20/06/2019

Bộ Xây dựng đã và sẽ nỗ lực để Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững

Chiều 18/6, tại TP Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị đánh giá kết quả hai năm triển khai thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH).

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị

Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà và lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương; Lãnh đạo 13 tỉnh vùng ĐBSCL; Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh; Các Đại sứ nước ngoài, các Tổ chức quốc tế, các nhà khoa học…

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu khai mạc Hội nghị

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu khai mạc Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định: “ĐBSCL có vị trí chiến lược trong phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng an ninh của đất nước. Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế chính sách chương trình kế hoạch, giải pháp cụ thể để thúc đẩy phát triển khu vực này. Trong bối cảnh ĐBSCL đang phải đối mặt với nguy cơ lớn, ngày càng tăng do BĐKH nước biển dâng và các hoạt động khai thác, sử dụng nước, các tài nguyên thiếu hợp lý, thiếu bền vững ở trong nước và thượng nguồn sông Mê Kông. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH, với nhiều nhiệm vụ, giải pháp tổng thể, trước mắt và lâu dài.

Việc ban hành Nghị quyết 120 đã đánh dấu bước đột phá lớn trong tư duy, định hình chiến lược phát triển bền vững của ĐBSCL theo hướng tổng thể, tích hợp phát triển kinh tế – xã hội trong toàn vùng với tầm nhìn dài hạn, tăng cường kết nối, phát triển giữa các địa phương trong vùng, đảm bảo tính liên vùng, liên ngành có trọng tâm, trọng điểm thông qua cơ chế điều phối của Chính phủ. Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả. Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của các cấp Đảng, chính quyền các địa phương vùng ĐBSCL cũng như sự chia sẻ, giúp đỡ của các tổ chức, đối tác quốc tế.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế khó khăn trong việc triển khai Nghị quyết, chưa đáp ứng được yêu cầu, kế hoạch đề ra cũng như sự kỳ vọng của chính quyền và người dân trong vùng.

Để triển khai hiệu quả và thiết thực hơn khi đưa Nghị quyết 120/NQ vào cuộc sống. Chính Phủ tổ chức Hội nghị quan trọng này nhằm kiểm điểm, đánh giá cụ thể các kết quả đạt được, đặc biệt những tồn tại hạn chế và nguyên nhân khách quan, phân tích chỉ rõ những khó khăn thách thức. Trên cơ sở đó, đề ra các nhiệm vụ giải pháp, đối sách cụ thể để tập trung thực hiện trong thời gian tới”.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị

Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết: “Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP, Bộ Xây dựng đã xây dựng, ban hành Kế hoạch hành động của Bộ Xây dựng nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết 120 với 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Đồng thời phối hợp với các địa phương trong vùng trong việc thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP và tăng cường tổ chức các đoàn công tác đến làm việc và nắm bắt tình hình thực tiễn tại địa phương”.

Theo Bộ trưởng Hà, một số kết quả cụ thể sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 120 đó là: Cơ bản hoàn thành các quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch hạ tầng, Chương trình phát triển đô thị vùng ĐBSCL đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững chủ động ứng phó với BĐKH.

Bộ Xây dựng đã trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch chuyên ngành về hạ tầng kỹ thuật như: Quy hoạch cấp nước; Quy hoạch xây dựng khu xử lý chất thải rắn; Quy hoạch thoát nước; Các định hướng, chiến lược, Chương trình phát triển đô thị…

Có thể nói, kết quả này là rất quan trọng, tạo lập các cơ sở pháp lý để quản lý phát triển Vùng và triển khai các dự án đầu tư một cách hệ thống, thống nhất và hiệu quả hơn.

Công tác đầu tư, phát triển đô thị, hạ tầng và nhà ở tiếp tục được triển khai tích cực. Đó là: Chương trình nâng cấp đô thị tại 6 tỉnh/thành phố ĐBSCL do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ giai đoạn 2012-2019 với tổng vốn tài trợ gần 300 triệu USD đã thực hiện được khoảng 93%.

