08/08/2017

Bài toán quy hoạch – giải pháp tối ưu sống chung với lũ

Một trong những tâm điểm thời sự vừa qua là trận lũ quét tại các tỉnh miền núi phía Bắc gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Đã có 23 người thiệt mạng, hơn 80 người mất tích và bị thương, 228 căn nhà bị cuốn trôi, 377 hộ dân phải đi sơ tán và hơn 266 ha lúa bị thiệt hại. Hàng chục km đường giao thông và thủy lợi bị hư hỏng.


Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai tại huyện Mù Cang Chải – Yên Bái.

Hơn bao giờ hết, vấn đề giải pháp sống chung với lũ lại được các cấp thẩm quyền ưu tiên bàn đến.

“Đặc sản” lũ

Việt Nam có 4 vùng lũ lụt điển hình: đồng bằng và trung du Bắc Bộ chịu tác động chủ yếu của lũ, úng, nước biển dâng. Hệ thống đê sông, đê biển và nhiều công trình phòng lũ khác hồ chứa, công trình phân lũ, chậm lũ… đã và đang bảo vệ cho đồng bằng ngày một an toàn hơn.

Lũ lụt Đồng bằng sông Cửu Long hàng năm gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Lụt kéo dài từ 3 – 5 tháng trên diện rộng 2/3 diện tích. Phương châm “chung sống với lũ lụt” một cách tích cực, chủ động đã và đang thực thi hàng loạt biện pháp công trình và phi công trình một cách đồng bộ để tiến tới chế ngự dần dần mặt hại, phát huy mặt lợi của lũ lụt. Tuy vậy, tình hình lũ lụt lớn, lũ kết hợp với triều cường vẫn còn là vấn đề hết sức phức tạp

Miền Trung luôn đối mặt trực tiếp với lũ lụt, sau đó là bão và nước biển dâng. Tại vùng này lũ lụt lớn thường đi ngay sau mưa lớn, bão, áp thấp nhiệt đới, xảy ra liên tiếp và trên diện rộng, bao trùm một số tỉnh hoặc hầu như trên toàn miền. Lũ tập trung rất nhanh về hạ lưu vốn là vùng trũng thấp, thoát lũ kém, gây lụt nhiều. Lũ các sông miền Trung là loại lũ quét ác liệt, lên nhanh và xuống nhanh, diễn ra trong thời gian ngắn. Thuỷ triều và nước biển dâng cũng có tác động nhất định đến gia tăng tình hình ngập lụt ở vùng này.

Miền núi và các tỉnh vùng Tây Nguyên thường chịu tác động của lũ quét và lũ lớn trên các sông chính. Sự phát triển kinh tế – xã hội một cách mạnh mẽ làm lũ quét xảy ra thường xuyên và phổ biến hơn, gây thiệt hại càng lớn. Lũ quét, lũ lớn trên các sông chính có thể làm ngập các vùng trũng ven sông, các thị trấn thị xã ở Tuyên Quang, Yên Bái, Hà Giang, KonTum, Hoà Bình… và nhiều thị trấn, trung tâm dân cư khác trên vùng núi và cao nguyên.

Bên cạnh đó là quá trình đô thị hoá mạnh mẽ đã gây ra lũ lụt ở các đô thị. Lũ lụt ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Nam Định, Hải Phòng… cho ta thấy rõ nguyên nhân chủ yếu gây ngập lụt không phải là nước lũ mà do mưa lớn, cường độ lớn, tập trung trong thời gian ngắn tạo lượng nước mặt vượt quá khả năng chứa của các hồ điều hoà và tiêu thoát của hệ thống kênh, cống ngầm tiêu thoát nước đô thị.


Mưa lũ hàng năm gây thiệt hại về người và tài sản.

Quy hoạch khu dân cư không ngập úng

Do đặc điểm của địa hình Việt Nam và tình hình thiên tai thường xảy ra trên lãnh thổ nước ta đặc biệt là lũ lụt nên trong công tác quy hoạch xây dựng đô thị và các điểm dân cư nông thôn luôn phải đề cập và xem xét kỹ vấn đề này để sao cho các khu đất dự kiến quy hoạch không được ngập úng do lũ lụt, mưa lớn và không bị ảnh hưởng của thiên tai.

Đối với từng vùng bị ảnh hưởng của lũ lụt khác nhau sẽ có giải pháp khác nhau.

Các đô thị như Bắc Giang ven sông Thương, Bắc Ninh ven sông Cầu, Hưng Yên ven sông Hồng, Phủ Lý ven sông Đáy… đều có đê cấp quốc gia bảo vệ, chống được lũ với tần suất P= 15. Xong về mùa mưa lũ mực nước các sông này đều cao hơn nền do vậy cao độ của các thị xã này đều chọn cao hơn mức nước max nội đồng. Tại các thị xã này hệ thống thoát nước đô thị đều phải kết hợp xây dựng các hồ chứa, trạm bơm tiêu úng kết hợp tiêu nước đô thị và tiêu cho đồng ruộng

