11/07/2019

Cát Linh – Hà Đông là bài học đắt giá để làm đường sắt cao tốc

“Việc làm đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam nếu không tính toán kỹ thì không khéo lại đẩy đất nước sa lầy trong vũng nợ mà việc vay làm dự án tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông là bài học quá đắt giá. Bây giờ làm đường sắt cao tốc phải rút ra được bài học đó để có sự tính toán kỹ lưỡng”.

Đây là chia sẻ của đại biểu Quốc hội Bùi Văn Phương (đoàn đại biểu Ninh Bình) với Infonet xung quanh hai phương án làm đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam chênh nhau 32 tỷ USD theo phương án của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), đã gây ra nhiều luồng ý kiến khác nhau trong những ngày qua.

– Vừa qua Bộ KH&ĐT có đưa ra phương án làm đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam có vận tốc tối đa 200km/h với tổng vốn khoảng 26 tỷ USD thấp hơn 33 tỷ USD so với phương án mà Bộ GTVT trước đó trình Chính phủ xây dựng tuyến đường sắt cao tốc có vận tốc 350km/h với tổng vốn lên tới 58,7 tỷ USD. Xin ông cho biết quan điểm của ông về 2 phương án trên như thế nào?  

Đại biểu Bùi Văn Phương: Đặc điểm vị trí địa lý của Việt Nam chạy dài từ Bắc vào Nam với chiều dài hơn 1.700 km, do đó việc phát triển đường sắt là đúng. Tuy nhiên, đúng không có nghĩa là nhắm mắt để làm. Theo tôi, việc triển khai dự án phải căn cứ vào tình hình thực tế nhằm đảm bảo tính khả thi của dự án.

Với số tiền lớn như vậy thì đơn vị lập dự án phải dự báo được khả năng hành khách sử dụng mang lại hiệu quả kinh tế từ dự án ra sao. Dự báo không sát, không đúng mà bỏ tiền ra làm cho có đường sắt thì cần cân nhắc.

Vì sao tôi lại quan tâm đến hiệu quả của dự án, vì đặt trong bối cảnh hiện nay nhiều hãng hàng không mới tiếp tục ra đời, hành khách sẽ có nhiều lựa chọn hơn. Hơn nữa, với số vốn lớn như vậy, khó có tư nhân nào dám bỏ tiền, do đó dự án chắc chắn phải dùng vốn ngân sách nhà nước.

Trong khi đó, nợ công của đất nước cao, khả năng đáp ứng của ngân sách như thế nào nếu chúng ta triển khai dự án. Đó là những vấn đề theo tôi cần phải tính toán kỹ. Nếu khả năng không có, nợ công cao, nhưng cứ đi vay để về làm cho có công trình thì rất nguy hiểm. Không khéo đẩy đất nước sa lầy trong vũng nợ mà việc vay làm dự án tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông là bài học quá đắt giá. Bây giờ làm đường sắt cao tốc phải rút ra được bài học đó để có sự tính toán kỹ lưỡng.

Vấn đề quan trọng bậc nhất hiện nay đối với dự án này mà tôi quan tâm là khi anh sử dụng đơn vị tư vấn lập dự án. Hai phương án chênh lệch nhau quá xa nên cần phải có một đơn vị tư vấn độc lập hoàn toàn với những đơn vị đã lập dự án để họ có ý kiến phản biện.

Đơn vị tư vấn phải công khai minh bạch dự án được tính toán dựa trên cơ sở nào, so với các nước đã làm, đã có kinh nghiệm thì họ thực hiện như thế nào. Vì chúng ta đi sau nên phải có nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm các nước đi trước để tránh những sai lầm.

Theo tôi biết, việc làm đường sắt tốc độ cao hay đường sắt cao tốc không nhiều nước trên thế giới làm. Một số nước làm đều là những nước giàu, có điều kiện. Với nước mình nợ công đang cao, ngân sách cũng có mức độ, nếu làm phải đi vay với lượng tiền lớn như thế có nên hay không?.

Nếu đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam hoàn thành, đi từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh chỉ sẽ mất 8 tiếng. (Ảnh minh họa)

Nếu đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam hoàn thành, đi từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh chỉ sẽ mất 8 tiếng. (Ảnh minh họa)

Hơn nữa, tại sao chúng ta không phát huy sức mạnh của các chuyên gia, các nhà khoa học ở trong nước?.

