04/01/2016

3 nhóm giải pháp phát triển vật liệu xây không nung

Năm 2015, mặc dù tình hình sản xuất và tiêu thụ vật liệu xây không nung đã có những khởi sắc, nhưng để đạt được mục tiêu về bảo vệ tài nguyên không thể tái tạo và hạn chế đến mức thấp nhất ô nhiễm môi trường thì cần phải có những giải pháp đồng bộ hơn nữa. Đầu Xuân 2016, ông Lê Văn Tới – Vụ trưởng Vụ VLXD (Bộ Xây dựng) chia sẻ với Báo Xây dựng xung quanh vấn đề này.


Ông Lê Văn Tới – Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng – Bộ Xây dựng.

Xin ông cho biết năm 2015 vừa qua, tình hình sản xuất và tiêu thụ VLXD nói chung, vật liệu xây không nung (VLXKN) nói riêng diễn ra như thế nào?

– Năm 2015 kinh tế tiếp tục phục hồi, tăng trưởng cao hơn kế hoạch đề ra. Trong bối cảnh đó, ngành sản xuất VLXD cũng đã có sự cải thiện đáng kể. Tiêu thụ sản phẩm 11 tháng năm 2015 cho thấy, hầu hết các sản phẩm VLXD đều tăng từ 5 – 10% so với cùng kỳ năm trước (trừ sản phẩm gạch đất sét nung – giảm 3% so với cùng kỳ năm trước).

Đến hết tháng 11/2015 cả nước đã sản xuất và tiêu thụ tổng cộng 21 tỷ viên QTC, trong đó 16 tỷ viên QTC là gạch đất sét nung, 4,99 tỷ viên QTC là VLXKN. Trong số 4,99 tỷ viên QTC là VLXKN có 4,5 tỷ viên QTC là gạch blok bê tông ( gạch xi măng cốt liệu) và 0,49 tỷ viên QTC là gạch nhẹ.

Ước năm 2015, cả nước sử dụng tổng cộng khoảng 22,85 tỷ viên QTC, trong đó 17,5 tỷ viên QTC là gạch đất sét nung (bằng 97% so với năm 2014) và 5,33 tỷ viên QTC là VLXKN (bằng 113% so với năm 2014).

Như vậy, so với Chương trình phát triển VLXKN đến năm 2020 thì chúng ta có đạt mục tiêu đề ra không?

– Theo số liệu thống kê, hiện nay trên toàn quốc đã đầu tư: Về gạch xi măng cốt liệu có tổng công suất khoảng 5,1 tỷ viên QTC, trong đó khoảng hơn 1.500 dây chuyền có công suất dưới 7 triệu viên/năm và khoảng trên 100 dây chuyền sản xuất gạch xi măng cốt liệu có công suất từ 7 – 40 triệu viên/năm, đặc biệt có Cty đã đầu tư tới 3 dây chuyền sản xuất với công suất thiết kế 180 triệu viên/năm.

Về gạch bê tông khí chưng áp (AAC): có 12 dự án (tổng công suất 2 triệu m3 tương đương 1,2 tỷ viên QTC/năm) đã đi vào sản xuất. Các dây chuyền đã đầu tư có công suất phổ biến từ 100.000 – 200.000 m3/năm, cá biệt có dự án đầu tư dây chuyền công suất 300.000 m3/năm.

Tổng công suất đầu tư vào 3 loại sản phẩm chính (gạch xi măng cốt liệu, gạch AAC, gạch bê tông bọt) đạt trên 6,31 tỷ viên QTC/năm. Như vậy, nói về công suất hiện có chúng ta có thể đáp ứng 28-29% tổng số nhu cầu vật liệu xây. Về chủng loại, gạch xi măng cốt liệu đang chiếm khoảng trên 80%, gạch nhẹ mới khoảng gần 20% so với tổng số gạch xây không nung.

Về sử dụng, cả nước sử dụng ước khoảng 22,85 tỷ viên QTC, trong đó 17,5 tỷ viên QTC là gạch đất sét nung và 5,33 tỷ viên QTC là VLXKN. VLXKN chiếm tỷ trọng trên 23% trong tổng số vật liệu xây.

