14/07/2020

4 câu hỏi liên quan đến chủ đề phát triển kinh tế đô thị ven biển

(TCKTVN 228) – Đặt vấn đề thảo luận về quy hoạch, định hướng phát triển kinh tế các không gian ven biển và rộng hơn là vùng biển, đảo, bờ biển Việt Nam lúc này là cần thiết. Tuy nhiên, trước khi bước vào một chặng đường mới, chúng ta cần nhìn nhận lại thực trạng tồn tại để có những hành động thiết thực cho chiến lược phát triển mới. Những hệ lụy gì đằng sau việc phát triển kinh tế/đô thị ven biển “nóng” giai đoạn vừa qua?

KTS Trần Huy Ánh đã đặt ra những câu hỏi cần được xem xét một cách nghiêm túc. Theo KTS, lúc này không phải là thời điểm phát triển khai thác nhiều hơn, nhanh hơn mà cần tiến hành giám sát đánh giá các dự án đã và đang triển khai, dựa trên các nguyên tắc lý luận về “quản lý tổng hợp dải ven bờ” (Integrated Coastal Zone Management – ICZM) để đảm bảo phát triển bền vững.

Phú Quốc 3 (1)

Phu Quoc Resort – Nguồn ảnh: Doãn Đức

Câu hỏi 1: Khai thác ven biển: Cần kiểm toán các dự án đã có hay cần sáng kiến phát triển thêm ?

Khai thác không gian ven biển đã có lịch sử phát triển gần 40 năm nay, từ 1980-1990, Quảng Ninh đã nổi lên sáng kiến dùng phế thải khai thác than để san lấp bờ biển, mở rộng mặt bằng khai thác thương mại. Ngày nay, dọc theo chiều dài 3.000 km bờ biển, đã lan ra các đảo của nhiều địa phương có bờ biển với nội dung chung: “Khai thác thế mạnh địa phương có bờ biển để xây dựng cảng biển nhằm phát triển kinh tế xuất khẩu, khu công nghiệp, du lịch, đô thị sinh thái nghỉ dưỡng, hậu cần nghề cá, chế biến hải sản…”.

Khai thác không gian ven biển: Kiểm toán các dự  án hay thêm viễn cảnh mới? - Nguồn ảnh: Tác giả

Khai thác không gian ven biển: Kiểm toán các dự án hay thêm viễn cảnh mới? – Nguồn ảnh: Tác giả

Ví dụ, Quy hoạch phát triển KT-XH tỉnh Hà Tĩnh: Biều đồ mũi tên tiến lên cao mô tả tăng trưởng từng giai đoạn, vừa nấu thép ven biển lại vừa bảo vệ môi trường. Định hướng chung là như thế nhưng không chỉ ra được cách nào để giải quyết ô nhiễm môi trường như thu gom xử lý rác thải rắn, nước thải độc hại, khí thải từ công nghiệp. Không biết thép Hà Tĩnh đã xuất khẩu tới đâu, nhưng cá chết do ô nhiễm nước biển, bờ biển lở loét nham nhở thì nhìn thấy rõ như ban ngày.

Từ lộ trình phát triển của các quốc gia phát triển mà có biển, người ta đã rút ra kinh nghiệm là nên ưu tiên phát triển trước vùng ven biển để làm cơ sở phát triển tiếp ra không gian biển và vùng xa biển. Điều này dễ thấy vì lợi thế tận dụng được nguồn tài nguyên biển rất phong phú để phát triển các ngành kinh tế biển như giao thông vận tải biển, du lịch biển, nuôi trồng và đánh bắt hải sản, khai thác khoáng sản biển, phát triển năng lượng từ biển,…

Mặt khác, vùng ven biển lại là vùng có độ nhạy cảm rất cao về ô nhiễm môi trường và hứng chịu tai biến thiên nhiên. Rác thải nhựa dồn về biển là một ví dụ về thảm họa môi trường biển hay tai biến kép động đất – sóng thần tại Fukushima, Nhật Bản đã gây ra thảm họa hạt nhân từ nhà máy điện hạt nhân là những ví dụ điển hình. Vì vậy, các nhà hoạch định chính sách trên thế giới đã đưa ra lý luận về “quản lý tổng hợp dải ven bờ” (Integrated Coastal Zone Management – ICZM). Đây là giải pháp quản lý phù hợp đối với vùng ven bờ biển nhằm phát triển mạnh về kinh tế nhưng vẫn bảo đảm bền vững cả về xã hội lẫn môi trường.

