16/02/2016

Bất cập khi dừng sản xuất gạch nung bằng lò cải tiến liên tục kiểu đứng

Ngày 01/11/2012, UBND tỉnh Hải Dương có Quyết định số 2519/QĐ-UBND về việc chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, trong đó có cả lò cải tiến liên tục kiểu đứng trên địa bàn tỉnh Hải Dương từ ngày 01/01/2016.


Lò gạch nung cải tiến liên tục kiểu đứng tại Hải Dương.

Thực hiện quyết định trên, tới cuối tháng 01/2016, phần lớn các lò gạch thủ công trên địa bàn tỉnh đã tạm dừng hoạt động nhưng các chủ hộ sản xuất gạch và Hiệp hội gạch công nghệ lò đứng tỉnh Hải Dương đồng thời có văn bản gửi các ngành chức năng và UBND tỉnh Hải Dương là quyết định hoàn toàn không thỏa đáng.

Lý do được đưa ra là: đồng thời với chủ trương xóa bỏ hơn 500 lò gạch đất sét nung truyền thống trên địa bàn, vào những năm 2004-2006 chính quyền địa phương đã phê duyệt cho các chủ hộ thực hiện dự án đầu tư xây dựng tổng số hơn 130 lò gạch đất sét nung bằng công nghệ cải tiến lò liên tục kiểu đứng, với thời hạn thực hiện là 20 đến 25 năm. Mức vốn đầu tư của mỗi cơ sở sản xuất từ 7 đến 15 tỷ đồng, công suất trên dưới 3 triệu sản phẩm/năm, tạo việc làm cho từ vài chục tới gần trăm lao động.


Mức vốn đầu tư của mỗi cơ sở sản xuất gạch nung này từ 7 đến 15 tỷ đồng.

Công nghệ sản xuất gạch đất sét nung bằng lò cải tiến liên tục kiểu đứng là ứng dụng tiến bộ kỹ thuật do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hải Dương chuyển giao và ngân sách nhà nước hỗ trợ 20 triệu đồng/cặp lò nhằm đạt hiệu suất cao, giảm ô nhiễm môi trường, góp phần phát triển bền vững ở tỉnh Hải Dương.

Trong quá trình sản xuất, các chủ lò gạch đã tích cực cải tiến công nghệ, đưa cơ giới hóa vào những khâu chính của dây chuyền sản xuất. Đặc biệt, các cơ sở sản xuất đã sử dụng các phế liệu trong công nghiệp và nông nghiệp như xỉ than, trấu, mùn cưa… thay thế than cám nên bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường.

Việc phải dừng hoạt động các lò gạch trên từ ngày 01/01/2016 sẽ gây thiệt hại lớn cho các chủ hộ sản xuất bởi chưa thu hồi được vốn đầu tư, lãng phí diện tích đất của dự án đã được phê duyệt 25 năm, còn tồn trên bãi hàng trăm triệu viên gạch mộc chưa nung…

Mặt khác, theo Quyết định số 1469/QĐ-TTg ngày 22/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trong đó ghi rõ sản xuất gạch đất sét nung bằng công nghệ lò liên tục kiểu đứng được phép hoạt động đến năm 2018, với các huyện miền núi được hoạt động đến năm 2020.

Xuân Sơn/Báo Xây dựng