19/10/2018

Cần mạnh tay hơn trong giải quyết các dự án treo

GS. Đặng Hùng Võ cho rằng, cần có một chế tài phù hợp và kiên quyết hơn trong việc xử lý các dự án treo hiện nay.

14 năm trước, khi dự án khu đô thị mới Thịnh Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) được công bố chủ trương đầu tư, hàng trăm hộ dân sinh sống tại đây đã nuôi hy vọng về việc triển khai dự án sẽ nâng cao đời sống, giúp cư dân nơi đây có cơ hội sống tốt đẹp hơn.

Thế nhưng đến thời điểm hiện tại, sau 14 năm, khó ai có thể tin được rằng, giữa Thủ đô văn minh hiện đại vẫn có một khu vực tại dự án khi mà đường xá, hệ thống điện, đường nước sinh hoạt, cấp thoát nước đều trong tình trạng tạm bợ, xuống cấp nghiêm trọng. Hễ trời mưa là nước bẩn, rác thải tràn lên lênh láng.

Dự án khu đô thị mới Thịnh Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) bỏ hoang hơn 10 năm nay

Dự án khu đô thị mới Thịnh Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) bỏ hoang hơn 10 năm nay

Dự án nằm đắp chiếu trong nhiều năm khiến cuộc sống sinh hoạt của hàng trăm người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều ngôi nhà dân đã hư hỏng, dột nát, thậm chí có thể sập bất cứ lúc nào nhưng không được sửa chữa, xây dựng lại do nằm trong diện quy hoạch.

Bà Nga, một hộ dân sinh sống tại đây cho biết, từ khi có quyết định thu hồi đất lập phương án đền bù giải phóng mặt bằng cách đây hơn chục năm trước, hàng trăm hộ dân nằm trong phạm vi dự án luôn sống trong tình trạng tạm bợ, thấp thỏm đợi chờ, mà chờ mãi vẫn chưa thấy dự án đâu.

“Chính quyền khu vực đã nhiều lần thông báo về việc đền bù giải tỏa cho các hộ dân thuộc địa phận dự án khu đô thị Thịnh Liệt nhưng chưa lần nào cung cấp con số cụ thể về việc giải tỏa tại dự án này nên chúng tôi chưa biết tin vào nguồn thông tin nào”, Nga chia sẻ.

Được biết, dự án khu đô thị mới Thịnh Liệt thuộc các phường Thịnh Liệt, Hoàng Văn Thụ, Tương Mai thuộc quận Hoàng Mai đã được UBND TP. Hà Nội phê duyệt theo Quyết định số 4930 năm 2004, thu hồi 351.618m2 đất giao cho Tổng công ty Xây dựng và phát triển hạ tầng – Licogi (Bộ Xây dựng) tổ chức điều tra lập phương án đền bù giải phóng mặt bằng.

Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn dậm chân tại chỗ, gây lãng phí tài nguyên đất và ảnh hưởng nghiêm trọng tới hàng trăm hộ dân sống trong quy hoạch. Đại diện các hộ dân đã nhiều lần gửi đơn thư khiếu nại tới chính quyền cấp quận, thành phố, Trung ương nhưng chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng.

“Cuộc sống sinh hoạt bị đảo lộn, từ năm 2007 đến nay người dân chúng tôi đã liên tục gửi đơn kêu cứu, gửi đơn thư khiếu nại lên các cấp chính quyền nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi hay sự giúp đỡ từ các cơ quan chức năng”, anh Thắng, một người dân sinh sống tại dự án bức xúc cho hay.

Đáng nói, thực trạng dự án treo như tại Khu đô thị Thịnh Liệt không phải hiếm tại nhiều địa phương trên cả nước hiện nay. Hiện, các bộ ngành chưa công bố một con số mang tính tổng thể nào về số lượng những dự án treo trên cả nước. Tuy nhiên, theo các chuyên gia nhận định, có tới hàng nghìn, thậm chí cả chục nghìn dự án treo.

Chỉ riêng ở Hà Nội, từ quý I/2016, Bí thư Thành ủy Hà Nội làm việc với Sở Kế hoạch và đầu tư đã xác định có 537 dự án chậm triển khai, nhiều dự án đã chậm tới 15 – 20 năm chưa được xây dựng.

Một số quận, huyện có số dự án chậm, vi phạm nhiều như Hoài Đức, Mê Linh, Nam Từ Liêm, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm 23 dự án. Nhiều chủ đầu tư được giao đất nhưng không liên hệ với địa phương để tiến hành các thủ tục đền bù giải phóng mặt bằng theo quy định.

