tân Cảng, Bến Nghé, Khánh Hội, Nhà Rồng và Tân Thuận), khối lượng xuất nhập khẩu là 35 triệu tấn (năm 2006). Cảng Sài Gòn xếp thứ 25 trong số 50 cảng container lớn nhất thế giới năm 2012. Cảng Sài Gòn là thành viên của Hội Cảng biển Quốc tế (IAPH) và Hội Cảng biển ASEAN (APA).

Trong quá trình đô thị hoá, cảng Sài Gòn từ vị trí kề cận với trung tâm nay đã nằm lọt ngay giữa trung tâm thành phố, gây nên tình trạng kẹt xe ở khu vực trung tâm do lượng xe tải đi qua trung tâm quá lớn, nên năm 2009 TPHCM bắt đầu di dời hệ thống cảng Sài Gòn ra cảng Hiệp Phước Nhà Bè.

Phát triển khu đô thị cảng quốc tế Hiệp Phước (Nhà Bè) phía Nam thành phố

Đô thị cảng biển không chỉ là đầu mối, là cầu nối trong sự phát triển của mỗi quốc gia với các quốc gia mà còn là pháo đài tiền tiêu trong phòng thủ an ninh. Đô thị cảng biển, đô thị biển còn là hiện tượng lịch sử văn hóa và nhân văn; Là cơ chế đặc trưng, hấp thụ và tiêu hóa các nền văn minh trong sự tuần hoàn chuyển hóa cũng như cộng sinh.

Khu đô thị cảng Hiệp Phước nằm ở phía Nam huyện Nhà Bè, cách trung tâm thành phố 18km, cách sân bay Tân Sơn Nhất 25km, cách biển 20km, có diện tích 3.600ha, là khu đô thị cảng quốc tế quy mô lớn, là đầu mối trung chuyển phục vụ cho TPHCM, vùng Đông Nam Bộ và ĐBSCL.

Một khu đô thị công nghiệp với khu công nghiệp tập trung quy mô lớn, đa ngành, đa dạng về sản phẩm, đặc biệt là các loại công nghiệp gắn với cảng vận tải đường thủy, khu đô thị cảng Hiệp Phước là khu đô thị dịch vụ logistics, đặc biệt phục vụ cho các hoạt động cảng, sản xuất công nghiệp vận tải biển, xuất nhập khẩu hàng hóa thông qua biển và cũng là khu đô thị hiện đại với các khu vực đầy đủ tiện nghi và cơ sở hạ tầng đồng bộ hoàn chỉnh, môi trường sống chất lượng cao.

Khu đô thị này chia thành 4 phân khu chức năng: khu đô thị, khu công nghiệp cảng, khu du lịch giải trí, khu bảo tồn và phát huy môi trường sinh thái.

Khu công nghiệp – dịch vụ cảng – logistics Hiệp Phước phát triển đa dạng các ngành dịch vụ cảng, phục vụ có hiệu quả các hoạt động của tàu, thủy thủ và hành khách.

Khu đô thị cảng Hiệp Phước là đầu tàu cho “khu kinh tế đặc biệt” của TPHCM, là không gian kinh tế tạo “lực tác động chủ đạo” cho phát triển cả vùng TPHCM và là một “đô thị cảng thành phần” của đô thị cảng lớn Sài Gòn – TPHCM.

Với lợi thế nằm trên hướng của thành phố tiến ra Biển Đông, Nhà Bè đã và đang được mở ra nhiều cơ hội phát triển, trong tương lai không xa sẽ trở thành một khu vực công nghiệp – đô thị – cảng và là một vùng kinh tế năng động của thành phố. Ngoài việc giải quyết được bài toán về cở sở hạ tầng, kết nối giao thông, nơi đây còn tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp kém hiệu quả sang công nghiệp hiện đại, dịch vụ đạt hiệu quả kinh tế cao, nâng cao thu nhập, đời sống kinh tế xã hội được nhanh chóng cải thiện.