Câu hỏi 2: Quy hoạch xây dựng gắn với bảo vệ môi trường để làm gì?

Không gian ven biển: Bảo tồn thiên nhiên hay tàn phá môi trường?  Nguồn ảnh: Tác giả

Không gian ven biển: Bảo tồn thiên nhiên hay tàn phá môi trường?
Nguồn ảnh: Tác giả

Quảng Ninh đã bỏ ra hàng triệu USD để thuê tư vấn cả trong và ngoài nước lập quy hoạch các loại phục vụ cho phát triển bền vững. Nhưng trong suốt chiều dài hơn 340km bờ biển, người ta vẫn bố trí đủ các loại dự án BĐS nhà ở xây dựng tại bất cứ chỗ nào còn đất trống; Hàng loạt nhà máy nhiệt điện, xi măng, sản xuất thép, vật liệu xây dựng, hóa chất, khai khoáng,… kế cận với di sản thiên nhiên và khu dân cư. Các công trình không tương tác thúc đẩy nhau mà còn loại trừ, triệt tiêu nhau. Quảng Ninh xây cảng biển nhưng đường sắt không tiếp cận; Xây khu công nghiệp hàng hải ven biển nhưng không ai vào nên lại đổi thành nhà máy may dệt nhuộm. Tuy vậy, vẫn còn may hơn nhà máy thép ngàn tỷ nhưng làm xong mà vẫn đắp chiếu. Có dự án 15 tỷ USD của 5 ông lớn tham gia nhưng nay vỡ trận, những tòa nhà văn phòng dang dở, khu đô thị không người… Vậy thuê nước ngoài lập quy hoạch xây dựng để làm gì?

San lấp biển, đảo để tạo ra vùng đất mới, cũng là hủy hoại hơn 200km2 hệ sinh thái tự nhiên ven biển; Nhiều nhà máy gây ô nhiễm tại địa phương và phát tán sang các địa phương khác; Núi phế thải hàng triệu tấn lơ lửng trên núi cao… tất cả đều không có giải pháp xử lý. Vậy chi ra khoản tiền lớn thuê tư vấn nước ngoài quy hoạch bảo vệ môi trường để làm gì?

Một cụm từ “tư vấn nước ngoài” chưa nói lên điều gì cả, chắc gì đã hơn tư vấn trong nước. Thực chất là lựa chọn tư vấn nào? Nghiệp vụ có cao hay không? Tư vấn là người đưa ra ý kiến, nhưng người nghe để chấp thuận hay phản bác mới là yếu tố quan trọng hơn. Có khi tư vấn đưa ra ý kiến hay, cơ quan quản lý chấp nhận, nhưng khi thực hiện lại liên tục điều chỉnh cho phù hợp thực tiễn.

Một sự điều chỉnh bất hợp lý có thể gạch bỏ cả một bản quy hoạch hợp lý. Thế là phí cả một kịch bản phát triển tốt. Bên cạnh đó, có khi thuê phải nhiều tư vấn tồi, đi theo lợi ích nhóm. Đối với phát triển dải ven bờ, kể cả tư vấn và nhà quản lý phát triển đều phải thuộc lòng các nguyên tắc quản lý tổng hợp dải ven bờ (ICZM) vì đó là ngôn ngữ chung để phát triển bền vững vùng ven biển và vùng biển.

Câu hỏi 3: Đào non lấp biển tràn lan để kinh doanh bất động sản ven biển có phải là phát huy thế mạnh địa phương?

Không gian ven biển: Có cần đẩy mạnh đào non lấp biển? - Nguồn ảnh: Tác giả

Không gian ven biển: Có cần đẩy mạnh đào non lấp biển? – Nguồn ảnh: Tác giả

Tại Nha Trang, cả vùng thảm xanh, đồi núi ven biển bị đào bới, đất đá đổ ra san lấp bờ biển đảo quy mô lớn, dẫn đến hủy hoại hệ sinh thái biển và gây sạt lở bờ biển rất nguy hiểm cho khu dân cư. Khai thác thô bạo không gian ven biển đang là cơ hội phát triển kinh tế hay nguy cơ đe dọa cuộc sống của con người và hệ sinh thái địa phương?