Trong số đó, không ít các dự án sở hữu các lô đất vàng, gần trung tâm như Tháp Tài chính Quốc tế – IFT (quận Cầu Giấy), dự án Tháp Thiên Niên Kỷ (quận Hà Đông), dự án 131 Thái Hà, dự án Twin Tower (đường Láng – quận Ba Đình), dự án Nam Đàn Plaza và Lotus Hotel (quận Nam Từ Liêm) cũng nằm trong danh sách treo này.

Tại TP. HCM, thông tin được Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường TPHCM Nguyễn Toàn Thắng cho biết, thành phố hiện có 1.300 dự án treo, hiện mới xóa sổ 575 dự án.

Đề xuất phạt 25% tiền sử dụng đất đối với chủ đầu tư

Lý giải nguyên nhân của thực trạng này, GS. Đặng Hùng Võ, Nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường cho rằng, việc giao đất dự án cho các chủ đầu tư theo “quan hệ”, cơ chế xin cho, “nhà đầu tư có quan hệ tốt với chính quyền” thì được giao dự án.

Việc giao đất của các cơ quan quản lý không tính đến những tiêu chí cốt lõi như nhà đầu tư ấy có năng lực tài chính hay không, có khả năng triển khai dự án hay không chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hàng loạt các dự án treo nan giải như hiện nay.

Bên cạnh đó, sau khi phê duyệt dự án, các cơ quan quản lý cũng không thường xuyên làm công tác kiểm tra tiến độ triển khai dự án của các chủ đầu tư để sớm có giải pháp xử lý kịp thời. “Giao đất xong rồi để đấy, khiến nhiều dự án chậm triển khai đến hàng chục năm, treo lâu ngày mà vẫn cứ treo như thế, vẫn không bị xử lý”, ông Võ cho hay.

Cũng theo vị chuyên gia này, pháp luật đã có quy định rất cụ thể về các trường hợp bất khả kháng, UBND cấp tỉnh có quyền gia hạn cho dự án được chậm triển khai. Tuy nhiên, các lý do bất khả kháng cũng được đưa ra rất cụ thể như khủng hoàng kinh tế, dịch bệnh, thiên tai, chiến tranh. Như vậy, rõ ràng không có lý do gì để nhiều dự án chậm triển khai đến gần 20 năm, gây lãng phí nguồn lực đất đai như vậy.

Để giải quyết dứt điểm tình trạng này, Nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường cho rằng, việc xử lý các dự án “treo” tại Hà Nội cũng như các địa phương khác cần một chế tài phù hợp và kiên quyết hơn.

Trong khi đó, quy định về thời hạn là 24 tháng không sử dụng đất, dự án sẽ bị thu hồi đất và tài sản trên đất như hiện tại là không phù hợp. Bởi Hiến pháp quy định tài sản hình thành hợp pháp đều được Nhà nước bảo hộ không bị quốc hữu. Chủ đầu tư có thể vi phạm khi chưa đưa đất vào sử dụng theo đúng tiến độ, nhưng tài sản của chủ đầu tư được hình thành trên đất đó là hợp pháp.

Trong trường hợp dự án chậm tiến độ, nhà nước có thể thu hồi đất nhưng nếu tịch thu luôn tài sản đầu tư trên đất là trái với quy định pháp luật, không đúng với hiến pháp.

Thay thế cho hình thức xử lý này, ông Võ cho rằng “tốt nhất nên có chế tài xử phạt thật nặng đối với chủ đầu tư”. Theo cách này, ngân sách nhà nước vừa được lợi rất lớn trong khi đó, nhà đầu tư không có tiền nộp sẽ phải tự tìm cách chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư khác có năng lực để triển khai.

“Các cơ quan quản lý nên nghiên cứu phương án xử phạt với mức phạt nặng, chậm 1 năm phạt 25% tiền sử dụng đất phải nộp. Nếu như vậy, chủ đầu tư tự khắc họ sẽ phải có cách giải quyết đối với dự án, nhà nước không phải động chân động tay vào việc thu hồi đất như hiện nay”.

Mặt khác, giải pháp này cũng sẽ giúp hạn chế tối đa các nhà đầu cơ đất, ôm đất đợi thời. Bởi, đầu cơ đất chỉ thực hiện được trong trường hợp trong quá trình giữ đất nhà đầu tư phải nộp ít tiền hoặc không phải nộp tiền. Thị trường bất động sản vì thế sẽ minh bạch và bền vững hơn, vị chuyên gia này nhận định.

An Chi/The Leader