06/05/2019

Bao giờ tu bổ di tích Chùa Cầu?

Xuống cấp nghiêm trọng và đã có nhiều cuộc hội thảo tìm giải pháp, nhưng việc trùng tu di tích Chùa Cầu (TP.Hội An, Quảng Nam) vẫn đang gặp khó, như một dự án ‘treo’.

Trải qua nhiều lần trùng tu, di sản văn hóa Chùa Cầu hiện vẫn xuống cấp trầm trọng: mố cầu, trụ cầu bị nứt, nhiều cột và kèo có dấu hiệu hư hỏng. Những tác động từ bên ngoài như dòng chảy của nước, bão lụt càng phương hại đến Chùa Cầu. Trước tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, những ngày qua các cán bộ, nhân viên Trung tâm quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An đã phải lội xuống gầm di tích để kê giá gỗ, chống đỡ tạm thời…
chitichchuacau_ggys
Hồi tháng 8.2016, UBND tỉnh Quảng Nam và TP.Hội An tổ chức hội thảo quốc tế về bảo tồn, trùng tu Chùa Cầu với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học, cơ quan quản lý của VN và Nhật Bản. Nhiều quan điểm, giải pháp được đưa ra, nhưng hội thảo không thống nhất được một giải pháp cụ thể…

Nhận diện nguy cơ lần cuối

Ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Trung tâm quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, cho hay mỗi ngày trung bình có hàng ngàn lượt khách qua lại tham quan Chùa Cầu nên mức độ xuống cấp của di tích nặng dần. Hiện trung tâm đã cho chống đỡ tạm thời, chờ chủ trương mới lập dự án, rồi lấy ý kiến các bên, ý kiến thẩm định của cơ quan chức năng…, sau đó mới tính đến chuyện tu bổ. “Giải pháp tu bổ thì cần phải nghiên cứu kỹ càng và thống nhất. Di tích “già nua” thì phải xuống cấp thôi, biết làm sao được. Điều quan trọng là làm sao để có cách thức trùng tu, bảo tồn. Mình là đơn vị trực tiếp quản lý, thấy xuống cấp cũng nóng hết cả gan ruột”, ông Trung nói.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó chủ tịch UBND TP.Hội An, cho rằng Chùa Cầu là di tích quốc gia đặc biệt, vì thế cần có sự đồng nhất giữa các cơ quan về việc bảo tồn, trùng tu. Từ năm 2016 đến nay, địa phương buộc phải lập phương án hạn chế lượng du khách tham quan nhằm giảm tải cho Chùa Cầu. Mỗi đoàn khách lên cầu không quá 20 người. Trước mắt, TP.Hội An xây một cầu tạm để chia sẻ lượng khách qua lại Chùa Cầu, đồng thời ngăn hai đầu cầu không cho xe đạp, xích lô… đi qua. Khi có mưa lũ, di tích sẽ lại được gia cố, chống đỡ phần móng.
Theo ông Sơn, nhiều nhà khoa học đề xuất nên hạ giải toàn bộ công trình, đánh dấu từng cấu kiện rồi cái nào hư sẽ thay, cái nào còn tốt thì lắp lại. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng nếu tháo bung ra thì sẽ hư hỏng. Hiện tại, vẫn có 2 luồng ý kiến tranh cãi (hạ giải toàn phần hay từng phần), nên chưa thống nhất được phương thức trùng tu. “Nếu không tháo ra thì không thể trùng tu một cách triệt để được. Vướng mắc chủ yếu là chưa thể lập được phương án trùng tu. Cuối năm nay, tỉnh Quảng Nam và TP.Hội An sẽ tổ chức hội thảo lần cuối để nhận diện cho được nguy cơ cũng như xác định cho được phương thức trùng tu. Giờ thì nhạy cảm quá, làm theo phương thức nào cũng bị nói nên việc tu bổ rất khó khăn”, ông Sơn nói.
chitichchuacau1_bpci

