15/06/2020

Bộ Xây dựng đề xuất giảm lãi vay nhà ở xã hội xuống 4%/năm

Mới đây, Bộ Xây dựng đề xuất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và thị trường bất động sản khi dịch bệnh đã được kiểm soát trong nước.

Trong ngắn hạn, trước mắt, theo Bộ Xây dựng cần thực hiện ngay một số giải pháp khắc phục khó khăn cho thị trường và hỗ trợ một số doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Nhất là các sản phẩm đang thiếu mà có nhu cầu cao.

Cụ thể, Bộ kiến nghị Thủ tướng giảm lãi suất cho vay nhà ở xã hội từ 4,8%/năm hiện nay xuống bằng 50% lãi suất bình quân các NHTM đang cho vay (khoảng 4%). Lý do là các ngân hàng này đã giảm lãi suất cho vay để khắc phục khó khăn vì đại dịch Covid-19.

Ngoài ra, Bộ xây dựng đề nghị 4 ngân hàng thương mại đã được Chính phủ cấp bổ sung 2.000 tỷ để cấp bù lãi suất cho vay nhà ở xã hội triển khai ngay việc cho vay đầu tư xây dựng và cho người mua nhà vay theo chỉ đạo của Chính phủ. Bộ Xây dựng sẽ xác định cụ thể danh mục các dự án nhà ở xã hội đang triển khai dở dang có thể đầu tư ngay trong năm nay để thực hiện cho vay.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý này còn đề xuất sửa đổi, bổ sung quy trình rút gọn một số nội dung của Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển nhà ở xã hội như cơ chế dành quỹ đất 20%; xác định lợi nhuận định mức; hoàn trả nghĩa vụ tài chính; tăng cường sự quản lý Nhà nước đối với hoạt động xây dựng nhà ở xã hội…

Cho phép chậm nộp, giãn nộp tiền sử dụng đất đến hết năm 2020 đối với các chủ đầu tư có dự án bất động sản đang triển khai nhưng gặp khó khăn về tài chính.

Giảm 50% thuế VAT cho các chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại giá thấp, diện tích căn hộ dưới 70m2, giá bán không quá 1,5 tỷ đồng/căn; miễn lệ phí trước bạ cho tất cả giao dịch bất động sản trong năm 2020.

Cơ quan quản lý cũng đề xuất các chính sách tín dụng với người mua nhà, và doanh nghiệp bất động sản như khoanh nợ, giãn nợ đối với các khoản vay đến hạn đến hết năm 2020; cho phép người vay mua nhà ở thương mại giãn tiến độ trả nợ vay, nợ gốc đến hết năm.

Về dài hạn, để thị trường phát triển ổn định trở lại cần có các giải pháp đồng bộ cả về cơ chế, chính sách, nguồn vốn đầu tư, quy trình thực hiện. Đặc biệt là chính sách ưu tiên, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp.

Phương Nga/Báo Tổ quốc