29/03/2016

Bà Rịa Vũng Tàu: Tăng tỷ lệ sử dụng vật liệu không nung trong xây dựng

Các năm gần đây, nhiều công trình nhà ở trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các dự án đầu tư địa ốc của các DN kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản đã sử dụng vật liệu xây không nung (VLXKN). Điều này thể hiện ý thức của DN trong việc thực hiện chủ trương của Nhà nước về tỷ lệ sử dụng VLXKN cho các công trình xây dựng.

Trường THCS Châu Thành (phường 1, TP.Vũng Tàu) là công trình được xây dựng bằng các loại gạch không nung, vừa hoàn thành đưa vào sử dụng năm học 2015 - 2016. Ảnh: MỸ LƯƠNG

Trường THCS Châu Thành (phường 1, TP.Vũng Tàu) là công trình được xây dựng bằng các loại gạch không nung, vừa hoàn thành đưa vào sử dụng năm học 2015 – 2016. Ảnh: MỸ LƯƠNG

Ông Tạ Quốc Trưởng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, từ ngày 6 – 4 đến 14 – 9- 2016, Sở Xây dựng sẽ kiểm tra các cơ sở khai thác, chế biến và sản xuất VLXD trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh các nội dung kiểm tra về điều kiện năng lực hoạt động của các đơn vị sản xuất VLXD; chất lượng sản phẩm, Sở Xây dựng cũng sẽ khuyến khích các DN đẩy mạnh sản xuất VLXKN theo Thông tư 09/2012/TT-BXD của Bộ Xây dựng về sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng.

Theo quy định tại Thông tư 09, từ ngày 15-1-2013, các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước bắt buộc phải sử dụng VLXKN theo lộ trình như sau: Tại các đô thị loại 3 trở lên phải sử dụng 100% VLXKN. Tại các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 50% VLXKN đến hết năm 2015, sau năm 2015 phải sử dụng 100%. Các công trình xây dựng từ 9 tầng trở lên không phân biệt nguồn vốn, đến hết năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 30% VLXKN, sau năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 50% VLXKN.

Chung cư 197B Nam Kỳ Khởi Nghĩa, TP.Vũng Tàu là một công trình địa ốc sử dụng VLXKN với tỷ lệ cao trong thi công xây dựng. Ảnh: MỸ PHƯƠNG
Chung cư 197B Nam Kỳ Khởi Nghĩa, TP.Vũng Tàu là một công trình địa ốc sử dụng VLXKN với tỷ lệ cao trong thi công xây dựng. Ảnh: MỸ PHƯƠNG

Thực hiện lộ trình này, thời gian qua, UBND tỉnh đã có các văn bản yêu cầu các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khi thẩm tra, thẩm định các dự án đầu tư xây dựng công trình; thẩm định hồ sơ đề nghị cấp phép xây dựng phải bảo đảm việc sử dụng VLXKN theo đúng các quy định hiện hành. Nhờ vậy, đến nay, đã có nhiều công trình xây dựng lớn trên địa bàn tỉnh đã sử dụng VLXKN chiếm tỷ lệ cao trong thi công như: Trung tâm Hành chính – Chính trị tỉnh, Trung tâm Hành chính huyện Đất Đỏ; Trường THCS Châu Thành, Trường MN Nắng Hồng (TP.Vũng Tàu); khu chung cư 197B Nam Kỳ Khởi Nghĩa, chung cư Bình Giã, chung cư Bình An (TP.Vũng Tàu) do Công ty CP Phát triển Nhà làm chủ đầu tư; một số công trình công cộng sử dụng gạch không nung (Terrazzo) để lát nền như: công viên Bãi Trước, công viên Lê Lợi, vỉa hè đường Hoàng Diệu, Đồng Khởi, Nguyễn Du… (TP. Vũng Tàu), công viên Lê Thành Duy, vỉa hè đường 27/4, Huỳnh Ngọc Hay, Cách Mạng Tháng Tám… (TP. Bà Rịa).

Ông Phạm Đăng Lâm, Giám đốc Công ty CP VLXD DIC cho biết, các loại gạch 4 lỗ, gạch thẻ dùng trong xây dựng thường là gạch nung bằng lò đốt củi, gỗ, than bùn, than đá. Phương thức sản xuất này có nhiều tác động không tốt đến việc bảo vệ rừng, tài nguyên khoáng sản, môi trường… Vì vậy, công ty xác định việc tăng tỷ lệ sử dụng VLXKN trong xây dựng là xu thế tất yếu trong thời gian tới. Hiện nay, công ty đang sản xuất gạch lát nền Terrazzo theo công nghệ Italia có công suất 15.000m2/tháng, gạch bê tông cốt liệu (gạch block) 10 triệu viên/năm, đá xây dựng các loại và một số sản phẩm xây dựng khác thân thiện với môi trường. Các sản phẩm do công ty sản xuất đều đã được chứng nhận hợp quy. “Chúng tôi cũng mong muốn các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý các đơn vị sản xuất VLXD không bảo đảm chất lượng, nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các DN, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng”, ông Lâm đề nghị.

Theo Báo Vũng tàu