08/06/2018

“Bỏng tay” giá đất quanh nghĩa trang

Ghi nhận thực tế cho thấy, giá đất khu vực quanh nghĩa trang Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân, TP.HCM) tăng cao chóng mặt trong thời gian gần đây. Ở một số tuyến đường nằm sát nghĩa trang, giá đất tăng lên đến 100 triệu đồng/m2.

Hơn 100 triệu đồng/m2

Bình Long là một trong những tuyến đường có mức giá giao dịch nhà đất khá cao, dù nằm ngay cạnh khu nghĩa trang lớn nhất Sài Gòn. Cụ thế, một căn nhà mặt tiền đường có diện tích 96,6m2 đang được rao bán mức giá 7,9 tỉ đồng. Một căn khác cũng nằm mặt tiền đường Bình Long có diện tích 170m2 đang được chào bán với giá 17,5 tỉ đồng.

Trên đường Tân Kỳ – Tân Quý, đoạn ngã ba Tân Kỳ – Tân Quý với cầu Xéo, một căn nhà có diện tích 100m2 được giao dịch với giá 11 tỉ đồng. Một căn khác có diện tích 208m2 cũng nằm mặt tiền đường Tân Kỳ – Tân Quý có giá bán khoảng 20 tỉ đồng.

“Bỏng tay” giá đất quanh nghĩa trang

Giá đất nhiều tuyến đường gần nghĩa trang Bình Hưng Hòa cao chót vót

Bờ Bao Tân Thắng được coi là một trong những tuyến đường đẹp nhất khu vực này dù nằm gần kề nghĩa trang. Trên tuyến đường này có hàng loạt tiện ích đã và đang hình thành như Aone Tân Phú, khu đô thị Celadon City, trường học… Hiện giá đất ở khu vực này đang được chào bán rất cao. Một căn nhà mặt tiền đường Bờ Bao Tân Thắng có diện tích 68m2 đang được rao bán với giá 6 tỉ đồng. Một căn khác nằm đối diện Aone Tân Phú có diện tích 56m2 được rao bán giá 6,6 tỉ đồng. Tính ra mỗi m2 có giá gần 120 triệu đồng.

Không chỉ các tuyến đường lớn, nằm mặt tiền mới có giá cao. Ghi nhận tại các đường nhánh, hẻm của các tuyến đường lớn, giá giao dịch cũng dao động trong khoảng 50-70 triệu đồng/m2. Tương tự, giá bán căn hộ các dự án quanh nghĩa trang Bình Hưng Hòa cũng khá cao. Chẳng hạn, dự án căn hộ Celadon City đang được chào bán khoảng từ 30 triệu đồng/m2.

Một môi giới bất động sản cho biết, mức giá trên có tăng một chút so với cuối năm 2017. Theo người này, dự án nằm mặt tiền đường thông thoáng, gần kề  siêu thị Aone Tân Phú nên giá khá cao. Những người trong ngành dự báo, tương lai gần khi nghĩa trang Bình Hưng Hòa được di dời hoàn toàn thì mức giá sẽ còn tăng lên.

Giá sẽ tiếp tục tăng?

Ông Hùng, một người dân sinh sống trên đường Bình Long cho biết, trước đây giá đất quanh khu vực này thấp do mang tiếng là đất nghĩa trang. Hàng nghìn ngôi mộ u ám nằm cạnh nhau trên một diện tích rộng lớn khiến ai cũng rùng mình. Tình hình an ninh trật tự quanh nghĩa trang cũng khá phức tạp. Tuy nhiên, những năm gần đây tình hình đã thay đổi.

“Khi đất đai thành phố đã cạn kiệt, người ta bắt đầu phải sống chung với cả nghĩa trang. Đặc biệt, khi có thông tin di dời nghĩa trang để làm các khu đô thị thì giá đất tại đây tăng mạnh”, ông Hùng nói.

“Bỏng tay” giá đất quanh nghĩa trang

Nghĩa trang Bình Hưng Hòa được di dời là nguyên nhân lớn đẩy giá đất khu vực này tăng cao

Được biết, dự án di dời nghĩa trang Bình Hưng Hòa gồm 3 giai đoạn. Dự án sẽ cải tạo môi trường sống của khoảng 300.000 người tại khu vực tiếp giáp nghĩa trang (gồm phường Bình Hưng Hòa, Bình Hưng Hòa A quận Bình Tân và phường Tân Quý, Sơn Kỳ, Phú Thọ Hòa quận Tân Phú).

Theo ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, giai đoạn 1 di dời nghĩa trang Bình Hưng Hòa đang đi vào thời gian nước rút. Cụ thể, trong giai đoạn 1 đã có 13.553/15.539 ngôi mộ có thân nhân kê khai, đã bốc đến 13.441 mộ. Giai đoạn 2 của dự án gồm 16.848 ngôi mộ, trong đó có 4.955 mộ đã bốc.

Theo kế hoạch, tổng số mộ sẽ di dời tại nghĩa trang là 69.220 mộ. Diện tích đất di dời là 44 ha. Tổng kinh phí cho dự án này lên đến gần 2.500 tỉ đồng. Dự kiến thành phố sẽ đấu giá 18ha đất khu dân cư, phức hợp và thương mại với giá khởi điểm 15 triệu đồng mỗi m2 để bù kinh phí đã ứng trước và thực hiện các giai đoạn tiếp theo.

Nằm cách trung tâm thành phố khoảng 12km, nghĩa trang Bình Hưng hòa nổi tiếng về tuổi đời và quy mô “khủng” nhất Sài Gòn. Khu nghĩa trang này được giải tỏa di dời hứa hẹn sẽ tạo ra một cuộc lột xác thực sự cho khu vực xung quanh.

Một chuyên gia bất động sản nhận định, giá đất quanh Bình Hưng Hòa sẽ tăng tỉ lệ thuận theo tiến độ di dời của nghĩa trang. Tâm lý mua nhà đất trên nền nghĩa trang cũng không còn nặng nề, nhất là khi quỹ đất trung tâm đã hết. Nhiều khu vực trước đây là nghĩa trang nay cũng phát triển sầm uất, ví dụ như công viên Cách Mạng Tháng Tám (quận 3).

“Nếu sau di dời khu đất mọc lên các đô thị, công viên thì càng có giá trị. Hiện nay, quanh nghĩa trang cũng có nhiều tiện ích như siêu thị, trường học, khu dân cư sầm uất. Do đó, khả năng tăng giá là điều hiển nhiên”, chuyên gia này cho biết.

Trần Phong/Cafeland