02/10/2018

Các công nghệ đốt rác chưa được kiểm duyệt tại Việt Nam

Ngày 1/10 được coi là “Ngày Habitat Thế giới. Chủ đề của năm nay là Quản lý chất thải rắn đô thị với khuyến nghị “Thành phố khôn ngoan với rác thải” (Waste-Wise Cities). Nhân dịp này UN Habitat Việt Nam tổ chức tại Hà Nội hội thảo “Giải pháp công nghệ trong xử lý rác: Hướng tới nền kinh tế tuần hoàn và cac-bon thấp”. Bài viết dưới đây được trình bày tại Hội thảo.

Rác thải khắp nơi:

Báo cáo “Tổng quan Chất thải rắn Việt Nam” do Cục Hạ tầng Kỹ thuật – BXD và JICA thực hiện: Tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt thu gom tại Việt Nam là 15,618 triệu tấn (2015), trong đó có 77,5% chôn lấp, 22,5% còn lại tái chế và đốt. Theo một thống kê khác: lượng rác thải tại Việt Nam là hơn 27,8 triệu tấn. Năm 2016, Cả nước có 660 bãi chôn lấp có quy mô từ 1 ha trở lên, trong đó có 120 bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Trong khi sản lượng rác ngày một lớn thì các bãi chôn lấp khó mở rộng vì hầu hết các bãi rác đang gây ô nhiễm, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống bà con, gây ô nhiễm đất, nước và không khí .Chỉ tính riêng TPHCM và Hà Nội: tổng lượng rác thải 2010 là 8.000 tấn/ngày thì hiện nay (2018) đã là 15.000 tấn/ngày. Đây là xu thế toàn cầu: năm 2010 người ta ước tính rằng mỗi ngày 0,8 kg/người mọi người trên thế giới. Nhưng do tăng tiêu thụ và quản lý không hiệu quả nên tổng lượng sẽ tăng gấp 3: đến 5,9 tỷ tấn/năm vào năm 2025 …

Đốt rác đang được quan tâm

Do thiếu đất chôn lấp rác và hậu quả của chôn lấp gây ô nhiễm môi trường nên nhiều địa phương tính chuyện đốt rác. Thành phố Hà Nội đầu tư 700 tỷ đồng nhập khẩu từ Nhật Bản nhà máy đốt rác đặt tại Nam Sơn, công suất đốt 75 tấn ngày/đêm, phát ra 75 mW điện/giờ. Hiện đang có thông tin về việc xây dựng nhà máyNúi Thoong công suất 500 tấn/ngày đêm trị giá hơn 1.800 tỷ đồng, hoặc dự định xây dựng nhà máy điện rác mới tại Nam Sơn công suất đốt 4.000 tấn rác/ngày, và có tin 3 nhà đầu tư nước ngoài gửi hồ sơ làm nhà máy đốt rác phát điện ở Nam Sơn, Xuân Sơn, Đồng Ké. Trước đây đã có nhà máy đốt rác Sơn Tây (600 tấn/ngày); nhà máy hấp vi sống rác y tế 12 tấn/ngày đêm, chưa kể các lò đốt rác nhỏ lẻ.

TPHCM hiện đang nghiên cứu nhà máy đốt rác 1.000-2.000 tấn/ngày (tổng lượng 9.000 tấn rác/ ngày). Năm 2017, thành phố Cần Thơ khởi công xây dựng nhà máyđiện rác công suất 400 tấn/ngày, do Everbright International (Trung Quốc) thực hiện, đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng. Được biết Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã hỗ trợ cho China Everbright International Ltd.Co vay 100 triệu USD để xây dựng các nhà máy điện rác tại các đô thị lớn ở ĐBSCL. Tỉnh Hải Dương giao United Expert Investments Ltd.Co do ông Cao Debiao (quốc tịch Trung Quốc) làm Chủ tịch HĐQT, họ liên doanh với các đối tác Việt Nam để lập dự án nhà máy điện rác công suất 500 tấn rác/ngày đêm, trị giá 1.025 tỷ đổng. Năm 2017,Công ty này cũng khởi công nhà máy điện rác công suất 1.000 tấn/ngày đêm tại Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ, trị giá2.100 tỷ đồng; anh em với nó tại Thanh Hóa là dự án nhà máy đốt rác công suất 1.000 tấn/ngày đêm, phát điện và sản xuất 25.000 m3 gạch không nung, trị giá 2.100 tỷđồng. Dự kiến hoàn thành 2019 (báo Đấu Thầu).

Nhà máy đốt rác có công suất vài chục đến vài trăm tấn rác/ngày đã có nhiều địa phương triển khai: Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Bắc Kạn… Nhưng nhiều hơn là các lò đốt rác nhỏ. Tổng cục môi trường – Bộ TN&MT cho biết đến cuối năm 2016 cả nước có khoảng 200 lò đốt rác, đa số là các lò đốt công suất < 500kg/giờ.

