21/01/2015

Căn hộ ‘suất ngoại giao’ quay trở lại nhiễu loạn thị trường

Sau một thời gian thị trường bất động sản trầm lắng, từ cuối năm 2014, những căn hộ “suất ngoại giao” lại xuất hiện tại nhiều website nhà đất, cho thấy sự trở lại của giới đầu cơ địa ốc. 

 

Nhiễu giá dự án “hot” 

Thời kỳ thị trường nhà đất sốt nóng những năm 2008 – 2009, những căn hộ “suất ngoại giao” luôn được rao bán với mức chênh từ vài trăm triệu đồng tới hàng tỷ đồng. Thời kỳ này, việc có được các căn hộ từ chủ đầu tư không dễ, chính vì vậy, những “suất ngoại giao” trở thành hàng hiếm và hàng “hot” trên thị trường.

Anh Hùng – một môi giới nhà đất lâu năm cho hay, trước đây, khi thị trường nhà đất ‘sốt nóng”, đa số các căn hộ đều được giới đầu cơ nhiều tiền ôm trọn và làm lũng đoạn giá trên thị trường. Điều đáng nói là giới đầu cơ thường không mua với số lượng một vài căn hộ mà thường “ôm” cả sàn.

ngoaigia

Căn hộ ‘suất ngoại giao’ quay trở lại nhiễu loạn thị trường. Hình minh họa

Chính vì vậy, để tiếp cận được với căn hộ tại các dự án là điều rất khó khăn với khách hàng. Nhiều người muốn mua căn hộ phải mua qua “cò” đất với mức chênh “khủng”. Vì thế, thông thường, người có nhu cầu ở thực hoặc những nhà đầu cơ nhỏ lẻ thường tìm đến các “suất ngoại giao”.

Nói cách khác, “suất ngoại giao” là cụm từ xuất hiện phổ biến khi thị trường bất động sản “sốt nóng”. Tuy nhiên, thời gian gần đây, cụm từ này thường xuyên xuất hiện trên nhiều trang về nhà đất, nhưng chủ yếu là ở những dự án “hot”.

Một số dự án thời gian gần đây thường xuyên được rao bán với “suất ngoại giao” như chung cư Home City (Trung Kính – Hà Nội), chung cư Helios, chung cư Tràng An,….

Thực tế, thời gian gần đây, lượng giao dịch của các dự án này đều khá tốt. Tại buổi mở bán dự án Home City, nhiều khách hàng đến tham dự đã bức xúc khi dự án vừa mở bán đã “cháy hàng”. Dự án chung cư Helios Tower (75 Tam Trinh – Hà Nội) dù mới mở bán chính thức hồi tháng 11/2014, nhưng ngay từ giữa năm 2014, dự án này đã được rao bán tràn lan trên mạng Internet với mức giá từ 17 – 20 triệu đồng/m2. Trong khi mức giá bán chính thức của dự án là 23 – 24 triệu đồng/m2.

Dự án chung cư Tràng An (Phùng Chí Kiên, Hà Nội) dù chủ đầu tư chưa chính thức bán ra thị trường, nhưng từ nhiều tháng nay, thông tin mở bán dự án này được đăng tải tràn lan trên mạng internet. Đặc biệt, mức giá được đưa ra trên mạng khá khác nhau, từ 26-30 triệu đồng/m2.

Điều đáng nói, các trang này đều rao dưới dạng “suất ngoại giao” và mức giá rẻ hơn chủ đầu tư từ 2,5 – 3 triệu đồng/m2. Thậm chí, có website còn công bố giá bán căn hộ tại dự án này ở mức từ 19,5 triệu đồng/m2.

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên, Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc GP Invest  – Chủ đầu tư của dự án này lại khẳng định: “Hiện dự án của chúng tôi chưa mở bán, vì vậy những thông tin rao bán trên mạng là không đúng”.

“Hiện dự án của chúng tôi đến ngày 24/1 mới chính thức khởi công và chủ đầu tư chưa mở bán bất cứ căn hộ nào. Vì vậy, việc rao bán dự án trên mạng là hoàn toàn không đúng, khách hàng mua nhà nên cẩn thận với những thông tin rao bán này. Có thể đó là thông tin của những nhà đầu cơ mạo danh. Khi nào mở bán chính thức, chủ đầu tư sẽ công bố thông tin rộng rãi”, ông Hiệp nhấn mạnh.

Cùng tình cảnh trên, Giám đốc Công ty Phú Quý Land Nguyễn Mạnh Hà, cho hay, mặc dù công ty chưa mở bán chính thức chung cư Scitech Tower 304 Hồ Tùng Mậu, nhưng hiện một số sàn nhỏ lẻ đã rao bán và nhận tiền đặt cọc của khách hàng.

Theo ông Hà, nguyên nhân là do giới đầu tư lướt sóng đánh vào tâm lý tìm kiếm mua nhà của người dân dịp trước tết nên đã săn lùng những dự án đang được chú ý trên thị trường, từ đó tranh thủ, thậm chí mạo danh chủ đầu tư, đại lý để chèo kéo khách hàng.

Giới đầu cơ “tái xuất” thị trường 

Liên quan đến việc các nhà đầu cơ bất động sản đang quay lại thị trường, tại buổi họp báo mới đây của CBRE về thị trường bất động sản quý 4/2014, lãnh đạo của đơn vị này đã thẳng thắn thừa nhận: Trong năm 2014, hiện tượng đầu tư, đầu cơ vào bất động sản cũng đã bắt đầu xuất hiện sau nhiều năm vắng bóng. Tuy nhiên,  hiện tượng này cũng không phải là một xu hướng chung mà nó chỉ tập trung ở những dự án có tiềm năng mà các nhà đầu cơ thấy có triển vọng tăng giá trong ngắn hạn.

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Thanh Hưng – Chủ tịch Công ty CenInvest cũng thừa nhận, với kinh nghiệm của một nhà phân phối bất động sản lâu năm, thời gian gần đây giới đầu cơ địa ốc đã bắt đầu quay trở lại với thị trường.

Cụ thể, nếu trước đây khách hàng mua nhà chủ yếu có nhu cầu để ở, họ sẽ quan tâm nhiều đến vị trí, tiện ích, chất lượng của căn hộ, rồi sau mới đến giá bán.

Thì nay có một số người mua chỉ quan tâm đến giá thành căn hộ. Nhiều trường hợp chỉ sau một thời gian ngắn đứng tên, đóng tiền đã nhanh chuyển sang tên đổi chủ căn hộ cho người khác.

“Sự tái xuất của giới đầu cơ địa ốc là điều rất đáng lo. Bởi lẽ thị trường bất động sản thời gian qua đang dần phát triển theo hướng đi về với giá trị thực. Vì vậy, sự xuất hiện của giới đầu cơ sẽ làm loạn giá thị trường, người có nhu cầu thực sẽ khó tiếp cận với nguồn hàng.

Nghiêm trọng hơn, giới đầu cơ thường có tâm lý “ăn sổi”, vì vậy, khi không nhanh chóng bán được dự án, sẽ cố gắng trì hoãn việc đóng tiền theo đúng tiến độ. Điều này sẽ lại làm thị trường rơi vào cảnh dự án triển khai chậm tiến độ do khách hàng không thực hiện đúng cam kết”, ông Hưng nhấn mạnh.

 

Theo VTC