Như vậy, mục tiêu của Chương trình phát triển VLXKN đến năm 2020 đã đạt về tỷ lệ chung ( 20 – 25% vào năm 2015, 35 – 40% vào năm 2020). Tuy nhiên, chúng ta chưa hài lòng với tỷ lệ đó, vì đây là vấn đề bảo vệ tài nguyên không thể tái tạo và hạn chế đến mức thấp nhất ô nhiễm môi trường. Một số địa phương vẫn chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này. Lò gạch thủ công, hoặc lò gạch thủ công cải tiến, tại địa phương đó vẫn còn, tỷ lệ sử dụng VLXKN đang thấp so với mục tiêu. Trong sử dụng VLXKN, tỷ lệ sử dụng VLXKN loại nhẹ đang quá thấp so với mục tiêu (chỉ khoảng trên 11% trong VLXKN), cũng là một kết quả hạn chế trong việc thực hiện Chương trình.

Trong thời gian tới, cần phải có những giải pháp đồng bộ gì để thực hiện có hiệu quả Chương trình phát triển VLXKN, thưa ông?

– Theo tôi, để phát triển VLXKN cần có 3 nhóm giải pháp, gồm giải pháp về cơ chế chính sách, về khoa học công nghệ và về thông tin, tuyên truyền.

Về cơ chế chính sách, cần có những ưu đãi cụ thể, lâu dài về vốn (riêng nhu cầu vốn đầu tư phát triển sản xuất VLXKN của cả nước đến năm 2020 khoảng 5.200 – 6.500 tỷ đồng), thuế, tiền thuê đất đối với các nhà sản xuất và từng loại VLXKN. Chẳng hạn ở Trung Quốc, các doanh nghiệp sản xuất VLXKN được miễn thuế suất VAT cho sản xuất gạch bê-tông nhẹ. Ðồng thời có chính sách quản lý chặt chẽ sản xuất gạch đất sét nung, hạn chế tối đa việc sử dụng đất nông nghiệp làm nguyên liệu sản xuất gạch đất sét nung. Ngoài ra, cần ban hành đồng bộ, chi tiết các chính sách ưu đãi sử dụng phế thải công nghiệp sản xuất VLXKN và bắt buộc sử dụng vật liệu mới vào các công trình xây dựng theo các tiêu chí cụ thể.

Tiếp đó, cần từng bước hoàn thiện các giải pháp về khoa học kỹ thuật trong điều kiện Việt Nam, xây dựng, công bố và ban hành đầy đủ tiêu chuẩn liên quan đến thiết kế, thi công, nghiệm thu… các công trình sử dụng VLXKN. Hiện nay, nước ta cần thêm các tài liệu chuyên nghiệp và mang tính chuyên sâu về hướng dẫn thiết kế, thi công, định mức tiêu hao cho một đơn vị khối lượng xây dựng sử dụng VLXKN.

Ngoài ra, công tác tuyên truyền về vấn đề phát triển VLXKN đóng vai trò hết sức quan trọng. Tuyên truyền để các nhà quản lý, chính quyền địa phương, đặc biệt là chính quyền đô thị, các nhà tư vấn, các chủ đầu tư, các DN xây dựng và mọi người dân khi có liên quan đến xây dựng cần được phổ biến ưu điểm và ưu đãi đối với sản xuất và sử dụng VLXKN, để từng bước thay đổi thói quen sử dụng gạch đất sét nung vẫn tồn tại. Đồng thời thấy được những tác động tiêu cực của việc sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung không theo quy hoạch, để tập trung mọi năng lực phát triển sản xuất và sử dụng gạch xây không nung, góp phần phát triển ngành công nghiệp VLXD nước ta hiện đại, bền vững.

Vậy, dự báo năm 2016 tình hình sản xuất và tiêu thụ VLXD sẽ diễn ra thế nào?

– Năm 2016 tình hình kinh tế cả nước vẫn còn nhiều khó khăn, tuy nhiên trên cơ sở những kết quả đạt được năm 2015, căn cứ vào mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của cả nước năm 2016 được Chính phủ đệ trình và đã được Quốc hội thông qua, việc sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm VLXD năm 2016 của cả nước ít nhất vẫn duy trì được tỷ lệ tăng trưởng như năm 2015.

Với sự nỗ lực của các địa phương, có sự hỗ trợ của các bộ, ngành, cùng sự vào cuộc đồng bộ của tư vấn, chủ đầu tư và nhà thầu, chắc chắn tỷ lệ sử dụng VLXKN sẽ cao hơn trong những năm tới.

Trân trọng cảm ơn ông!

Vân Anh (thực hiện)/Báo Xây dựng