Xu hướng này tạo nên từ giải pháp lấp đất mặt nước để xây dựng BĐS nhà ở, lấp hết ao, hồ, sông, ngòi thì người ta lấp đến biển. Các nhà đầu tư thích làm cách này vì chi phí đất đai thấp mà tạo được giá trị nhà cao (vì vị trí quá đẹp), ở nhà mà như ở khách sạn cao cấp. Thực chất, đây là giải pháp phục vụ lợi ích của tư nhân, có thể là lợi ích nhóm. Vì lợi ích vài đồng trước mắt mà có thể phá hủy cả một hệ sinh thái ven biển.

Vậy thì khi nào có thể chấp nhận một dự án phát triển dựa vào lấp biển ven bờ là một câu hỏi lớn được đặt ra. Lúc này, câu trả lời lại phải dựa vào các nguyên tắc của quản lý tổng hợp dải ven bờ (ICZM), phát triển BĐS nhưng không hủy hoại hệ sinh thái, không làm bất ổn định xã hội và không gây ô nhiễm môi trường.

Câu hỏi 4: Nguồn nhân lực nào bảo vệ biển đảo an toàn và bền vững?

Có thêm một dự án BĐS hay khu công nghiệp, hay một cảng biển cũng đồng thời là những làng chài, bến cá tồn tại hàng trăm năm phải di dời… Đà Nẵng đã xây chung cư cao tầng cho ngư dân cách xa bờ biển hàng cây số, bến cá, làng chài xưa thành BĐS ven biển. Tại Sầm Sơn, Thanh Hóa cũng vậy, người dân phải khiếu nại đông người lên tới Bí thư Tỉnh mới giữ lại được một mẩu làng chài xưa. Nội dung ở trên nói nhiều về yêu cầu bền vững môi trường. Bền vững xã hội cũng là một yếu tố có độ quan trọng tương đương. Những người dân chài nghèo sinh sống bằng nghề chài lưới hay nuôi trồng thủy sản trong vùng nước nông là một yếu tố xã hội quan trọng của dải ven bờ.

Người dân khá giả hơn có tàu đánh cá vùng khơi xa, hay nuôi trồng hải sản vùng biển xa. Người dân mới là lực lượng chủ đạo ra khơi, bám biển, mang theo lá cờ Tổ quốc khẳng định chủ quyền. Dân của mọi quốc gia biển, đảo đều là lực lượng chủ chốt làm chủ biển đảo, phát triển kinh tế biển đảo, kể cả phát triển kinh doanh BĐS tại các đô thị biển.

Không gian ven biển: Nguồn lực nào để bảo vệ vùng biển lâu dài?   Nguồn ảnh: Tác giả

Không gian ven biển: Nguồn lực nào để bảo vệ vùng biển lâu dài?
Nguồn ảnh: Tác giả

Kết luận

Trong 40 năm trở lại đây (1980-2020), đặc biệt 20 năm (2000-2020), hầu hết các không gian ven biển Việt Nam đã được các địa phương đưa vào khai thác, phần lớn là khai thác tùy tiện/lãng phí. Do vậy, lúc này không phải là thời điểm phát triển khai thác nhiều hơn, nhanh hơn mà cần tiến hành giám sát đánh giá các dự án đã và đang triển khai, dựa trên các nguyên tắc lý luận về “quản lý tổng hợp dải ven bờ” (Integrated Coastal Zone Management – ICZM). Đây là giải pháp quản lý phù hợp đối với vùng ven bờ biển nhằm phát triển mạnh về kinh tế nhưng vẫn bảo đảm bền vững cả về xã hội lẫn môi trường. Ngay từ đầu năm 2020, cả nước đã và đang phải đối mặt với những thách thức lớn của quá trình biến đổi khí hậu, gây tác hại nghiêm trọng tới nhiều vùng, đặc biệt vùng ven biển. Đặc biệt, năm 2020 cả nước tiến hành lập Quy hoạch giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 theo Luật Quy hoạch 2017, Bộ TNMT được giao là đơn vị tiên phong thực hiện lập Quy hoạch không gian biển quốc gia và Quy hoạch sử dụng đất quốc gia. Hy vọng trong thời gian tới có nhiều thông tin liên quan để các chuyên gia/cộng đồng xã hội có cơ sở đóng góp thêm. /.

KTS Trần Huy Ánh

Tag: hướng biển, kts trần huy ánh, tcktvn,