Bản đồ khu cảng Hiệp phước

Bản đồ khu cảng Hiệp phước

Tại KCN Hiệp Phước đã có 03 cảng biển quốc tế hoạt động: Cảng Tân Cảng – Hiệp Phước (15ha), Cảng container Quốc tế Trung Tâm Sài Gòn – SPCT (40ha), Cảng Sài Gòn – Hiệp Phước (54ha). Trong tương lai, khi các cảng trong nội thành di dời về khu cảng hạ lưu Hiệp Phước (khoảng 384,7ha) kết hợp với KCN Hiệp Phước (Giai đoạn 3, khoảng 392,8ha) được quy hoạch là Trung tâm Kho vận Logistics sẽ là trung tâm thông thương hàng hóa lớn của cả khu vực.

Khu cảng Hiệp Phước, KCN Hiệp Phước trải dài theo dòng sông Soài Rạp, là tuyến luồng tàu biển chính (rộng nhất, ngắn nhất) của TPHCM nối ra biển Đông, là nơi quy hoạch khu cảng hạ lưu Hiệp Phước của TPHCM thuộc nhóm cảng biển số 5 (TPHCM – Đồng Nai – Bà Rịa-Vũng Tàu) theo quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ, ngoài việc đáp ứng cho hoạt động xuất nhập khẩu, thì vị trí này cũng giúp cho việc lưu thông hàng hóa theo đường thủy nội địa đi về ĐBSCL cũng như lên miền Đông Nam bộ.

Có thể nói, toàn bộ hệ thống cảng trên sông Sài Gòn sẽ được dời ra khu đô thị cảng quốc tế phía Nam thành phố, khi ấy nơi này sẽ hình thành khu đô thị cảng sầm uất nhất cả nước với 4 cảng container quốc tế: Bến cảng container Trung tâm Sài Gòn (Saigon Premier Container Terminal – SPCT), cảng Sài Gòn Hiệp Phước, Tân Cảng Hiệp Phước, và cả cảng Quốc tế Long An.

– Cảng Cát Lái trên sông Đồng Nai (di dời từ Tân Cảng) có thể tiếp nhận tàu đến 30 nghìn tấn (DWT).

– Khu bến trên sông Sài Gòn – Nhà Bè nâng cấp cho tàu đến 3DWT vào theo sông Lòng Tàu. Xây dựng mới bến tàu khách với nhà ga đồng bộ hiện đại tiếp nhận được tàu du lịch quốc tế 5 vạn GT (Gross Tonnage – Tổng dung tích) tại Phú Thuận, hạ lưu cầu Phú Mỹ

– Đã có kế hoạch xây dựng thêm các khu bến Cần Giuộc, Gò Công sông Soài Rạp thuộc địa phận Long An và Tiền Giang làm khu vực bến vệ tinh cho các khu bến chính trong cảng Sài Gòn – TPHCM, gồm các bến tổng hợp và chuyên dùng cho tàu 2-5 DWT ra vào qua sông Soài Rạp.

Kết nối cụm đô thị cảng biển lớn TPHCM với đô thị cảng biển hiện đại Bà Rịa-Vũng Tàu trong Vùng TPHCM để trở thành cửa ngõ kinh tế kết nối Việt Nam với thế giới.

Năm 1999, Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển đầu tiên ra đời tạo một bước ngoặt, đưa kinh tế khai thác cảng biển sang một trang mới. Từ đó đến nay, hệ thống cảng biển Việt Nam đã trải qua 02 thời kỳ quy hoạch (giai đoạn 2000-2010 và 2010-2020).

Định hướng phát triển hạ tầng cảng biển trong thời kỳ này (2010-2020) đã được mở rộng để đáp ứng nhu cầu vận tải hội nhập toàn cầu với quy mô cảng đáp ứng cho tàu trọng tải đến trên 100.000 DWT, ưu tiên tập trung vào các dự án tạo động lực và có sức lan tỏa lớn.

