16/05/2017

Các kết quả chính của Đối thoại APEC 2017 về Đô thị hóa bền vững

Như tin đã đưa, ngày 14/5, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội, bên lề cuộc họp “Nhóm Bạn của Chủ tịch về Đô thị hóa” tại Hội nghị các quan chức cao cấp (SOM 2) và các hội nghị liên quan, Đối thoại APEC 2017 về Đô thị hóa bền vững đã được Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh đồng chủ trì. Tiếp đó, chiều 15/5, các đại biểu tham gia đối thoại đã có chuyến thăm quan thực tế tại khu nhà ở xã hội Đặng Xá (Hà Nội) và khu đô thị Ecopark (Hưng Yên).


Các đại biểu tham gia Chương trình Đối thoại APEC 2017 về Đô thị hóa bền vững.

Các cán bộ Chính phủ, doanh nhân, học giả và chuyên gia và đại diện của các nền kinh tế thành viên APEC và các tổ chức quốc tế liên quan đã nhóm họp để thảo luận các vấn đề quan trọng của đô thị hóa bền vững nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm, bao gồm khuôn khổ thể chế, chính sách phát triển đô thị và đô thị hóa bền vững; liên kết vùng trong phát triển đô thị hướng tới sự bền vững; phát triển nhà ở thích ứng với biến đổi khí hậu, các mô hình phát triển năng lượng hiệu quả và tăng trưởng xanh. Đối thoại APEC 2017 về Đô thị hóa bền vững đã thống nhất các kết quả chính như sau:

1. Đô thị là hạt nhân phát triển kinh tế xã hội của vùng lãnh thổ và nền kinh tế. Khu vực đô thị đóng góp phần lớn trong việc tạo ra cơ sở vật chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ cho mỗi nền kinh tế, thúc đẩy sự thịnh vượng, tạo cơ hội phát triển an toàn và bình đẳng cho mọi người dân. Đô thị hóa bền vững và phát triển đô thị bao trùm do vậy cần được coi là mục tiêu và nền tảng cho sự tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm.

2. Nhằm bảo đảm sự hài hòa và cân bằng trong phát triển, tận dụng các lợi thế so sánh của các vùng miền cho lợi ích chung của nền kinh tế, các cơ chế, khuôn khổ pháp lý cho quy hoạch, quản lý và phát triển vùng lãnh thổ trên cơ sở mạng lưới giao thông và khu dân cư quốc gia cần được coi là điều kiện tiên quyết cho mỗi nền kinh tế. Dù theo hình thức nào, các khuôn khổ đó tạo điều kiện liên kết vùng, giảm sự chênh lệch phát triển đô thị – nông thôn, bảo vệ môi trường sinh thái, tăng cường sức cạnh tranh và tác động tích cực đến tổng thể văn hóa, xã hội…

3. Các giải pháp sáng tạo, mang tính liên kết vùng lãnh thổ (như giao thông, cấp nước, cung cấp thực phẩm và sản phẩm nông nghiệp, nước thải, rác thải, y tế, trường học …) cần được thúc đẩy nhằm bảo đảm tính hiệu quả, bền vững và sức chống chịu trước các thảm họa thiên nhiên của khu vực đô thị rộng lớn hơn vượt quá ranh giới hành chính, để đối mặt với các thách thức của đô thị hóa, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu…


Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh phát biểu tại Chương trình Đối thoại.

4. Các nguy cơ liên quan đến biến đổi khí hậu toàn cầu đang ngày càng thể hiện rõ tại các đô thị của mỗi nền kinh tế APEC, đặc biệt tại các vị trí dễ bị tổn thương như miền núi, ven biển, vùng đất trũng, lưu vực sông… gây ra các hiểm họa tiềm tàng. Các giải pháp đồng bộ từ quy hoạch đô thị, quản lý và phát triển đô thị, xây dựng khu dân cư an toàn, bao trùm cùng với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đầy đủ là vô cùng cần thiết để bảo đảm an sinh và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân đô thị.

5. Đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ trong các giải pháp phát triển xanh bao gồm quy hoạch và phát triển đô thị xanh, đô thị thông minh, đô thị các bon thấp, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng… nhằm tạo nên xu thế hợp tác mới giữa các nền kinh tế APEC.

6. Thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng chất lượng trong vùng APEC để bảo đảm đô thị hóa bền vững và tăng trưởng kinh tế, thông qua việc chia sẻ sự hiểu biết chung về cơ sở hạ tầng chất lượng và các thực tiễn tốt.

7. Công nhận tầm quan trọng của việc hiểu biết đúng hiện trạng của đô thị để vượt qua các thách thức do đô thị hóa đem lại, chúng tôi nhận thấy “Sổ tay hướng dẫn phát triển đô thị bền vững” chứa đựng các giải pháp khả dĩ để giải quyết các vấn đề đô thị hóa.

8. Gắn kết bảo tồn và đa dạng hóa sinh học vào các khuôn khổ quy hoạch để tạo lập, tăng cường và tái tạo năng lực môi trường nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

9. Cần khuyến khích liên kết giữa các đô thị, vùng đô thị lớn trong vùng APEC thông qua tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quy hoạch đô thị, quản lý và phát triển đô thị bền vững vì một tương lai chung.

Quý Anh/Báo Xây dựng