Tỷ lệ dân cư đô thị được cấp nước sạch trung bình toàn vùng đạt khoảng 89,6%, cao hơn so với trung bình của cả nước (khoảng 86%), tăng 1% so với năm 2017. Hiện nay, Bộ Xây dựng đang triển khai dự án hỗ trợ kỹ thuật “Chuẩn bị dự án cấp nước an toàn vùng ĐBSCL” do WB tài trợ để lập dự án đầu tư cấp nước đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt và sản xuất cho các tỉnh thành phía Tây Nam sông Hậu đến năm 2025 và 2030.

Tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị toàn vùng được thu gom khoảng hơn 4.300 tấn/ngày, đạt 78% tổng lượng CTR phát sinh (tăng 3% so với năm 2017). Toàn vùng hiện có khoảng 10 nhà máy xử lý chất thải rắn tập trung đang hoạt động, tổng công suất thiết kế đáp ứng khoảng 30% lượng chất thải rắn phát sinh, còn lại là chôn lấp.

Tổng lượng nước thải sinh hoạt toàn vùng khoảng 1 triệu m3/ngày. Hiện nay, một số địa phương trong Vùng đã tiếp nhận và đang thực hiện các dự án ODA để đáp ứng yêu cầu về xử lý nước thải.

Tỷ lệ đô thị hóa tăng lên, chất lượng đô thị trong vùng từng bước được cải thiện, đảm bảo tốt hơn điều kiện sống cho người dân. Toàn vùng hiện có 169 đô thị gồm: 02 đô thị loại I, 9 đô thị loại II, 8 đô thị loại III, 26 đô thị loại IV và 124 đô thị loại V, trong đó có 5 đô thị được nâng loại, 3 đô thị được thành lập mới so với năm 2017. Tỷ lệ đô thị hóa toàn Vùng đạt trên 27,2% tăng 0,7% so với năm 2017.

Thực hiện Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ ĐBSCL: Từ 2001 – 2015 đã hoàn thành 1.082 cụm, tuyến dân cư và bờ bao, bố trí cho gần 192.220 hộ khu vực ngập lũ vào ở. Theo đề nghị của các địa phương, đồng thời triển khai Nghị quyết số 120, Chính phủ đã phê duyệt bổ sung khoảng 130 dự án cho hơn 44.800 hộ dân thuộc các khu vực sạt lở của 6 tỉnh/thành phố để triển khai đến hết năm 2020.

Ngoài ra, còn có Chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công; Chương trình hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo khu vực nông thôn; Chương trình nhà ở xã hội khu vực đô thị, các khu công nghiệp đã hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa hơn hơn 87.100 căn hộ cho các đối tượng chính sách.

Như vậy, các chính sách của Chính phủ về nhà ở vùng ĐBSCL đến nay đã hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa hơn 279.300 căn hộ cho các đối tượng chính sách, đảm bảo chỗ ở cho hơn 1,1 triệu người trong Vùng.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP, thì công tác phát triển cơ sở hạ tầng, đô thị, nhà ở vùng ĐBSCL còn nhiều khó khăn.

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết: “Tỷ lệ đô thị hóa và tốc độ đô thị hóa của Vùng thấp hơn nhiều so với trung bình toàn quốc. Hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn yếu và thiếu đồng bộ; việc thu gom, xử lý CTR, xử lý nước thải chưa có nhiều biến chuyển, tỷ lệ xử lý thấp và hầu hết vẫn đang sử dụng các công nghệ lạc hậu. Việc thực hiện hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng chính sách vùng ĐBSCL còn chậm so với kế hoạch đề ra”.

Nguyên nhân của những hạn chế là do nguồn lực dành cho phát triển cơ sở hạ tầng và nhà ở của vùng ĐBSCL còn rất hạn chế, chủ yếu dựa vào ngân sách, trong khi việc phân bổ, thực hiện đầu tư còn dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm; việc thực hiện xã hội hóa đầu tư và thu hút nguồn lực đầu tư ngoài Nhà nước còn hạn chế.

Tình hình BĐKH, các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt, hạn hán kéo theo tình trạng nhiễm mặn, sụt lún nền đất… diễn biến ngày càng phức tạp, khó đoán định đã tác động ngày càng lớn và tiêu cực đến kết cấu hạ tầng kỹ thuật, gây rất nhiều khó khăn cho triển khai thực hiện quy hoạch và các dự án đầu tư…Việc điều phối, quản lý phát triển toàn Vùng chưa rõ nét.