“Vướng” dự án cũ

Ông Nguyễn Chí Trung cho biết TP.Hội An đã 2 lần đề xuất UBND tỉnh Quảng Nam cho ý kiến cụ thể về dự án trùng tu, nhưng đến nay chưa nhận được phản hồi. “Muốn làm dự án trùng tu, tỉnh phải “quyết” giao cho ai. Nếu cấp tỉnh không tiếp tục làm thì đề xuất giao cho phía Hội An và bàn giao dự án cũ”, ông Trung nói. Đáng nói, dự án trùng tu thượng bộ Chùa Cầu do phía TP.Hội An đang xử lý hiện gặp khó bởi dự án cũ (tu bổ, tôn tạo di tích Lai Viễn kiều), do trùng hạng mục tu bổ phần cầu và chùa. Dù hạng mục này chưa thực hiện, nhưng dự án cũ phải quyết toán thì mới triển khai dự án mới.
Trả lời Thanh Niên hôm qua 5/5, ông Phan Văn Cẩm, Giám đốc Trung tâm quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam, xác nhận dự án tu bổ, tôn tạo di tích Lai Viễn kiều (Chùa Cầu) hiện vẫn còn một số vướng mắc. Có tổng giá trị hơn 14,7 tỉ đồng, dự án từng được giao cho Trung tâm bảo tồn di sản di tích Quảng Nam (nay là Trung tâm quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam) làm chủ đầu tư từ năm 2004. Có nhiều hạng mục liên quan, như cải tạo lòng sông An Hội (đoạn phía trước Chùa Cầu), hồ điều hòa, hành lang thoát lũ, cấp điện, giao thông, cảnh quan, bổ sung hệ thống cấp nước từ sông Hoài…, đặc biệt là tu bổ phần cầu và chùa.
Nhiều hạng mục bằng gỗ hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng

Nhiều hạng mục bằng gỗ hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng

Sau năm 2009, gói thầu xử lý môi trường đã hoàn tất, trong khi 2 gói thầu thực hiện trước năm 2009 (khi còn Trung tâm bảo tồn di sản di tích Quảng Nam) là hồ điều hòa, hệ thống điện chiếu sáng thì trục trặc. Khó khăn hiện nay của trung tâm là kết nối với các đơn vị thi công cũ, khi nhiều đơn vị không còn ở địa bàn. Sau gần 1 năm đốc thúc, hiện gói thầu hệ thống điện chiếu sáng hoàn tất 90% hồ sơ (còn thiếu bản vẽ hoàn công), gói hồ điều hòa đạt 60%. “Chúng tôi đang dự tính trình UBND tỉnh xin quyết toán theo thực tế”, ông Cẩm nói.
Đáng chú ý, từ năm 2014, Trung tâm quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam đã gửi tờ trình đến UBND tỉnh Quảng Nam, Sở KH-ĐT xin kết thúc dự án và nêu rõ kinh phí còn gần 1,6 tỉ đồng do chưa thực hiện tu bổ phần cầu và chùa. Trung tâm đưa ra một số lý do chưa tu bổ, gồm: cần mở hội thảo tranh thủ ý kiến chuyên gia vì Chùa Cầu là cây cầu cổ duy nhất còn lại ở Hội An; việc tu bổ thượng hạ bộ Chùa Cầu chưa có giải pháp kỹ thuật hữu hiệu; vừa tu bổ vừa kết hợp phục vụ du lịch; khó khăn về nguồn vốn (từ Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa)…
Việc “tắc nghẽn” trong dự án tu bổ Chùa Cầu, về giải pháp lẫn những trục trặc liên quan đến hồ sơ quyết toán, đã khiến di tích xuống cấp nặng mà vẫn đành tiếp tục chờ.
Việc tu sửa không quá khó
Nguyên tắc kiến trúc gỗ là phải hạ giải rồi mới khám bệnh được. Gỗ mấy chục năm, hàng trăm năm thì có cái phải thay. Với Chùa Cầu, người Nhật đã thuê đo mố cầu, kẽ nứt, dòng chảy. Họ bảo phải dỡ. Mố cầu phải xây lại, nếu không gia cố thì sập mố cầu, thì cả cái cầu cũng đi theo. Giờ phải đưa ra phương án hạ giải, tu bổ, gia cố, tái định vị, hoàn thiện để làm.
GS Đặng Văn Bài,
Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa VN
Việc hạ giải cũng không nhạy cảm như người ta nghĩ. Chùa Cầu là một công trình biểu tượng của Hội An, nó cũng giống như Văn Miếu hay chùa Một Cột với Hà Nội, như Ngọ Môn hay Điện Thái Hòa ở kinh thành Huế… Tất cả những công trình đều là biểu tượng thu hút khách tham quan, đến khi hư hỏng, tình trạng kỹ thuật kém thì người ta phải tu sửa.
Bộ khung bằng gỗ của chùa, tuy là loại hình tương đối đặc biệt là cầu chùa, nhưng cấu trúc gỗ đơn giản thôi. Quan điểm bảo tồn, kể cả người Nhật cũng làm là hỏng đâu sửa đấy. Tình trạng của chùa, loại hình kiến trúc với tình trạng kỹ thuật của nó bây giờ, việc tu sửa rất khả thi.
TS Hoàng Đạo Cương,
Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích
Nguyễn Kiều Trinh/Báo Thanh Niên