TP. Hà Nội nằm ven sông Hồng, về mùa lũ mực nước sông Hồng thường ở trên báo động cấp II > 10,5m; cấp III 11,5m trong khi nền thành phố xây dựng phổ biến 6 – 7m. Chính vì vậy TP. Hà Nội được bảo vệ bằng hệ thống đê quốc gia chống được lũ với tần suất P= 1% cao trình mặt đê 14 – 14,5m. Để tiêu úng cho Hà Nội, quy hoạch thoát nước đã đề ra biện pháp sau: toàn bộ TP Hà Nội tiêu theo các con sông Kim Ngưu, Lừ, Sét, Tô Lịch và thoát vào sông Nhuệ qua đập Thanh Liệt. Khi mực nước sông Nhuệ dưới đập Thanh Liệt thấp < 4,0m hệ thống sẽ tiêu tự chảy; khi cao > 4,0m toàn bộ nước mưa được đưa về hồ Yên Sở và bơm qua đề sông Hồng. Diện tích hồ đầu mối Yên Sở 130 ha, công suất trạm bơm 90m³/s. Các trục tiêu lớn, hồ chứa đã được nạo vét, kè. Nhìn chung việc thoát nước cho Hà Nội đã được cải thiện đáng kể, tuy vậy khi mưa lớn > 150mm vẫn còn một số điểm bị ngập úng

Các đô thị miền Trung du Bắc Bộ như Thái Nguyên, Việt Trì cũng bị ảnh hưởng của lũ lụt một vài năm, tuy mức độ không lớn. TP Thái Nguyên được xây dựng ở các sườn đồi trên cao độ > 29m và một số thung lũng ở cao độ 27- 28m. Khi gặp các trận lũ lớn > 28m các khu dân cư và ruộng vườn ở thung lũng bị ngập từ 1 – 3m. Hiện TP Thái Nguyên chưa có đê bảo vệ.

Với độ cao địa hình thấp so với mực nước biển, hệ thống sông, kênh rạch chẳng chịt có 3 mặt giáp biển, các yêu cầu trong công tác quy hoạch phòng chống lũ lụt cho các đô thị của vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng mang sắc thái riêng: không xây dựng trung tâm đô thị và khu dân cư sát bờ sông để tránh sạt lở; khuyến khích xây dựng nhà cao tầng để đảm bảo tiết kiệm đất và bảo vệ chống lũ.

Đáng lưu ý nhất phải kể đến vùng Trung bộ. Với đặc thù địa hình chia cắt mạnh, sông suối ngắn và dốc, chịu ảnh hưởng của khí hậu Đông Trường Sơn nên thiên tai lũ lụt ở đây rất khốc liệt, thường để lại hậu quả nặng nề. Các dạng lũ điển hình là lũ quét, lũ sông với tốc độ nhanh và mạnh, lũ rút cũng nhanh, tại các vùng đồng bằng nhỏ hẹp ven biển và cửa sông thì thường bị ngập dài ngày hơn .

Hiện tại, các đô thị như Thanh Hoá, Vinh tuy nằm cạnh sông Mã, sông Lam nhưng cũng không bị lũ lụt uy hiếp do Thanh Hoá đã có đê sông Mã bảo vệ và đập bến Ngự đã ngăn được lũ sông Mã, lũ sông Mã max tại Hàm Rồng là 5,85m, cao trình đê > 7m, nền thành phố ở cao độ trung bình 4 – 4,5m, nếu không có đập bến Ngự ngăn lũ thì Thanh Hoá hàng năm sẽ bị ngập từ 1,5 – 2m về mùa lũ. Cũng tương tự như thế TP Vinh đã được bảo vệ nhờ tuyến đê sông Lam từ cảng Bến Thuỷ đến Cửa Hội và đập Bến Thuỷ ngăn lũ nên thành phố chỉ bị ngập úng cục bộ khi mưa to và do hệ thống thoát nước đô thị chưa hoàn chỉnh

Để chống lũ cho TP Huế phải trông vào việc xây dựng hồ đầu nguồn ở Dương Hoà trên sông Tả Trạch. Hiện nay khi chưa có hồ đầu nguồn, thành phố Huế phải có phương án sống chung với lũ: trong nội thành các công trình xây dựng mới sẽ tôn nền cục bộ ở cao độ > 3,8m. Các khu ven đô phải chấp nhận úng ngập 0,5m trong thời gian ngắn, nếu xây dựng các công trình mới cao độ chọn > 3,0m.

Với sự quan tâm đầu tư ngày càng cao về nhân tài vật lực của Nhà nước và truyền thống sáng tạo của toàn dân chắc chắn chúng ta sẽ từng bước chủ động phòng chống và hạn chế được những tổn thất do thiên tai gây ra.

Các giải pháp phòng chống thiên tai, ngập lụt trong công tác quy hoạch, cụ thể là:

+Chọn đất xây dựng hợp lý

+ Chọn cao độ xây dựng khống chế cho đô thị chuẩn xác

+ Thiết kế hệ thống tiêu thoát nước đô thị hợp lý

+ Các công tác khác: phòng chống sụt lở, xói mòn, động đất… bằng hình thức cảnh báo để có phương án xử lý

+ Kết hợp chặt chẽ với quy hoạch thuỷ lợi để đề xuất các công trình đầu mối nhằm phòng chống thiên tai thật hiệu quả và kết hợp phương án tiêu cho đô thị với tiêu thuỷ lợi.

PV