Đây là việc lớn, chắc chắn phải đưa ra Quốc hội thảo luận, còn hiện đang lấy ý kiến nhưng theo tôi nên tổ chức các kênh, các diễn đàn để thu thập ý kiến của các nhà chuyên môn, chuyên gia và người dân. Để khi mình quyết một vấn đề lớn của quốc gia như vậy có cơ sở vững chắc, Chính phủ hoàn toàn yên tâm khi trình ra Quốc hội để cân nhắc quyết định.

– Theo cách phân tích của ông thì điều cần thiết lúc này là cần có một đơn vị tư vấn độc lập, có đúng không thưa ông?

Đại biểu Bùi Văn Phương: Đúng rồi. Phải có tư vấn độc lập và đơn vị lập dự án không lại rơi vào tình cảnh “mẹ hát con khen hay” thì rất không khách quan. Còn phương án nào thì cũng là phương án, theo quan điểm của tôi phải “liệu cơm gắp mắm”. Tùy thuộc vào khả năng đất nước, tính toán như thế nào để đảm bảo hài hòa.

– Bộ KH&ĐT đưa ra phương án  đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam có tốc độ tối đa 200km/giờ là phù hợp, giảm chi phí đầu tư xã hội. Và việc đầu tư dự án đường sắt tốc độ 350km/giờ chỉ để chở khách mà không phục vụ vận tải hàng hóa là quá dư thừa và lãng phí… ông có đồng tình với quan điểm này không?

Đại biểu Bùi Văn Phương: Theo tôi, phát triển giao thông đa dạng nhiều loại hình, có đường không, đường bộ, đường thủy… Chúng ta phải tính xem phát triển loại hình nào là lợi thế mà vị trí địa lý đất nước đem lại mà không nên tuyệt đối hóa loại hình giao thông nào. Theo quan điểm của cá nhân tôi, phương án của Bộ KH&ĐT là phù hợp.

Với đường nối Hà Nội tới TP Hồ Chí Minh là hơn 1700km đi trong vòng 8h đồng hồ là phù hợp. Tôi không ủng hộ phương án 350km/h của Bộ GTVT đưa ra là vì mục tiêu phục vụ chuyên chở hành khách kết hợp thăm quan du lịch.

Còn với tốc độ 200km/h, tốc độ vừa phải để hành khách đi trên tàu kịp ngắm phong cảnh đất nước, điều này phù hợp với khách du lịch. Hơn nữa tốc độ 200km/h thì độ an toàn sẽ cao hơn. Thứ nữa, chi phí để làm đường sắt với vận tốc 200 km/h sẽ thấp hơn so với 350km/h, phù hợp với điều kiện kinh tế đất nước hiện nay. Với khoảng thời gian Hà Nội – TP Hồ Chí Minh đi hết 8h đồng hồ là phù hợp, chấp nhận được. Như thế hài hòa rất nhiều yếu tố.

– Xin cảm ơn ông!

Phản ứng trước vấn đề trên, Bộ GTVT đã có TCBC cho biết, với phương án mà Bộ trình Chính phủ, trước đó Bộ này đã trực tiếp làm việc, có ý kiến chính thức bằng văn bản của 20/20 địa phương có dự án đi qua; lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan về việc góp ý hồ sơ nghiên cứu tiền khả thi dự án. Cho đến thời điểm 05/01/2019, Bộ đã nhận được ý kiến của 9/10 bộ, ngành về cơ bản thống nhất với đề xuất hồ sơ của Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng.

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu về phạm vi, quy mô, phương án công nghệ…; căn cứ các quy định của pháp luật hiện hành về lập tổng mức đầu tư dự án. Tư vấn trong nước (với sự hỗ trợ của tư vấn nước ngoài) đã đề xuất tổng mức đầu tư dự án là 58,7 tỉ USD.

Đối với ý kiến của Bộ Kế hoạch đầu tư liên quan đến quy mô, tổng mức đầu tư dự án… sẽ tiếp tục được Bộ Giao thông, vận tải có ý kiến, giải trình làm rõ trong quá trình thẩm định của Hội đồng thẩm định Nhà nước và thẩm tra của các cơ quan có liên quan trước khi trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án.

Ngoài ra, Bộ GTVT cho biết thêm, Bộ sẽ tiếp tục triển khai nghiên cứu, tham mưu và thực hiện các bước tiếp theo của Dự án một cách cẩn trọng, khách quan và tuân thủ đúng quy trình và các quy định của pháp luật hiện hành.

N. Huyền/Infonet