Để Nghị quyết 120/NQ-CP có có hiệu quả, đi vào cuộc sống như Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ đạo. Về phía Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà khẳng định: “Để tiếp tục phát huy kết quả đạt được, khắc phục các tồn tại, hạn chế và giải quyết hiệu quả các thách thức của việc phát triển cơ sở hạ tầng, đô thị, nhà ở phục vụ phát triển bền vững vùng ĐBSCL, cần thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu là:

Thứ nhất, tiếp tục rà soát các quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch hạ tầng, cập nhật thêm các nội dung cụ thể để đáp ứng các yếu tố đặc thù, phát huy bản sắc ĐBSCL đảm bảo phát triển bền vững, tiết kiệm nguồn lực và thích ứng, thích nghi thuận chiều với các tác động tiêu cực của BĐKH. Trên cơ sở này, xây dựng quy hoạch vùng theo quy định của Luật Quy hoạch để đảm bảo tính tổng thể, thống nhất, liên thông, hiệu quả trong quản lý, điều phối phát triển toàn vùng.

Thứ 2, hoàn chỉnh các khung hướng dẫn, quy chuẩn, tiêu chuẩn cụ thể về đô thị, hạ tầng, đầu tư xây dựng công trình phù hợp với yêu cầu ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Thứ 3, tiếp tục làm rõ mô hình, nội dung, cách thức và tổ chức điều phối phát triển toàn Vùng. Xây dựng chương trình kế hoạch đầu tư phù hợp theo hướng vừa tăng cường thúc đẩy sự hỗ trợ của ngân sách Trung ương trong điều kiện ngân sách của các địa phương trong vùng hiện rất khó khăn, vừa bổ sung một số cơ chế chính sách để huy động các nguồn lực xã hội trong nước và của các tổ chức tài chính quốc tế cho yêu cầu phát triển đô thị, xây dựng hạ tầng và phát triển nhà ở của vùng ĐBSCL”.

Để hoàn thành nhiệm vụ, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà đã kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 2 nội dung cụ thể như: Trên cơ sở tổng kết các chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ ĐBSCL, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng phối hợp với các địa phương lập đề án phát triển nhà ở an toàn thích ứng với cả tình trạng ngập lũ, sạt lở và hạn hán, xâm nhập mặn.

Thủ tướng Chính phủ cho phép nghiên cứu, bổ sung chính sách hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và địa phương có tính vượt trội hơn so với chính sách hiện hành để có thể thực hiện được dự án Cấp nước an toàn vùng ĐBSCL với sự tài trợ của WB (hiện nay, đang trong quá trình lập dự án, tuy nhiên vướng mắc lớn nhất là hầu hết các địa phương trong vùng dự án đều cho rằng với chính sách hỗ trợ hiện nay và điều kiện cụ thể của ngân sách địa phương, các địa phương rất khó để bảo đảm được hiệu quả và trả được nợ vay).

Bộ Xây dựng thấy rằng, cùng với việc phát triển hệ thống đô thị, hệ thống giao thông thì việc thực hiện các dự án về nhà ở an toàn và cấp nước an toàn để chủ động đối phó với các trạng thái cực đoan do BĐKH, nước biển dâng là quan trọng hàng đầu, thúc đẩy sự phát triển bền vững và bảo đảm an sinh xã hội của vùng ĐBSCL.

Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 120, tuy chưa đáp ứng được yêu cầu và mong muốn đề ra, nhưng cũng đã đạt được một số kết quả quan trọng, thể hiện được tinh thần chủ động, tích cực và phối hợp chặt chẽ hơn. Bộ trưởng Phạm Hồng Hà tin tưởng rằng sau Hội nghị này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ có các quyết sách cụ thể tiếp tục giải quyết hiệu quả các thách thức trong phát triển bền vững vùng ĐBSCL và là định hướng để các Bộ, ngành, địa phương trong vùng tiếp tục nỗ lực, cố gắng thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết 120.

BXD