Đối với cảng tổng hợp, giai đoạn khởi động chúng ta có 5 cảng trung chuyển quốc tế: Cảng Vân Phong (Nha Trang); Khu bến Lạch Huyện – Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng; Khu bến Cái Mép, Phú Mỹ – Cảng cửa ngõ quốc tế Vũng Tàu; Khu bến Hiệp Phước – Cảng TPHCM; Khu bến Cái Cui – Cảng Cần Thơ…

Cảng Hiệp Phước sẽ là khu cảng hiện đại nhất Việt Nam. Tại đây, hình thành một khu đô thị cảng Hiệp Phước song hành cùng với cảng Cát Lái và cảng Thị Vải – Cái Mép (Bà Rịa-Vũng Tàu) để trở thành cụm cảng lớn của Vùng đô thị TPHCM.

Bản đồ Khu cảng Cái Mép - Thị Vải (Vũng Tàu)

Bản đồ Khu cảng Cái Mép – Thị Vải (Vũng Tàu)

Phát triển hướng sông Lòng Tàu, hy vọng một khu đô thị du lịch sinh thái biển Cần Giờ mang tầm quốc tế

Quyết định Phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư mở rộng Dự án khu đô thị lấn biển Cần Giờ được Chính phủ ký ngày 12/6/2020 với mục tiêu xây dựng khu đô thị du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng, hội thảo, hội nghị, đô thị thông minh, dịch vụ công nghệ cao, nhà ở, dịch vụ khách sạn. Dự án thuộc xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, do Công ty CP Đô thị Du lịch Cần Giờ làm chủ đầu tư với diện tích 3.000 ha, cách vùng lõi khu sinh quyển 18km.

Quá trình thực hiện dự án, nhà đầu tư phải thực hiện đầy đủ các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án; tuân thủ chặt chẽ khung pháp lý của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) về dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ; không gây ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái và làm hẹp nguồn nước biển cung cấp cho rừng ngập mặn…

Theo Bộ Tài Nguyên & Môi trường, dự án nằm kế cận khu dự trữ sinh quyển vùng ngập mặn Cần Giờ chứ không thuộc ranh giới vùng rừng phòng hộ Cần Giờ, phù hợp với quy định pháp luật của Việt Nam và khung pháp lý của UNESCO. Những biện pháp thi công là tiên tiến, nước thải sau xử lý đạt tiêu chuẩn cao nhất Việt Nam.

Dự án nằm ở vị trí cách vùng lõi khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ khoảng 18km về phía Bắc, nằm ngoài ranh giới diện tích đất lâm nghiệp và rừng ngập mặn và kế cận với khu vực chuyển tiếp của khu dự trữ sinh quyển, cách luồng hàng hải sông Soài Rạp khoảng 2,7km và sông Lòng Tàu 4,5km. Dự án nằm cách khu du lịch sinh thái Vàm Sát 17km về phía Tây Bắc. Quy mô dân số dự kiến là 288.506 người với khoảng 9 triệu lượng khách du lịch/năm, tạo ra công ăn việc làm cho 25.000 lao động. Khi hoàn thành, dự án dự kiến đóng góp khoảng 2,900 tỷ đồng/năm cho ngân sách và khoảng từ 2-3% tổng mức bán lẻ và doanh thu cho thành phố.

Bộ Tài Nguyên & Môi trường đã yêu cầu chủ đầu tư nghiên cứu phương án khai thác vật liệu tại chỗ khi cải tạo khu vực biển hồ trong dự án và tận dụng tối đa như các nguồn nạo vét, tro xỉ, đáp ứng yêu cầu san lấp để hạn chế tối đa khai thác vật liệu từ bên ngoài và sẽ được xem xét theo các quy định của pháp luật.

Dự án án biển Cần Giờ (Nguồn: Báo Tuổi Trẻ)

Dự án án biển Cần Giờ (Nguồn: Báo Tuổi Trẻ)

Hệ thống giao thông kết nối với Cần Giờ

Ðến Cần Giờ hôm nay, qua phà Bình Khánh là một con đường nhựa trải dài nối thẳng đến trung tâm huyện .