Lò đốt rác công suất nhỏ bỏ qua kiểm soát khí thải

Lò đốt rác nhỏ sử dụng tại một số địa phương như Thái Nguyên, Vĩnh Phú, Bắc Kan, Nam Định, Bắc Giang …. là loại NFI-05 công nghệ Nhật Bản, sản xuất tại Thái Lan, công suất 8-10 tấn rác/ngày, kinh phí 2-3 tỷ đồng. Các lò đốt này đang hoạt động nhưng chưa được kiểm định đầy đủ.

image003

Lò đốt NFI-05 tại Thổ Tang, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc năm 2014 và 2016

Ví du như tại Thổ Tang, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc: Lò đốt GFC Sankyo NFi 05 đã được Hội đồng thẩm định công nghệ của Bộ KH&CN(thành lập theo Quyết định số 77/QĐ-BKHCN ngày 16/1/2014) thẩm định và đánh giá trong cuộc họp ngày 10/3/2014. Trên cơ sở đó, Bộ KHCN đã có văn bản số 1498/BKHCN-ĐTG ngày 28/4/2014, trong đó nhận định: “Lò đốt chất thải rắn GFC-Sankyo NFi-05… sử dụng công nghệ đốt chất thải rắn sinh hoạt bằng không khí đối lưu tự nhiên… là một giải pháp phù hợp để xử lý rác thải sinh hoạt có quy mô nhỏ tại khu vực nông thôn, thay thế cho việc xử lý rác thải sinh hoạt hiện còn phổ biến là chất đống lộ thiên, chôn lấp đơn giản, gây ô nhiễm môi trường và gây mất cảnh quan”.

Tuy vậy trong văn bản này cho biết lò đốt không có thiết bị xử lý khí thải độc hại phát sinh trong quá trình đốt và ghi nhận lò đốt chưa hoàn thiện công nghệ. Trong kết quả thử nghiệm còn chú giải “Phiếu kết quả này chỉ có giá trị đối với mẫu thử do khách hàng mang tới”. Các văn bản này đã được trưng ra như là bằng chứng đã kiểm định để lắp đặt lò đốt. Kết quả là mất mấy tỷ đầu tư lò đốt, rác vẫn bốc mùi hôi thối và người dân Thổ Tang, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc lại đem rác đi chôn, nhiều địa phương khác cũng có tình cảnh tương tự .

Nhà máy đốt rác to tự lo thủ tục kiểm định

Thành phố Cần Thơ cho biết Everbright International (Trung Quốc) đã có tài liệu “Đánh giá tác động môi trường” được Bộ TNMT phê duyệt tại Quyết định số 1546 ngày 27/6/2017. Căn cứ vào tài liệu này, thành phố Cần Thơ đang theo dõi, kiểm tra chất lượng, tiêu chuẩn môi trường của nhà máy. Tuy vậy không rõ có nội dung đề cập đến xử lý khí thải độc hại phát sinh trong quá trình đốt rác hay không và cũng chưa thấy thông tin về Bộ KH&CN có ý kiến về công nghệ của nhà máy này. UBND tỉnh Hải Dương đã “yêu cầu trong vòng 6 tháng, Nhà đầu tư phải tự hoàn thiện đầy đủ các thủ tục về bảo vệ môi trường, đất đai, bổ sung Quy hoạch phát triển nguồn điện sử dụng chất thải rắn và Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, phê duyệt quy hoạch và cấp phép xây dựng” (báo Đấu Thầu ,17/7/2018) … Nghĩa là phải tự lo thủ tục từ A đến Z.

Năm 2016, tại nhà máy đốt rác phát điện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, Công ty TNHH Thuỷ lực đã đốt thử 208 tấn trong 10 ngày để Trung tâm Quan trắc môi trường Bộ TN&MT đo kiểm nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy công bố kết quả chi tiết, còn Bộ KH&CN thì chưa có ý kiến gì liên quan đến công nghệ này.

Ngày 26/8/2018,khi đến thăm nhà máy điện rác Quản Bình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao cho các bộ cùng tỉnh Quảng Bình đánh giá về tiêu chuẩn công nghệ, môi trường của nhà máy, để nhân rộng nếu hoạt động thành công.

Việt Nam chưa tự chủ công nghệ cao, hiện đại đắt tiền cho việc thu gom xử lý khí thải trong quá trình đốt rác, vì đây sẽ là cả một hệ thống bao gồm xử lý bụi, khử NOx, SOx, phát thải các hợp chất Dioxin, Furan ra ngoài môi trường (chất cực độc gây ung thư và biến đổi gen), các hóa chất hấp thụ khí thải phải nhập khẩu với giá cao. Ngay trong lúc này rất cần có ý kiến chính thức của Bộ TN&MT, Bộ KH&CN và Bộ Y tế kiểm duyệt tiêu chuẩn khí thải cho từng loại nhà máy đốt rác, lò đốt rác… nhằm loại bỏ các lò đốt phát thải khí độc hại, để cho các thành phố Việt Nam thoát khỏi vấn nạn: thay vì nạn rác thải ô nhiểm lại chuyển thành nạn khí thải độc hại, còn tai hại hơn.

KTS Trần Huy Ánh