15/08/2019

2 bộ trưởng giải thích lý do đội vốn các dự án đường sắt đô thị

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến việc vốn các dự án đường sắt tăng hàng nghìn tỷ đồng là không lường hết được quy mô, hạng mục của dự án.

Sáng 15/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn 15 thành viên Chính phủ. Đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) đặt câu hỏi về việc sử dụng vốn vay ODA đầu tư cho 5 dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TPHCM. Ông cho biết các dự án vừa chậm tiến độ, vừa bị đội vốn dự kiến lên đến trên 80.000 tỷ đồng.

Đại biểu Quảng Nam đề nghị Bộ trưởng Tài chính và Bộ trưởng Giao thông và Vận tải cho biết nguyên nhân và trách nhiệm trong việc quản lý, điều hành nguồn vốn ODA trong thời gian qua.

“Giải pháp nào để khắc phục trong thời gian tới?”, ông đặt câu hỏi.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông có tổng mức đầu tư dự kiến 8.770 tỷ đồng đã bị đội lên thành 18.000 tỷ đồng (tăng 9.231,6 tỷ đồng). Ảnh: Việt Linh.

Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông có tổng mức đầu tư dự kiến 8.770 tỷ đồng đã bị đội lên thành 18.000 tỷ đồng (tăng 9.231,6 tỷ đồng). Ảnh: Việt Linh.

Trả lời, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng thông tin Bộ Tài chính là đầu mối đàm phán ký kết các hiệp định, còn vấn đề về chủ trương đầu tư là Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý. Ông Dũng cho biết đầu tư có nhiều khâu, từ chủ trương, đầu tư đến giao dự toán và các vấn đề liên quan.

Về việc chậm tiến độ và đội vốn, Bộ trưởng Tài chính cho rằng trước hết là trách nhiệm của chủ đầu tư; các bộ, ngành có trách nhiệm liên quan.

“Chia lửa” với Bộ trưởng Tài chính, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng giải thích thêm về lý do các dự án đường sắt đô thị bị đội vốn.

Ông cho biết đây là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức thực hiện các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TPHCM. Vì vậy, hiểu biết, kinh nghiệm, năng lực từ tư vấn đến cơ quan quản lý chưa theo kịp và chưa đáp ứng được.

Ông khẳng định trong thời gian đầu sử dụng nguồn vốn ODA, Việt Nam chủ yếu thu hút công nghệ và kinh nghiệm quốc tế. Theo đó, các nhà thầu tư vấn quốc tế lập dự án và các cơ quan của Việt Nam sẽ tham gia xem xét, thẩm định và phê duyệt.

“Đây là công trình lớn và phức tạp, chúng ta không lường hết được từ bước đầu đến khi kết thúc dự án. Do vậy, từ khi phê duyệt đến triển khai thực hiện đã phải điều chỉnh lại và tăng vốn lên rất lớn”, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư nói.

Ông Dũng nêu thực trạng tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TPHCM là Bến Thành – Suối Tiên đã tăng từ 17.000 tỷ đồng lên47.000 tỷ đồng, tức tăng 30.000 tỷ đồng. Dự án đường sắt đô thị số 2 tăng từ 26.000 tỷ đồng lên 47.000 tỷ đồng. Trong khi đó, dự án tại Hà Nội cũng bị đội vốn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng trả lời thêm nguyên nhân chính dẫn đến vốn tăng cao là không lường hết được quy mô, hạng mục của dự án. Ông cho rằng không nên gọi đây là đội vốn.

“Không nên gọi ngay đây là đội vốn, mà thực ra chúng ta tính chưa hết hoặc tính không đầy đủ”, ông Dũng nói.

Bộ trưởng cũng cho rằng nếu càng kéo dài thời gian hoàn thành dự án thì chi phí sẽ càng tăng cao. Việc điều chỉnh lại vốn dẫn đến khúc mắc về thẩm quyền phê duyệt thẩm định. Vấn đề thứ hai là tăng vốn lên sẽ lấy nguồn ở đâu, đã được tính vào kế hoạch trung hạn chưa. Bên cạnh đó, tỷ lệ giữa khả năng cấp phát và vay lại ở địa phương sẽ thay đổi như thế nào.

Ông Dũng thông tin hiện nay, TPHCM đang tiến hành thẩm định lại các dự án để quyết định phê duyệt điều chỉnh. Trên cơ sở đó, Thành phố thống nhất với Bộ Tài chính về phương án vay, cấp phát giữa Nhà nước, Bộ Tài chính và địa phương.

Ngoài ra, nguồn vốn để bố trí trong kế hoạch trung hạn cũng đã được cân đối. Do vậy, TPHCM đã đủ điều kiện để tiếp tục triển khai các dự án trong thời gian tới.

Văn Hưng/news.zing.vn