Việc phát triển giao thông đường thủy là hết sức cần thiết, đặc biệt là tuyến phà biển Cần Giờ – Vũng Tàu. Phát triển giao thông đường thủy sẽ góp phần giảm tải giao thông đường bộ, từ đó khai thác tối đa tiềm năng giao thông thủy.

Khi tuyến phà biển Cần Giờ – Vũng Tàu đi vào hoạt động sẽ làm tăng khả năng liên kết vùng, giữa Tiền Giang, Long An, Cần Giờ với Vũng Tàu mà trước đây chúng ta mất rất nhiều thời gian để di chuyển. Đồng thời phà biển sẽ là động lực để thúc đẩy tiềm năng du lịch của huyện Cần Giờ mà bấy lâu nó đã bị ngủ quên.

Thế mạnh hướng ra biển Đông của TPHCM

Thế mạnh cảng biển TPHCM

Cảng Tân Cảng – Hiệp Phước không chỉ đánh dấu sự ra đời của một cảng biển mang thương hiệu Tân Cảng Sài Gòn, mà còn tạo ra sự khác biệt với các bến cảng khác thuộc khu vực TPHCM, khi có thể tiếp nhận các tàu biển với tải trọng lên tới 50.000 tấn đầy tải và 70.000 tấn vơi tải. Cảng Tân Cảng – Hiệp Phước có trọng trách là điểm thông quan cho toàn bộ hàng hóa khu vực phía Nam của TPHCM và các tỉnh ĐBSCL. Ngoài ra, Cảng Tân Cảng – Hiệp Phước còn được xác định là cảng Cát Lái nối dài, là cảng vệ tinh của cụm cảng Cái Mép, là đầu mối kết nối, phát triển dịch vụ logistics, ggóp phần xây dựng thành công 3 trụ cột kinh doanh của Tân Cảng Sài Gòn.  

Xác định lấy kinh doanh khai thác cảng là dịch vụ cốt lõi, Cảng Tân Cảng – Hiệp Phước có cơ sở hạ tầng gồm 420m cầu tàu chính, 5 bến trung chuyển tàu/sà lan có trọng tải 2,000 tấn, gần 17ha bãi hàng, cùng các trang thiết bị xếp dỡ, ứng dụng công nghệ quản lý, điều hành tiên tiến hiện đại: Hệ thống quản trị, khai thác cảng TOPS; Khai báo và thanh toán dịch vụ qua cảng điện tử (Eport), giao hàng nhập bằng lệnh điện tử (eDO), hóa đơn điện tử, mobile app,… đồng bộ cùng các cơ sở cảng khác thuộc hệ thống Tân Cảng Sài Gòn. Cụm cảng Tân Cảng – Hiệp Phước chính là “động lực phát triển kinh tế” của thành phố.

Thế mạnh khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) rừng ngập mặn Cần Giờ

Rừng ngập mặn Cần Giờ có điều kiện môi trường rất đặc biệt, là hệ sinh thái trung gian giữa hệ sinh thái thủy vực với hệ sinh thái trên cạn, hệ sinh thái nước ngọt và hệ sinh thái nước mặn. Rừng Cần Giờ nhận một lượng lớn phù sa từ sông Đồng Nai, cùng với ảnh hưởng của biển kế cận và các đợt thủy triều mà hệ thực vật nơi đây rất phong phú, trở thành nguồn cung cấp thức ăn và nơi trú ngụ cho rất nhiều loài thủy sinh, cá và các động vật có xương sống khác.

Khu DTSQ rừng ngập mặn Cần Giờ nằm trọn trong địa giới hành chính của huyện Cần Giờ với tổng diện tích 75.740ha, trong đó vùng lõi chiếm 4.721ha, vùng chuyển tiếp 29.880ha và vùng đệm là 41.139ha.

Theo kết quả tổng hợp của Viện Sinh thái học miền Nam, hệ thực vật rừng ngập mặn Cần Giờ ghi nhận 296 loài, nhóm thực vật ngập mặn. Rừng ngập mặn Cần Giờ còn là nơi sinh sống của nhiều loại động thực vật quý hiếm thuộc Danh mục Sách đỏ Việt Nam. Với hệ động thực vật đa dạng, độc đáo và phong phú, điển hình cho khu dự trữ rừng ngập mặn, đây là địa điểm lý tưởng để phục vụ nghiên cứu khoa học, đồng thời là khu du lịch trọng điểm của cả nước.

Khu DTSQ rừng ngập mặn Cần Giờ là “mảng xanh”lớn của TPHCM mà không thành phố nào có được. Thế mạnh Du lịch sinh thái đô thị biển Cần Giờ bao gồm: Hình thành một đô thị sát biển hiện đại mang tầm quốc tế; Nơi du lịch nghỉ dưỡng biển cho TPHCM, cả nước, quốc tế; Tích tụ, hình thành lớp quần cư ven biển, bảo vệ an ninh biển.

Để có một TPHCM hướng biển phát triển bền vững?

Quan điểm về phát triển bền vững của Việt Nam bao gồm bốn trụ cột: Kinh tế mạnh; Xã hội ổn định; Bảo vệ môi trường; An ninh, quốc phòng vững mạnh.

Phát triển đô thị TPHCM hướng biển về phía Nam, trong đó, huyện Cần Giờ góp phần quan trọng vào bảo vệ môi trường sinh thái cho TPHCM; Ngoài ra các vấn đề về phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng biển cũng đặc biệt quan trọng.

Khu DTSQ Cần Giờ theo đánh giá của các chuyên gia nước ngoài là khu rừng được khôi phục, chăm sóc, bảo vệ thuộc loại tốt nhất ở Việt Nam và toàn thế giới. Đây cũng là địa điểm lý tưởng phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học, du lịch sinh thái.

Rừng ngập mặn Cần Giờ đã trở thành “lá phổi” đồng thời là “quả thận” có chức năng làm sạch không khí và nước thải từ các thành phố công nghiệp trong thượng nguồn sông Ðồng Nai – Sài Gòn đổ ra biển Ðông.

Rừng ngập mặn Cần Giờ, huyện Cần Giờ được tổ chức UNESCO công nhận là khu DTSQ thế giới đầu tiên ở Việt Nam vào năm 2000. Qua hơn 20 năm, đến nay, khu DTSQ rừng ngập mặn Cần Giờ thể hiện rõ vai trò là “lá phổi xanh” không chỉ bảo vệ cho thành phố mà cho cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Nếu các nước có rừng trong thành phố, thì khu DTSQ rừng ngập mặn Cần Giờ sẽ trở thành khu rừng trong thành phố. Nó được bao bọc và kết nối giữa đô thị cũ với đô thị mới là khu đô thị du lịch sinh thái biển Cần Giờ (3.000ha), đóng vai trò “mặt tiền của thành phố hướng ra biển Đông”. Bảo tồn và phát triển khu DTSQ rừng ngập mặn Cần Giờ theo hướng bền vững là yêu cầu lớn cần đặt ra.

Giải quyết tốt bài toán phát triển kinh tế hướng biển, địa lý và tích tụ dân cư ven biển của TPHCM trên cả 3 phương diện: Cảng biển – Đô thị cảng biển; Khu DTSQ rừng ngập mặn – Du lịch sinh thái rừng và Phát triển đô thị du lịch sinh thái biển hiện đại 3000ha sẽ tạo nên thế mạnh to lớn cho TPHCM – một thành phố hướng biển với những bước đi đang được định hình rõ nét. Bởi vậy cần thiết đi tìm những mô hình đô thị lấn biển vừa phát triển kinh tế xã hội vừa đảm bảo gắn kết nhu cầu phát triển dân cư để bảo vệ an ninh biển là cần thiết./.

TS Nguyễn Đăng Sơn – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị & phát triển hạ tầng